LTS: Cho rằng, cạnh tranh thu nhập tăng thêm cũng là nguyên nhân khiến lạm thu bùng phát, cô giáo Mai Hoa đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Khác với nhiều ngành nghề, ngoài đồng lương cứng những người làm trong ngành giáo dục không có bất kỳ một khoản lương thưởng nào khác.
Những danh hiệu nghe vẻ vang như kỉ niệm chương (dành cho giáo viên có thâm niên nghề từ 20 năm trở lên) tiền thưởng vừa bằng 4 tô phở bò hạng thường.
Ngay những danh hiệu nghe danh giá, giáo viên dạy giỏi cấp này cấp nọ cũng chỉ là tờ giấy khen an ủi.
Cho đến những ngày kỉ niệm nhà giáo, ngày lễ, tết cũng chỉ nhận nhiều nhất lời chúc mừng và ngậm ngùi nhìn thiên hạ hồ hởi, háo hức nhận triệu nọ triệu kia.
Ngoài lương cứng những người làm trong ngành giáo dục không có bất kỳ một khoản lương thưởng nào khác (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Cấp trên cảm thông nhưng cũng bất lực vì “lực bất tòng tâm”. Bù lại, họ đã “mở lối”, chỉ đường cho các trường nếu chi tiêu tiết kiệm, hợp lý (bằng khoản tiền ngân sách cấp cho hoạt động trong năm) thì cuối năm, phần kết dư ấy làm thu nhập tăng thêm để động viên anh em đỡ tủi lòng.
Và kể từ ngày ấy, lần đầu tiên chúng tôi nhận được khoảng vài trăm ngàn đồng tiền thưởng tết.
Nhưng cũng từ đó, giáo viên trường này nhìn sang trường khác để so sánh phân bì “hiệu trưởng người ta tiết kiệm liêm khiết nên cuối năm trường mới dư nhiều. Hiệu trưởng trường mình…”, dù câu nói bỏ ngỏ nhưng ai cũng hiểu đằng sau ấy ẩn chứa điều gì.
Ngân sách cấp cho trường không tăng, muốn dư đương nhiên nhiều trường phải gói gém trong chi tiêu.
Nhưng, dù có giỏi gói gém cỡ nào nếu chỉ dựa vào tiền ngân sách cấp cho hoạt động thì số tiền thưởng cuối năm cho cán bộ công nhân viên của trường cũng chẳng nổi vài triệu đồng.
Hạn chế chi tiêu nhưng các hoạt động vẫn cứ phải diễn ra, rồi trường lớp xuống cấp, nhu cầu mua sắm, sửa mới tăng cao.
Nếu cứ nhăm nhăm vào khoản tiền ngân sách để sửa sang, mua sắm thì cuối năm “đừng mơ gì còn một đồng tiền thưởng” (tiết lộ của một số hiệu trưởng). Và như thế “biết ăn nói thế nào với anh em?”.
Nguồn tiền dồi dào nhất chính là hầu bao của phụ huynh. Thế là nhiều hiệu trưởng phải nghĩ ngay đến giải pháp kêu gọi sự ủng hộ, chung tay từ quý phụ huynh.
Trước chỉ là sự tự nguyện của những tấm lòng hảo tâm để nhà trường sửa sang lại phòng ốc, làm lại sân cho học trò chơi, sắm thêm bàn ghế mới hay mua thêm ti vi, đèn chiếu phục vụ cho việc học... Nhưng, người tự nguyện đóng góp không nhiều.
Không ít trường học muốn thu được một khoản tiền lớn, ổn định đã tự đề ra mức ủng hộ cào bằng cho tất cả học sinh nhưng núp danh tự nguyện.
Nào là “sổ vàng”, khoản thu tự thỏa thuận, khoản thu tự nguyện hay khoản thu hộ chi hộ…Những khoản này chẳng có mức nào làm chuẩn.
Trường ở thành phố mức sống và thu nhập của người dân cao hơn nên nhà trường cũng quy định mức ủng hộ cao hơn những vùng khác.
Trường thu được nhiều, mọi khoản chi tiêu trong trường đều nằm trong khoản tiền ấy. Thế là, khoản tiền ngân sách dùng cho hoạt động đương nhiên sẽ dư nhiều.
Cuối năm, số dư đó để động viên tinh thần cho giáo viên đã tích cực hợp tác trong chuyện kêu gọi, vận động và nỗ lực thu từ phụ huynh.
Nhiều trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu đã có mức thưởng cho các ngày lễ, ngày kỉ niệm. Đặc biệt là tiền thưởng Tết lên đến vài chục triệu đồng/người.
Cùng trong một địa bàn nhưng các trường có mức thưởng khác nhau sẽ không tránh khỏi trường này lại nhìn trường kia phân bì, thắc mắc. Thế là, để tránh tai tiếng, các sếp lại học hỏi nhau kinh nghiệm.
Một thực tế cho thấy, vận động thu được nhiều, đâu chỉ mình hiệu trưởng nhờ mà chính mỗi thầy cô cũng được hưởng lợi.
Tiền thưởng năm này nhận nhiều, chẳng có lý do gì để năm học sau họ không nỗ lực kêu gọi, vận động và tận thu triệt để.