Lãnh đạo CSGDĐH mong hạn chế thông tin so sánh giữa trường top trên với top dưới

11/08/2024 06:16
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Cần hạn chế những thông tin so sánh hơn thua giữa trường top trên và top dưới. Điều này có ý nghĩa giúp khích lệ trường yếu thế, trường khó vượt khó cống hiến.

Tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024 (diễn ra ngày 9/8), nhiều vấn đề liên quan đến tuyển sinh, phát triển đội ngũ giảng viên, thực hiện tự chủ đại học,... đã được đại diện các cơ sở giáo dục đại học thảo luận sôi nổi.

Chuẩn đầu ra chưa trở thành hành động thực tế của giảng viên: Đảm bảo chất lượng theo kiểu đối phó?

NTH_0182.jpg
Toàn cảnh Hội nghị Giáo dục đại học 2024, diễn ra ngày 9/8/2024. Ảnh: Trần Hiệp

Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, chia sẻ tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng giáo dục đại học nước ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về tài chính, học thuật, công bố khoa học,... Tuy nhiên, để tự chủ đi vào thực chất hơn, thầy Quang kiến nghị cần quan tâm hơn đến 3 vấn đề:

Thứ nhất, tạo điều kiện để giảng viên giảng dạy, nghiên cứu trong môi trường đổi mới sáng tạo, dân chủ và phản biện. Nếu làm được điều này, sản phẩm cuối cùng của giảng viên là đề cương môn học mới được đổi mới và đánh giá đồng bộ.

“Thực tế khi chúng tôi trực tiếp đi kiểm định chất lượng, chuẩn đầu ra chương trình rất tốt, nhưng lại không được thể hiện trên đề cương môn học của các thầy cô. Kết quả thống kê của một Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục cho thấy tỷ lệ này tại các trường chiếm trên 60%”, thầy Quang nêu dẫn chứng.

Thứ hai, tự chủ phải gắn với kết nối. Giáo sư Phạm Hồng Quang kiến nghị cần tăng cường hơn nữa sự liên kết, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, liên quan đến vấn đề truyền thông giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, nền tảng chính sách cần dựa trên các nghiên cứu khoa học. Cần hạn chế những thông tin so sánh hơn thua giữa các trường top trên và top dưới. Điều này có ý nghĩa giúp khích lệ trường yếu thế, trường khó vượt khó cống hiến.

Đề xuất bỏ xét tuyển sớm

_PHE4353.JPG
Ảnh minh họa: Trường Đại học Phenikaa

Về vấn đề tuyển sinh, đa số các ý kiến tại hội nghị đều nhận định, công tác tuyển sinh đã có nhiều đổi mới, song hiện vẫn còn một số hạn chế, nhất là việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức gây khó khăn, rối rắm cho thí sinh trong quá trình lựa chọn. Phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất xem xét bỏ phương thức xét tuyển sớm.

Theo thầy Phúc, thí sinh nhận kết quả trúng tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Gần đây, dư luận cũng đã phản ánh thực tế một số cán bộ tư vấn tuyển sinh ở các trường lại tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm lên đầu khi đăng ký xét tuyển chung - điều này dẫn đến sự thiếu công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh”, thầy Phúc nhận định.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cũng cho rằng, việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.

Thầy Phúc cho biết, năm 2022, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành đổi mới phương án tuyển sinh. Theo đó, nhà trường tổ chức tuyển sinh qua việc xét tổng hợp nhiều tiêu chí, bao gồm kết quả thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ và hoạt động xã hội, văn thể mỹ của người học.

"Chúng tôi cho rằng cách làm này sẽ đảm bảo được công bằng cho tất cả các thí sinh", thầy Phúc khẳng định.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, cả nước có 214/322 trường xét tuyển sớm. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 thí sinh đặt làm nguyện vọng 1 (chiếm gần 40%).

Số liệu thống kê kết quả phương thức xét tuyển sớm trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Số liệu thống kê kết quả phương thức xét tuyển sớm trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Liên quan đến vấn đề xét tuyển sớm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá, việc này có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông và cho biết sẽ có xem xét về phương thức này trong thời gian tới.

“Việc chúng ta xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét. Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau.

Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các đại học tự chủ có tự chủ cao trong vấn đề tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Vì việc này, Bộ có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, đồng thời nhấn mạnh các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ nhưng phải đề cao trách nhiệm xã hội.

Trong khi đó, Giáo sư Phạm Hồng Quang đề xuất nên giảm tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ và tăng tỷ lệ tuyển sinh đại học bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo thầy Quang, với sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, liên thông trong toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là dữ liệu đáng tin cậy để tuyển sinh đại học.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo chỉ nên sử dụng từ 3-5 phương thức tuyển sinh để tránh gây nhiễu cho thí sinh, đồng thời đảm bảo sự công bằng.

Trong chính sách tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm hơn đến các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực ở các vùng.

“Hiện nay, 10 địa phương có nhu cầu tham gia học đại học thấp nhất cả nước đều tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đơn cử, năm 2023, tỉ lệ nhập học đại học tại tỉnh Sơn La chỉ đạt 25,79%; tỉ lệ này tại tỉnh Lai Châu là 28,48%, Hà Giang là 29,21%,... (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Vì vậy, nếu không quan tâm nội dung này thì sẽ không đảm bảo được nguyên tắc công bằng, giữ vững mục tiêu đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đất nước. Đặc biệt, đây là điều kiện để thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phân tích.

Các địa phương có tỉ lệ nhập học thấp nhất cả nước tập trung phần lớn vào các tỉnh miền núi phía Bắc. Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo
Các địa phương có tỉ lệ nhập học thấp nhất cả nước tập trung phần lớn vào các tỉnh miền núi phía Bắc. Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo
DSC_8841 (1).jpg
Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT phát biểu tại Hội nghị Giáo dục đại học 2024. Ảnh: Trần Hiệp

Cho rằng vấn đề tuyển sinh từ năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi bởi đây là năm đầu tiên áp dụng thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm cụ thể hóa kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2025.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Trường Tùng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nâng cao hơn chất lượng đầu vào với 2 nhóm ngành Y dược và đào tạo giáo viên, bởi đây là 2 nhóm ngành có ý nghĩa rất quan trọng với xã hội.

“Mặc dù hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với 2 nhóm ngành này, song tôi cho rằng những quy tắc hiện nay là chưa đủ”, Tiến sĩ Lê Trường Tùng bày tỏ quan điểm.

Doãn Nhàn