Lần đầu tiên mở ngành đào tạo giáo viên tích hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội nêu kỳ vọng

06/03/2024 06:28
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Từ năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu tuyển sinh, đào tạo giáo viên môn tích hợp.

Vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã ký 2 quyết định (số 591/QĐ-BGDĐT và số 592/QĐ/BHGDĐT) về việc cho phép Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên trình độ đại học (mã số 7140247) và ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý (mã số 7140249).

Như vậy, từ năm 2024 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo 29 ngành sư phạm và 16 ngành ngoài sư phạm.

Về lý do mở hai ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở 2 ngành đào tạo này để đáp ứng nhu cầu giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo học hai ngành này tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức chuyên môn về Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý và nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học bám sát yêu cầu cần đạt, nội dung môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý ở trường trung học cơ sở.

GDVN_SPHN.jpg
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Phạm Thi.

Được biết, đây là lần đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở ngành đào tạo giáo viên môn tích hợp sau 5 năm ngành giáo dục công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với sự ra đời của các môn học tích hợp.

Phóng viên nêu băn khoăn về những kỳ vọng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào kết quả tuyển sinh, đào tạo giáo viên môn tích hợp trong thời gian tới. Về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Bá Trình chia sẻ: “Nhà trường mong muốn tuyển sinh được những sinh viên có năng lực học tập tốt, đam mê khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), yêu thích công việc dạy học, giáo dục học sinh và truyền niềm đam mê khoa học của mình tới thế hệ trẻ. Khi ra trường, các cử nhân sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thông qua môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý”.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Bá Trình, chương trình đào tạo hai ngành học nêu trên đáp ứng khung chuẩn đầu ra đối với các ngành đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phù hợp với mô hình đào tạo đại học chính quy và hệ sinh thái học tập của trường.

Khung chương trình được thiết kế khoa học, thuận lợi cho sinh viên học cùng lúc hai chương trình theo quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, khi học cùng lúc hai chương trình đào tạo, sinh viên được nhận hai bằng đại học chính quy, chẳng hạn: Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Vật lý; Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Hóa học; Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Sinh học...

Như vậy, sinh viên tốt nghiệp ra trường, không những có cơ hội việc làm hết sức rộng mở mà còn có khả năng học tập, nghiên cứu ở bậc học cao hơn theo chuyên ngành sâu (Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học).

Về điều kiện vật chất và đội ngũ giảng viên, sinh viên hai ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý được kế thừa trọn vẹn và sử dụng chung cơ sở vật chất, thiết bị đầy đủ, hiện đại của các ngành Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý. Đây đều là những ngành đào tạo truyền thống, uy tín của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Mặt khác, các em được đào tạo, rèn luyện và truyền cảm hứng bởi các thầy cô giảng viên, chuyên gia đầu ngành về khoa học cơ bản và khoa học giáo dục; trong đó có nhiều thầy cô là chủ biên, thành viên ban biên soạn chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử - Địa lý.

Bên cạnh đó, rất nhiều thầy cô là tổng chủ biên, chủ biên, tác giả của các bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Đây là những điều kiện rất thuận lợi giúp sinh viên hai ngành này tìm hiểu kỹ lưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý và phát triển phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu dạy học hai môn học mới này ở cấp trung học cơ sở”, Tiến sĩ Trần Bá Trình nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Trình, ngoài những thuận lợi về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất kể trên, nhà trường có bề dày kinh nghiệm trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và kết nối chặt chẽ, rộng khắp với mạng lưới các trường trung học cơ sở có uy tín - những cơ sở thực hành, thực tập chất lượng cho sinh viên hai ngành này. Tuy nhiên, việc triển khai hai chương trình đào tạo mới sẽ không tránh khỏi những khó khăn và những thử thách cần vượt qua để đáp ứng chuẩn đầu ra cao mà hai chương trình đào tạo đặt ra.

Theo thông tin từ website nhà trường, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, sinh viên có thể dạy học môn Khoa học tự nhiên ở trường trung học cơ sở. Đồng thời có năng lực xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục STEM ở trường trung học cơ sở và trung tâm giáo dục STEM. Bên cạnh đó, có khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Còn đối với ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể dạy học môn Lịch sử và Địa lý ở trường trung học cơ sở. Có khả năng tiếp tục học tập và nghiên cứu ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sử dụng 5 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển thẳng; Xét học bạ Trung học phổ thông; Thi tuyển (thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực); Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng được quy định tại khoản 1, 2, điều 8 của Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thí sinh phải nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ưu tiên cộng điểm hoặc phỏng vấn xét tuyển thẳng nếu thí sinh có viết bài luận đạt kết quả tốt.

Đối với các ngành đào tạo giáo viên (nhóm ngành I), năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh 2.620 chỉ tiêu; đối với các ngành khác (ngoài sư phạm), nhà trường tuyển sinh 1.750 chỉ tiêu.

Phạm Thi