Để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cần những giải pháp căn cơ, hiệu quả, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về các giải pháp thực hiện.
Phó Giáo sư , Tiến sĩ Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. |
Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và lực lượng lao động chất lượng cao
Trong những năm gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xác định gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động việc làm là một trong 3 đột phá của giáo dục nghề nghiệp.
Do vậy, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Tuy vậy, thực tế nguồn nhân lực của chúng ta còn có nhiều hạn chế.
Để khắc phục thực tế đó, đòi hỏi cần có các giải pháp toàn diện và đồng bộ để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó, cần có các giải pháp tập trung cho khâu đào tạo gắn liền với doanh nghiệp.
Theo ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ là phát triển các trường chất lượng cao.
Từ năm 2014, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển các trường nghề chất lượng cao đến năm 2020” (Đề án 761) với quan điểm phát triển trường nghề chất lượng cao để đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Mục tiêu chính của trường nghề chất lượng cao là đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và lực lượng lao động chất lượng cao”.
Thứ trưởng Lê Quân đã viện dẫn các trường đạt hiệu quả cao trong bối cảnh hội nhập như: Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, Cao đẳng Kỹ thuật Vũng Tàu, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã triển khai đào tạo nhiều ngành như tự động hóa, điều khiển nhà thông minh, chế tạo khuôn mẫu, xí nghiệp số…
Nhiều nghề đã đạt chuẩn quốc tế như nghề hàn của Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 được Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ công nhận, nghề điện của trường Cao đẳng Cao Thắng đạt theo chuẩn ABET của Hoa Kỳ.
Nghề hàn của Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 được Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ công nhận. Ảnh nguồn: Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2. |
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến nay có 21 trường đã được tiếp nhận các công cụ quản lý hiện đại của Anh.
Và trong sáu trường được chuyên gia Anh đánh giá theo tiêu chuẩn OSTED của Anh, có đến bốn trường được xếp hạng “tốt”.
Bên cạnh đó, các trường đang thực hiện thí điểm đào tạo cho khoảng 2.000 sinh viên theo các bộ chương trình chuyển giao từ Australia (12 nghề) và từ Đức (22 nghề).
Sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp hai bằng: một bằng cao đẳng của Việt Nam và một bằng của Australia hoặc Đức.
Ngay sau khi kết thúc thí điểm các chương trình của Australia vào cuối năm 2019 và chương trình của Đức vào cuối năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đánh giá và nhân rộng cho toàn bộ hệ thống.
Khi đó, Việt Nam sẽ có những chương trình đào tạo và những cơ sở đào tạo có đủ năng lực về quản trị, bảo đảm chất lượng và đội ngũ nhà giáo để triển khai các chương trình được quốc tế công nhân, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và cơ hội việc làm cho sinh viên trên thị trường lao động quốc tế.
Ngoài ra, Bộ cũng tiếp nhận chuyển giao và tổ chức thực hiện đào tạo thí điểm 05 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo các tiêu chuẩn của Pháp, 08 nghề theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc tại các trường cao đẳng Việt Nam.
Diễn đàn quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam (Ảnh: http://www.molisa.gov.vn/) |
Thứ trưởng Lê Quân đã đánh giá: “Với những chính sách ưu tiên tập trung đầu tư từ nhà nước để tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, cùng với sự nỗ lực của các trường trong việc đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới, qua các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tôi cho rằng các trường đã và đang thực hiện sứ mệnh của mình do Chính phủ giao.
Đó chính là việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng lao động, đồng nghĩa với nâng cao năng suất lao động, đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, sẽ cần thêm thời gian, các trường cũng như các cơ quan quản lý cần phải cố gắng và quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện”.
Đột phá từ tự chủ các trường giáo dục nghề nghiệp
Theo Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/5/2014, Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao nhằm phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nói về quá trình thực hiện đề án theo quyết định của Thủ tướng, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 761, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo cho trường và đã đạt những kết quả nổi bật.
Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lựa chọn 251 lượt ngành, nghề tại 49 ngành, nghề trọng điểm các cấp độ thuộc 45 trường, trong đó: 154 lượt nghề tại 27 ngành, nghề cấp độ Quốc tế; 60 lượt nghề tại 18 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN và 37 lượt tại 28 ngành, nghề cấp độ Quốc gia.
Về phát triển chương trình, giáo trình và đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, hiện nay, Bộ đã ban hành quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) cho 210/300 ngành, nghề đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định, để các trường theo đó xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo.
Đặc biệt, đã hoàn thành việc chuyển giao 34/34 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ nước ngoài theo Đề án 371 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các bộ chương trình chuyển giao được xây dựng theo quy trình tiên tiến, phương pháp khoa học, logic, trong đó đảm bảo nội dung cốt lõi theo bản gốc của nước chuyển giao nhưng có rà soát, bổ sung điều chỉnh một phần kiến thức, kỹ năng cho phù hợp đặc điểm thị trường lao động của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao kiểm định và công nhận đạt chất lượng quốc tế.
Trình độ lao động của Việt Nam đang đứng ở đâu trên thế giới? |
Đồng thời, lựa chọn 25 trường tham gia đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề chuyển giao từ Úc và 45 trường để tham gia đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề chuyển giao từ Đức; theo đó, các trường đã được tiếp cận, làm quen với công nghệ đào tạo chất lượng cao của các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo số liệu từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay có khoảng gần 20.000 nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa ở trong và ngoài nước.
Trong đó, đã có 103 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ tại Malaysia; 318 giáo viên được đào tạo kỹ năng nghề đạt trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao và nghiệp vụ sư phạm bậc IV của Úc; có 264 giáo viên thuộc 45 trường được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao của Đức được cử sang Đức để đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn trình độ về kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm giảng dạy các chương trình được chuyển giao.
Đây là lực lượng giáo viên đầu đàn, đạt chuẩn quốc tế, không chỉ giảng dạy cho các chương trình đào tạo thí điểm của Úc, Đức mà sẽ là một lực lượng giáo viên hạt nhân quan trọng để lan tỏa phương pháp đào tạo quốc tế cho toàn bộ giáo viên của các trường tham gia Đề án.
Trong tiêu chí phân bổ kinh phí hàng năm, các trường Chất lượng cao luôn là đối tượng ưu tiên số 1 để được hỗ trợ đầu tư, tập trung đồng bộ từ các chương trình, dự án vốn Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu Quốc gia, ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Qua đó, cơ sở vật chất của các trường đã được cải thiện đáng kể. Học sinh, sinh viên đã được tiếp cận với những máy móc thiết bị tiên tiến, được thực hành sử dụng các trang thiết bị hiện đại phù hợp với thực tế sản xuất, đặc biệt các trường thực hiện đào tạo thí điểm, thiết bị đầu tư theo chương trình đào tạo tiên tiến của nước chuyển giao nên trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế.
Kết quả tuyển sinh của 45 trường hiện nay tăng cả quy mô và chất lượng. So với tổng số tuyển sinh trên cả nước, tuyển sinh tại 45 trường chiếm 8%.
Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề có bước chuyển biến tích cực với trên 75% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và được các doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Đặc biệt, hiện nay các trường đang thực hiện thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cho khoảng 2.000 sinh viên và dự kiến đến năm 2022 sẽ có khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế để tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước.
Lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; Tập đoàn Mường Thanh; Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ảnh: Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội. |
Ngoài ra, Bộ cũng tiếp nhận chuyển giao và tổ chức thực hiện đào tạo thí điểm 05 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo các tiêu chuẩn của Pháp, 08 nghề theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc tại các trường cao đẳng Việt Nam.
Hiện nay, việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Các đơn vị chưa được trao quyền tự chủ đồng bộ cả về hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động tích cực khai thác các thế mạnh về cơ sở vật chất, giáo viên của trường để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ gắn với đào tạo, tạo thương hiệu riêng.
Mức thu học phí thấp không đủ bù đắp chi phí, đối tượng tham gia học nghề chủ yếu thuộc gia đình khó khăn nên nếu có cho thu cao cũng không thực hiện được...
Để giải quyết tình trạng này, theo Thứ trưởng Lê Quân: “Trên cơ sở đánh giá những hạn chế việc thực hiện tự chủ thời gian qua cũng như kết quả thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của 03 đơn vị thí điểm, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ Nghị định về cơ chế tự chủ cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp công lập.
Theo đó, các đơn vị được giao quyền tự chủ mạnh mẽ và đồng bộ cả nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính kèm theo trách nhiệm giải trình. Về chuyên môn sẽ thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện nay.
Các trường được tự chủ quyết định mức thu dịch vụ đào tạo theo cơ chế giá. Đối với nguồn từ ngân sách nhà nước thì sẽ thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo số lượng, chất lượng dịch vụ đầu ra”.
Trong thời gian tới, để các trường nghề chất lượng cao hoạt động hiệu quả, Thứ trưởng Lê Quân cho biết: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có chỉ đạo triển khai mạnh, quyết liệt trong việc tự chủ của các trường; càng trường chất lượng cao càng phải đẩy mạnh tự chủ toàn diện đi đôi với trách nhiệm giải trình.
Xây dựng cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ minh bạch, hiệu quả, một mặt để thực hiện chủ trương đổi mới trong việc cấp phát ngân sách, giám sát chất lượng theo “đầu ra”, mặt khác thúc đẩy quá trình tự chủ của các trường.
Tiếp tục đầu tư đồng bộ để phát triển trường nghề, đồng thời, khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư trường chất lượng cao và nghề trọng điểm…