Làm sao giám sát thẩm định được đề án thi tuyển chọn cán bộ qua thực tế?

24/06/2018 02:33
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Thầy Đỗ Tấn Ngọc cho rằng có sự giám sát, kiểm định của cấp trên để biết được, đo được năng lực của người trúng tuyển làm cán bộ...

LTS: Hiện nay, đề án thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng đã được áp dụng.

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc bày tỏ sự băn khoăn về phương pháp giám sát thẩm định đề án này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng và tương đương ở các cơ quan đảng, đoàn thể, nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Hội đồng thi tuyển được thành lập, tiến hành xây dựng kế hoạch thi tuyển, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các đơn vị có liên quan.

Tiếp đến, là hướng dẫn người đăng ký thi tuyển làm hồ sơ, tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt danh sách ứng viên dự thi đúng quy định.

Ban Tổ chức Trung ương bổ nhiệm 3 trưởng phòng sau thi tuyển. Ảnh minh hoạ, nguồn: VOV
Ban Tổ chức Trung ương bổ nhiệm 3 trưởng phòng sau thi tuyển. Ảnh minh hoạ, nguồn: VOV

Xây dựng đề cương ôn tập và hướng dẫn ứng viên dự thi tiếp cận, nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu hoạt động của lĩnh vực mà họ sẽ phụ trách cũng việc hoàn tất bộ đề thi, đáp án, biểu chấm điểm đảm bảo bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và chức trách, nhiệm vụ của vị trí thi tuyển.

Quy trình đầy đủ, luôn bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị;

Khâu tổ chức thi tuyển đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh đã nhận sự đồng tình, ủng hộ nhất trí cao của cán bộ, công chức, viên chức.

Nhờ đó, đã chọn lựa được đúng người, bước đầu những cán bộ được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đã phát huy tốt vai trò, năng lực lãnh đạo của mình trong thực tiễn công tác.

Làm sao giám sát thẩm định được đề án thi tuyển chọn cán bộ qua thực tế? ảnh 2Cần chấm dứt chuyện bỏ phiếu bầu cán bộ kiểu “anh này được đấy!”

Điều đó cho thấy tính đúng đắn, khoa học và hiệu quả trong đổi mới, cải tiến công tác bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. 

Tuy nhiên, không ít cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân vẫn còn băn khoăn về tính khả thi các đề án mà các ứng cử viên đã trình bày.

Khi làm việc, liệu họ có thực hiện được và đúng những kế hoạch, giải pháp như trong đề án đã nêu không?

Có người còn lo ngại tình trạng, báo cáo đề án thì rất hay, rất tốt, đạt điểm rất cao nhưng khi làm, áp dụng lại chẳng ra ngô, ra khoai gì.

Hội đồng thi tuyển, hội đồng giám khảo, những người ra quyết định bổ nhiệm đó có theo dõi, giám sát được việc thực thi nhiệm vụ, giải pháp trong đề án của những người trúng tuyển hay không?

Nếu họ làm không được, quá lệch xa với đề án thì hướng xử lý, giải quyết như thế nào?

Được biết, ở nước ngoài, người ta rất chú trọng việc thực hiện theo cam kết, đề án và có sự giám sát, tư vấn, thẩm định rất rõ ràng cho các ứng cử viên trúng tuyển. 

Thiết nghĩ, việc đổi mới công tác bộ nhiệm cán bộ, các chức danh theo hình thức thi tuyển ở các đơn vị, địa phương trong thời gian qua là cần thiết và tiếp tục làm, mở rộng hơn nữa.

Nó thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo, bản lĩnh của Đảng ta trong công tác cán bộ.

Tất nhiên, cách làm cần đổi mới, cải tiến, thực chất hơn nữa, gắn lý thuyết với thực tế, đề án bám sát cuộc sống và có sự giám sát, kiểm định của cấp trên để biết được, đo được năng lực của người trúng tuyển và tính hiệu quả, tính khả thi của đề án.

Từ đó có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm cần thiết để công tác bổ nhiệm cán bộ ngày càng đi vào quy củ, chiều sâu; chọn lựa, phát huy được cán bộ vừa có đức vừa có tài.

ĐỖ TẤN NGỌC