Làm sao để ngăn tình trạng kiểm tra học kỳ sớm?

19/05/2023 06:35
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau kiểm tra HK2, thực tế học sinh không còn hứng thú học tập; giáo viên lo chấm bài, vào điểm, hoàn thành sổ sách, nên học sinh có thể mất hai tuần học.

Chuẩn bị bước vào mỗi năm học Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học.

Trên cơ sở khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành kế hoạch năm học của tỉnh mình. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo dựa trên kế hoạch năm học của Sở để lập kế hoạch năm học của huyện mình.

Vì thế, các địa phương trên cả nước có khung kế hoạch thời gian năm học tương đối thống nhất, giúp hoạt động giáo dục thống nhất trên cả nước.

Thực tế, có nơi tổ chức kiểm tra học kì sớm, làm 2 tuần cuối năm học sinh chỉ đến trường "đánh trống ghi tên".

Anh Nguyễn Văn Hùng ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: "Bé nhà tôi năm nay học lớp 8, hai tuần nay gần như đến lớp cho vui, chẳng học hành gì.

Chương cuối của Hình học có phần hình học không gian, cháu chia sẻ, chỉ biết tự đọc, tự học theo sách giáo khoa, giáo viên tối mặt lo chấm bài, làm sổ, duy trì trật tự.

Tôi thấy kiểm tra học kì sớm là không ổn, mất quyền lợi học tập của học trò, chắc giáo viên cũng chẳng sung sướng gì khi học sinh đã kiểm tra, nay xả hơi, không học".

Tại sao có địa phương tổ chức kiểm tra học kì sớm

Ngày 05/8/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2159/QĐ-BGDĐT về khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Điều 2 Quyết định 2159/QĐ-BGDĐT ghi rõ: Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học của các địa phương

1. Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học:

a) Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần);

b) Đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông).

- Đối với các lớp 8, lớp 9 cấp trung học cơ sở và lớp 11, lớp 12 cấp trung học phổ thông có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần).

- Đối với các lớp 6, 7 cấp trung học cơ sở và lớp 10 cấp trung học phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).

2. Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.

3. Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.

4. Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

5. Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.[1]

Năm học 2022-2023, thực hiện 35 tuần thực học, các cơ sở giáo dục phổ thông chỉ có thể kiểm tra học kỳ 2 vào tuần 35 từ ngày 18/5/2023 đến 20/5/2023.

Ảnh chụp màn hình do bạn đọc cung cấp

Ảnh chụp màn hình do bạn đọc cung cấp

Thực tế, một số cơ sở giáo dục “lách luật” dựa trên Khoản 2 Điều 2 “Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương” đã vận dụng, tổ chức kiểm tra đánh giá học kì sớm nhưng “phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương”.

Một trong những nguyên nhân địa phương tổ chức kiểm tra học kỳ sớm là để xét thi đua trên cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục.

Cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục địa phương chính là phần mềm quản lý trường học mà địa phương đang thống nhất sử dụng.

Chính “xét thi đua” sớm đã vô hình trung làm cho các cơ sở giáo dục kiểm tra học kì sớm. Kiểm tra học kì sớm đã vô hình trung làm mất thời gian thực học của học sinh.

Để hoàn thành sổ điểm trên cơ sở dữ liệu của ngành vào tuần 35, các cơ sở giáo dục phải tổ chức kiểm tra chậm nhất vào tuần 33 của năm học.

Sau khi đã kiểm tra học kì, thực tế học sinh không còn hứng thú học tập; giáo viên lo chấm bài, vào điểm, hoàn thành sổ sách, nên học sinh có thể mất hai tuần học.

Trước thực tế này, người viết có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ban hành quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học cần ghi rõ kiểm tra học kỳ I vào tuần 18, kiểm tra học kì 2 vào tuần 35.

Thứ hai, lùi thời gian báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí thi đua và đề nghị xét khen thưởng năm học sang tháng 7 thay vì trước ngày 25 tháng 6 năm 2023 như hiện nay.

Thứ ba, tốt hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất cả nước thực hiện cùng một phần mềm quản lý nhà trường, lúc đó Bộ có thể giám sát thực hiện kế hoạch năm học cả nước, các Sở không cần báo cáo.

Thứ tư, các địa phương chỉ thực hiện xét thi đua năm học sau tuần 35, tuyệt đối không xét thi đua trong thời gian thực học của học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2159-qd-bgddt-2022-khung-ke-hoach-thoi-gian-nam-hoc-2022-2023-doi-voi-giao-duc-mam-non-227529-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh