Tiếp theo bài trước: Trên một huyện có quá nhiều trung tâm, lãng phí
Đến dự cuộc Hội thảo “Tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 24/12, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ:
Video: Càng nhiều thủ tục thì ngân sách càng rơi vãi
“Chúng ta cần xác định những giải pháp, tính hiệu quả của đầu tư công phải đảm bảo được mục tiêu kinh tế xã hội, đó là yêu cầu số 1.
Phải xóa bỏ thủ tục phiền hà, càng nhiều thủ tục thì tiền bạc càng rơi vãi nhiều, càng qua nhiều cấp thì chi phí giao dịch sẽ lớn.
Điểm nữa là phải quy trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của từng khâu một, hiện nay ngoài giáo dục đào tạo thì còn nhiều dự án khác hàng nghìn tỷ, đến khi về hưu rồi mới quy trách nhiệm là không được.
Cần phải quy trách nhiệm sớm từ việc đề xuất các dự án, đến khâu nghiên cứu tiền khả thi, khả thi cũng như khâu phê duyệt, tổ chức thực hiện, đánh giá, trách nhiệm giải trình phải rất rõ. Chúng ta chỉ làm trong đầu tư trung hạn, hàng năm và hết nhiệm kỳ là lại xong.
Một điểm khó trong quy hoạch hiện nay với bối cảnh của chúng ta đang chịu sự thay đổi rất lớn về cấu trúc kinh tế xã hội, cũng như chịu tác động của hội nhập và đặc biệt là luật pháp nên, cũng có những cái khó nhất định.
Cần phải tìm hiểu kỹ tại sao Đại học Quốc gia trên Hòa Lạc xây lâu như vậy? |
Vậy phải làm sao tăng cường tự chủ của người sử dụng đồng vốn trực tiếp và trách nhiệm phải giải trình.
Khi đổi mới giáo dục thường xuyên thì phải đổi mới cơ chế về quản trị tài chính, ví dụ tăng cường cơ chế tự chủ cho trung tâm giáo dục thường xuyên bởi trong thực tế rất cần.
Bà con nông dân ngay xung quanh Hà Nội rất cần những kỹ thuật về chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh…theo tôi có rất nhiều việc, vậy muốn tự chủ thì nhà nước phải có chiến lược quy hoạch lại, cũng như phát triển năng lực cho họ.
Tôi giao cho anh quyền làm chủ nhưng anh lại không có năng lực, nhiều cán bộ của trung tâm giáo dục thường xuyên cũng có nhiều người giỏi, nhưng nói chung là cũng giống các trung tâm dạy nghề đều có năng lực quản lý yếu.
Bên cạnh đó là cơ chế tài chính có quá nhiều cái lãng phí, nhiều doanh nghiệp hiện nay khi cuộc cách mạng 4.0 đã đến mà họ chậm đổi mới công nghệ, đó cũng là do chúng ta không có nhân lực.
Yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không cao như những nước khác, cũng chính là chúng ta không có con người để đổi mới công nghệ, và con người đó là những người đang làm trong doanh nghiệp, phải thông qua giáo dục thường xuyên để đào tạo, nâng cấp họ thường xuyên.
Cũng có nhiều người nói là phải cung cấp tiền cho bên đào tạo, nhưng họ đã nộp thuế rồi và bên tài chính, bên kế hoạch đầu tư phải điều hòa nguồn thuế của người ta để chi và làm phúc lợi xã hội.
Nhưng hiện nay chúng ta có một cơ chế gần hơn, tức là dùng cơ chế để rót tiền thẳng cho doanh nghiệp, hoặc là miễn thuế doanh nghiệp. Hiện tại chúng ta cứ loay hoay phân luồng cho dạy nghề, tôi cho vẫn chưa chuẩn.
Nếu chúng ta phân luồng mạnh vào trong doanh nghiệp, cứ có việc làm và thu nhập là phân luồng thì câu chuyện nó khác, cũng là đồng tiền nhưng chuyển vào cơ chế miễn thuế cho doanh nghiệp.
Tôi nhắc lại bài học ở Thanh Hóa chúng ta đầu tư cho 11 trung tâm dạy nghề là hơn 60 tỷ đồng và đào tạo được hơn 1.000 người, nhưng chưa biết việc làm ra sao? Nhưng trong đó doanh nghiệp lại đào tạo được hơn 3.000 người và họ được bố trí việc làm luôn.
Tôi nghĩ rằng hướng và tốt hơn là tăng cường năng lực tự chủ cho các trung tâm giáo dục thường xuyên để họ cũng tự phải vận động, chứ còn tư duy các trường nghề vẫn nặng về tư duy bao cấp nhiều lắm, giờ thả ra là cũng ngại.
Cũng phải tính đến một phương án nữa là TPP, đó cũng là phương án không loại trừ”.
Đến dự hội thảo có bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ông Nguyễn Công Hinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ông Phạm Đức Tiến - đại diện Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội). Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội. |