Lăn lộn cùng ngư dân bám biển để chế tạo “áo khoác công nghệ sCoat”

29/06/2020 11:16
THÀNH AN - XUÂN TƯƠI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi gặp sự cố nguy hiểm trên biển, chiếc áo khoác dễ dàng biến đổi trở thành chiếc áo phao cứu hộ có tích hợp GPS.

Sau nhiều ngày lăn lộn với ngư dân bám biển, chiếc “áo khoác công nghệ sCoat” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã ra đời.

Những tính năng độc đáo cũng như ứng dụng vào cuộc sống thực tiễn đã giúp sáng chế này giành giải nhất tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS), vòng mô phỏng kinh doanh tổ chức tại Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua.

Sản phẩm ra đời từ thực tiễn

Trước khi trình làng chiếc áo khoác công nghệ, nhóm Next-In gồm 5 thành viên: Lê Thị Nhã (khoa Hóa), Lê Bá Thăng và Lê Thị Dạ Thảo (khoa Điện), Trần Lê Vĩ Nhân Tâm (khoa Quản lý dự án) và Đàm Quang Tiến (khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã có nhiều ngày lăn lộn thực tế với ngư dân ở Sơn Trà (Đà Nẵng).

Các thành viên trong nhóm Next-In với sản phẩm áo khoác công nghệ. Ảnh: XT

Các thành viên trong nhóm Next-In với sản phẩm áo khoác công nghệ. Ảnh: XT

Suy nghĩ của cả nhóm lúc đó là làm sao có thể chế tạo được một loại áo phao gọn nhẹ, dễ sử dụng nhưng không cồng kềnh, không làm ảnh hưởng đến công việc của ngư dân khi hành nghề trên biển.

“Qua khảo sát có đến 95% ngư dân lựa chọn không sử dụng áo phao khi đi biển vì sự cồng kềnh, khó thao tác công việc trên biển. Mặc dù họ biết khả năng gặp tai nạn rất cao do những cơn sóng bão lớn đánh bất ngờ.

Mong muốn ban đầu của nhóm rất đơn giản chính là để giúp đỡ ngư dân và sau đó là dần dần thay đổi nhận thức của họ về bảo hộ lao động trong công việc mưu sinh”, bạn Lê Nhã chia sẻ.

Những phác thảo ban đầu về một chiếc áo khoác công nghệ gọn nhẹ, khi gặp sự cố thì có thể trở thành một chiếc áo phao cứu hộ với thiết bị định vị GPS giúp thuận lợi cho công tác tìm kiếm cứu nạn được nhen nhóm thực hiện.

Qua từng bản thảo, chiếc áo khoác ngày càng trở nên hoàn thiện với các chỗ chứa các dụng cụ sử dụng để sinh tồn nếu chẳng may bị lạc trôi trên biển sau tai nạn.

“Để ra đời một sản phẩm hoàn thiện thì cả nhóm đã phải nghiên cứu, làm việc trong khoảng thời gian một năm.

Các thành viên của nhóm đến từ nhiều khoa khác nhau nên mỗi bạn cũng có một năng lực khác nhau.

Tuy nhiên, khi các bạn kết hợp với nhau, cùng với tinh thần, lòng nhiệt huyết, sự đam mê tìm tòi, học hỏi cách đi ra cọ xát với thực tế, thiết kế sản phẩm, học hỏi thêm cả phần các mô hình kinh doanh và nghệ thuật thuyết trình.

Cùng với đó là sự phối hợp làm việc nhóm hết sức hiệu quả và nhịp nhàng để đi đến sản phẩm như mong đợi”, bạn Đàm Quang Tiến hào hứng chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ vào thực tiễn

Với tiêu chí gọn, nhẹ, dễ dàng trong việc di chuyển và thao tác, “áo khoác công nghệ sCoat” nhìn bề ngoài trông giống như những chiếc áo khoác thông thường, nhưng bên trong được trang bị phao nổi ở vùng cổ và hai cánh tay, tích hợp một hệ thống chứa khí nén CO2 vừa phải nằm gọn trong áo.

Chiếc áo khoác công nghệ với nhiều tính năng giúp ngư dân có thể vượt hiểm trong những sự cố, tai nạn trên biển. Ảnh: XT

Chiếc áo khoác công nghệ với nhiều tính năng giúp ngư dân có thể vượt hiểm trong những sự cố, tai nạn trên biển. Ảnh: XT

Khi cần thiết có thể ấn nút mở van cho khí làm phồng phao, đưa người nổi lên trên mặt nước - một thành viên trong nhóm chia sẻ thêm.

Ngoài ra, nhóm Next-In còn trang bị thêm các bảng phản quang ở tay và lưng, và thiết kế một cách khoa học nơi đựng dụng cụ như còi, đèn, dao và thiết bị định vị… giúp nạn nhân có thể sinh tồn trong những tình huống thất lạc và hỗ trợ công tác tìm kiếm nạn nhân sau tai nạn.

“Bên cạnh các tính năng kỹ thuật, nhóm còn hướng tới thay đổi nhận thức của ngư dân đi biển, giúp họ biết chú trọng bảo vệ bản thân mình trong công việc mưu sinh thường ngày và giúp người thân trong gia đình ngư dân yên tâm hơn khi họ đi biển”, bạn Lê Thị Dạ Thảo (thành viên nhóm) cho hay.

Theo Thảo thì hiện mỗi chiếc áo có trị giá khoảng 450.000 đồng, là mức giá có thể chấp nhận được với thu nhập của ngư dân đi biển.

Dự kiến bước đầu, nhóm sẽ bán ít nhất một áo cho 25 tàu biển, với mỗi tàu có từ 10 đến 15 ngư dân, tập khách hàng tiềm năng rất lớn và sẽ bán được hàng trong giai đoạn tiếp theo.

Nhóm cho biết 6 tháng đầu sẽ tập trung thị trường Đà Nẵng, trong một năm tới sẽ mở rộng khắp miền Trung và hai năm nữa là trên phạm vi cả nước.

THÀNH AN - XUÂN TƯƠI