Lấy cử nhân chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đi dạy là trái Luật Giáo dục

02/05/2022 07:05
Ly Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiếu giáo viên, lấy cử nhân chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đi dạy vừa trái Luật Giáo dục 2019 vừa khó có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Bài viết Thiếu giáo viên, lấy cử nhân chưa có chứng chỉ nghiệp vụ đi dạy có được không? ngày 29/4/2022 đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời thầy Phạm Minh Thế - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Châu (Sơn La) và thầy Phạm Minh Thế - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Châu (Sơn La) đều cho rằng việc này không khả thi.

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các hiệu trưởng và xin có đôi điều bàn thêm về cử nhân có chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đi dạy.

Cử nhân có chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đi dạy là không khả thi. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Cử nhân có chuyên ngành phù hợp nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đi dạy là không khả thi. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Cử nhân muốn dạy học phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Ngày 14/6/2019, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14), trong đó Điều 67 quy định tiêu chuẩn của nhà giáo phải "đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm" và "có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ".

Cùng với đó, Điều 72 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau (trích):

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Như thế, trường hợp có bằng cử nhân (đại học) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo. Hơn nữa, cử nhân cao đẳng cũng không đủ điều kiện dạy bậc trung học phổ thông.

Ngày 25/4/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Kim Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ có buổi làm việc với Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các sở ban ngành của Thành phố liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo của Thành phố trong thời gian vừa qua.

Tại buổi làm việc này, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu hàng loạt các kiến nghị đặc thù của thành phố đối với Bộ Giáo dục.

Theo đó, đối với đội ngũ triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018:

Với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, Nhật, Trung Quốc, tiếng Pháp…) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông có thể tham gia giảng dạy theo hình thức thỉnh giảng, hợp đồng tại các cơ sở.

Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong vòng thời hạn 12 tháng, tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.

Tôi nghĩ, Bộ Giáo dục cũng khó chấp thuận kiến nghị của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vì vướng Luật Giáo dục. Có thể tuyển người có bằng cử nhân nhưng thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vào giảng dạy thông qua hợp đồng lao động chứ không thể tuyển theo hình thức tuyển dụng viên chức vì trái với Luật Giáo dục.

Qua đây để thấy rằng, việc triển khai Chương trình mới có quá nhiều bất cập, khó có thể giải quyết một sớm một chiều về mặt nhân sự các môn đặc thù như Nghệ thuật, ngoại ngữ 2.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất ưu tiên các trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp đối với các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, Nhật, Trung Quốc, tiếng Pháp…) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là không công bằng cho người có bằng cử nhân (chưa có chứng chỉ sư phạm) các chuyên ngành khác muốn làm giáo viên.

Cần biết thêm, ngày 27/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có nội dung "chấp nhận các loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã cấp cho các giáo viên trước ngày 22/5/2021".

Giáo viên thiếu nghiệp vụ sư phạm đứng lớp là không ổn chút nào

Từ năm 2013 trở về trước, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm gồm 11 học phần (390 tiết) liên quan đến tâm lí học, giáo dục học, giao tiếp sư phạm, phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, tâm lí học xã hội, phương pháp giảng dạy...

Trong đó, phương pháp giảng dạy và tâm lí sư phạm là những môn học quan trọng bậc nhất giúp giáo viên hành nghề sau khi tốt nghiệp đại học.

Tôi dạy học một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thấy rằng, nhiều giáo viên được đào tạo ngoài ngành sư phạm (có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm), có chuyên môn tốt nhưng hiệu quả giảng dạy không cao như các thầy cô được đào tạo sư phạm chính quy, bài bản.

Những giáo viên này thường bị học sinh phản ánh về phương về pháp giảng dạy (khó hiểu), đặc biệt việc nắm bắt, thấu hiểu tâm lí học sinh còn hạn chế dẫn đến ứng xử của thầy cô còn cảm tính, áp đặt trong những giờ lên lớp và làm công tác chủ nhiệm.

Tôi đã từng chứng kiến một số đồng nghiệp ứng xử sư phạm thiếu khéo léo, thiếu tế nhị khi học sinh mắc sai phạm (rất nhỏ) nên bị các em phản ứng gay gắt. Khi sự việc xảy ra, có thầy cô không biết cách xử lí đến nơi đến chốn, dẫn đến phụ huynh học sinh bức xúc, cuối cùng lãnh đạo phải đứng ra giải quyết mới ổn.

Thậm chí, có giáo viên còn được bổ nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn nhưng không biết triển khai một cuộc họp hay điều hành chuyên môn bất hợp lí... khiến đồng nghiệp phản ứng gay gắt, gây mất đoàn kết nội bộ.

Và một số sự việc vừa xảy ra được Tạp chí phản ánh như, thầy tát trò, cô giáo thả vở học sinh xuống đất, cho thấy giáo viên phần nào thiếu nghiệp vụ sư phạm khi xử lí học sinh vi phạm. Tôi cho rằng, nếu thầy cô giỏi nghiệp vụ thì không bao giờ để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy.

Chưa kể, giáo viên thiếu nghiệp vụ sư phạm thì rất khó đáp ứng yêu cầu Chương trình mới - dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Đó cũng là lí do khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 12/2021/TT-BGDĐT ngày 5/4/2021 ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thông tư này có một số học phần mới hơn so với các Thông tư cũ như: Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; Tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông; Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống...

Như thế để thấy rằng, giáo viên thiếu nghiệp vụ sư phạm nhưng vẫn được phép giảng dạy thì có thể xảy ra nhiều hệ lụy, cuối cùng học sinh là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ly Ly