Lịch sử là môn học bắt buộc không ăn thua, phải đưa vào môn thi bắt buộc

25/04/2022 09:09
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sợ bị “xóa trắng” mà đưa môn Lịch sử vào nhóm môn học bắt buộc cũng chỉ buộc các em học một cách đối phó, học để thi chứ không phải học vì đam mê, vì cần thiết.

Năm học 2022 - 2023 tới đây, học sinh lớp 10 sẽ học Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài một số môn học bắt buộc, học sinh được phép chọn thêm một số môn học theo sở thích.

Điều dư luận đang quan tâm hiện nay là, môn Lịch sử ở bậc phổ thông lại nằm trong nhóm những môn học tự chọn. Vì thế, học sinh không phải học lịch sử nếu như bản thân không muốn.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đối với khối lớp 10, Lịch sử sẽ trở thành môn học lựa chọn. (Nguồn: Báo Tin tức)

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đối với khối lớp 10, Lịch sử sẽ trở thành môn học lựa chọn. (Nguồn: Báo Tin tức)

Trước đây, có những người quan niệm Lịch sử là môn học phụ, trong các trường học cũng không được nhiều học sinh yêu thích. Bởi thế, nhiều người lo lắng nếu để học sinh lựa chọn môn thì nguy cơ môn Lịch sử sẽ bị “xóa trắng”.

Thế nhưng, nếu vì sợ môn học bị “xóa trắng” mà đưa môn Lịch sử vào nhóm môn học bắt buộc mà không thay đổi cách dạy thì cũng chỉ buộc học sinh phải học nhưng là học đối phó, học để thi chứ không phải học vì thấy cần thiết, học vì sự đam mê. Và, như thế thì, hiệu quả môn học cũng sẽ không cao như mọi người mong muốn.

Vì sao ít học sinh yêu thích học Lịch sử?

Trao đổi về việc vì sao học sinh hiện nay ít yêu thích học Lịch sử, thầy H. giáo viên dạy Sử một trường trung học cơ sở ở Quảng Bình (đề nghị không nêu tên) đã chia sẻ với người viết về vấn đề này. Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh không yêu còn yêu thích học Lịch sử.

Thứ nhất, mặc dù trong ngành giáo dục, không có quy định môn học chính, môn học phụ mà môn học nào cũng bình đẳng như nhau, tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết.

Trong trường học, môn Lịch sử vẫn có nơi bị xem như một môn học phụ, ít được mọi người (học sinh và có cả giáo viên) coi trọng.

Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc, những ngành nghề được coi là hấp dẫn, là có cơ hội, có thu nhập cao, dễ xin việc làm khi ra trường và được nhiều người lựa chọn lại không phải thi môn Lịch sử. Thế nên, tâm lý thi gì học nấy đã được hình thành và trở thành thói quen.

Không ít lần thầy cô phải chứng kiến một số em (trong đó có không ít em là học sinh giỏi) trong giờ dạy Lịch sử của mình mang bài tập Toán, tiếng Anh ra học. Nhắc nhở thì có em thẳng thắn trả lời, “môn phụ mà thầy”.

Nhiều phụ huynh đã tác động lên tư tưởng con em mình về môn chính, môn phụ ngay từ khi các con còn rất bé. Ở bậc tiểu học, cha mẹ thường cho con đi học thêm môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh.

Lên bậc trung học tiếp tục học thêm Toán, tiếng Anh.

Cũng có những phụ huynh (là giáo viên hẳn hoi) khi nghe đồng nghiệp trao đổi về việc học chưa nghiêm túc của con trong những giờ Sử đã nói như vỗ vào mặt rằng môn ấy có thi đâu mà bắt học nhiều thế? Dành thời gian cho môn học khác lợi ích hơn nhiều.

Vì thế, các em thường chỉ tập trung vào học một số môn được xem là môn học chính mà ít có hứng thú với môn Lịch sử.

Thứ hai, giáo viên bị áp đặt chỉ tiêu về chất lượng môn học, đây là vấn đề chung nhưng cũng là vấn đề nan giải. Khi nhiều em không chịu học, giáo viên không dám thẳng tay ghi điểm yếu, kém mà vẫn phải “nhắm mắt” bỏ qua để "cấy điểm" cho học sinh đủ trung bình để đạt chỉ tiêu trên giao.

Vì thế, nhiều học sinh khác có tâm lí, học chi lắm cho mệt, trước sau gì cũng sẽ qua môn thôi nên cũng không cần học nữa.

Muốn học sinh yêu thích học Lịch sử phải làm thế nào?

Hiểu lịch sử để hiểu truyền thống vẻ vang của dân tộc, biết trân quý cha ông, những người đã dùng máu xương để đánh đổi độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, để chúng ta có cuộc sống hòa bình độc lập hôm nay.

Hiểu lịch sử để biết yêu cội nguồn dân tộc hơn, tự hào về truyền thống tốt đẹp của cha ông ta mà mỗi người tự biết mình phải sống tốt hơn.

Hiểu lịch sử dân tộc để không bị dao động, không có cái nhìn sai lệch trước những luận điệu phỉ báng của một thế lực thù địch nào đó.

Lịch sử dân tộc nghìn năm văn hiến của chúng ta rất hay, rất phong phú.

Thế nhưng, lại không nhiều học sinh hiểu được vì sao nhân dân ta đánh thắng biết bao kẻ thù xâm lược, không nhiều em nhớ đến tên các vị vua ở các triều đại, nhớ về tên những vị anh hùng được cả thế giới vinh danh, nhớ về những trận đánh vang vọng năm châu chấn động địa cầu mà cả thế giới cũng phải khâm phục…

Thế nhưng, các em lại biết, lại hiểu rất rõ bên Trung Quốc có bao nhiêu triều đại, những trận chiến giữa các tập đoàn thế lực ra sao, rồi Tần Thủy Hoàng hay Võ Tắc Thiên, Từ Hi thái hậu lên ngôi, nắm quyền bính thế nào...

Dạy cho học sinh hiểu Sử đã khó, để các em yêu Sử lại không hề đơn giản chút nào.

Thầy giáo H. cho biết: “Gánh nặng hồ sơ sổ sách đã làm mất quá nhiều công sức của giáo viên. Các thầy cô không còn nhiều thời gian để đầu tư kiến thức chuyên sâu cho bản thân, cho bộ môn Lịch sử của mình.

Nếu cứ thay đổi mọi thứ như thay chương trình và sách giáo khoa nhưng bản thân mỗi thầy cô dạy Sử không chịu khó trau dồi thêm kiến thức, cập nhật kiến thức mới, mà cứ trung thành với kiến thức trong sách giáo khoa, trung thành với cách dạy đọc, chép thì chỉ khiến học sinh nhàm chán và xa rời với môn học.

Lịch sử vốn khó học, khó nhớ, đặc biệt là các sự kiện lịch sử, các mốc thời gian, các con số.... cộng với cách giảng dạy thiếu linh hoạt, thiếu tính sáng tạo thì học sinh không có nhiều hứng thú học tập cũng là điều dễ hiểu.

Để tạo hứng thú cho các em, thầy cô phải biết biến giờ học Lịch sử thành sân khấu với các trò chơi lịch sử, hoạt cảnh, được nghe giáo viên minh họa bằng các câu chuyện kể, các clip hay… điều này, không chỉ cần giáo viên lịch sử thay đổi mà chương trình và sách giáo khoa cũng phải thay đổi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết