Lo đội ngũ "giậm chân tại chỗ", trường đại học tăng đào tạo, thu hút GS, PGS, TS

07/04/2024 06:33
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu không có chính sách, kinh phí phát triển đội ngũ, rất có thể đội ngũ giảng viên của trường sẽ “giậm chân tại chỗ" - PGS Nguyễn Xuân Hoàn nhận định.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo phục vụ cho thời đại mới, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngày càng được chú trọng. Không ít cơ sở giáo dục đại học đã có chính sách về việc thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư) về làm việc.

Tuy nhiên, tùy vào tình hình tài chính, hay mức độ tự chủ,… các cơ sở này sẽ có những thuận lợi, khó khăn nhất định khi thực hiện.

Cơ chế tự chủ giúp trường đại học thuận lợi trong việc thu hút giảng viên chất lượng cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đã thực hiện các chính sách liên quan đến việc thu hút, giữ chân cán bộ, giảng viên có trình độ cao từ năm 2017 (khi trường vẫn có tên là Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh).

nxhoan-2452.jpg
Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường

Chính sách hỗ trợ cán bộ, giảng viên đã được Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào quy chế của trường, trong đó có một chính sách hỗ trợ bên trong và một chính sách hỗ trợ bên ngoài.

Đối với chính sách hỗ trợ bên trong, cán bộ, giảng viên khi đi học lên trình độ tiến sĩ (ở cả trong nước và nước ngoài) đều được hỗ trợ toàn bộ học phí. Trong quá trình đi học, cán bộ, giảng viên vẫn được hưởng thu nhập như người đang làm việc tại trường.

Nhà trường xem việc học tập, nâng cao trình độ của cán bộ, giảng viên là một nhiệm vụ bình thường, là công việc hàng ngày của tất cả mọi người.

Còn đối với chính sách thu hút bên ngoài, cơ sở này hỗ trợ ban đầu cho cho tiến sĩ về trường là 100 triệu đồng, phó giáo sư là 150 triệu đồng và giáo sư là 200 triệu đồng.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, vào tháng 7/2016, khi chuẩn bị thực hiện chính sách này, nhà trường chỉ có 4 phó giáo sư và 23 tiến sĩ.

Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện chính sách về việc thu hút cán bộ, giảng viên chất lượng cao, trường đã có 3 giáo sư, 26 phó giáo sư và 134 tiến sĩ.

Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn nhận định: “Nhà trường cần đảm bảo được thu nhập cho cán bộ, giảng viên, để họ không phải bận tâm nhiều đến câu chuyện cơm áo gạo tiền mà chỉ tập trung làm việc, cống hiến.

Trung bình hiện nay, thu nhập của một cán bộ viên chức Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh là 28 triệu đồng; còn đối với một trưởng khoa có trình độ phó giáo sư, thu nhập trung bình là 60 triệu đồng/tháng”.

Tuy nhiên, cũng theo thầy Hoàn, nếu chỉ hỗ trợ về mặt kinh phí là chưa đủ. Để giữ chân hoặc thu hút được cán bộ, giảng viên về trường làm việc và cống hiến lâu dài còn cần phải quan tâm đến môi trường làm việc.

Ví dụ, có phòng làm việc, phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị,… giúp các giảng viên, các nhà nghiên cứu được làm việc trong môi trường lí tưởng, đủ điều kiện để thực hiện các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, cần tháo gỡ các cơ chế chính sách còn ràng buộc, thay vào đó là tạo mọi điều kiện, thực hiện những cơ chế chính sách thông thoáng để viên chức, giảng viên, người lao động của trường phát triển, tự khẳng định mình và có nguồn thu nhập từ chính sức lực, trí tuệ của mình.

Thư_viện_HUIT.jpg
Ảnh minh họa: website nhà trường

Kể từ năm 2016, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh là trường tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư.

“Đối với trường tự chủ, kinh phí này là sự chắt chiu từ nhiều nguồn lực khác nhau.

Ở Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, kinh phí chi cho việc phát triển đội ngũ của trường là rất lớn, khoảng 100 tỷ đồng. Theo báo cáo thống kê gần nhất, năm 2023, số tiền chi cho việc này là khoảng 85 tỷ đồng” – thầy Hoàn cho hay.

Vị hiệu trưởng này cũng nhận định, nếu không có chính sách, kinh phí cho khoản này, rất có thể đội ngũ giảng viên của trường sẽ “giậm chân tại chỗ".

Không ít khó khăn trong việc thu hút giảng viên chất lượng cao

Vừa qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu về “Chương trình VNU350: Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”.

Mục tiêu của chương trình này tuyển dụng được 350 nhà khoa học.

Là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng thực hiện chính sách chung này.

z5252019681728_07fe056b5d022cba05f82f2839dbe4ad.jpg
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Theo đại diện của trường, trước năm 2024, đơn vị này không có chính sách cụ thể về đãi ngộ mà chủ yếu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên uy tín và môi trường làm việc tích cực của nhà trường.

Đại diện trường chia sẻ: “Mặc dù là một trường đại học công lập, đã tự chủ, nhưng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn rất nhiều khó khăn về cơ chế đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ, đặc biệt trong điều kiện hiện nay có sự cạnh tranh nguồn nhân lực mạnh mẽ. Nhà trường cần có chính sách vượt trội để có thể duy trì và phát triển các ngành đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng”.

Năm 2024 là năm đầu tiên trường thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc và có chính sách ưu đãi. Giai đoạn từ 2024 – 2030, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thu hút 15 – 20 nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học đầu ngành.

Trong đợt tuyển đầu tiên của năm 2024 (tháng 3/2024), trường tuyển 5 giảng viên ngành Tôn giáo học, Giáo dục học, Tâm lý học lâm sàng, Ngôn ngữ học, Nhật Bản học.

Theo chủ trương, trường tuyển chọn các nhà khoa học có phẩm chất, năng lực, uy tín.

Cụ thể: Có trình độ tiến sĩ trở lên, ưu tiên các ứng viên là giáo sư, phó giáo sư có chuyên môn liên quan đến các ngành, lĩnh vực thuộc vị trí tuyển dụng và những ứng viên đã học tập, công tác ở nước ngoài.

Thầy cô phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định đối với giảng viên đại học. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ để làm việc, giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi khoa học; là các nhà khoa học trẻ có độ tuổi từ 40 trở xuống; Các nhà khoa học đầu ngành còn từ 05 năm công tác trở lên tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.

Với nhà khoa học trẻ cần đáp ứng ít nhất 1 trong các tiêu chí sau:

Thứ nhất, có ít nhất có một bài báo là tác giả chính của một công bố đăng trong cơ sở dữ liệu Web of Science hoặc Scopus (trong 3 năm trở lại đây);

Thứ hai, có tối thiểu hai công bố ISI/Scopus, trong đó ít nhất hai công bố thuộc nhóm tạp chí Q2 hoặc chỉ số H-index toàn bộ tối thiểu là 3; và ít nhất hai báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, có mã số ISBN;

Thứ ba, đã có tối thiểu một phát minh sáng chế hoặc một giải pháp hữu ích và đã chủ trì cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ;

Thứ tư, từng tham gia giảng dạy tại trường đại học nằm trong nhóm 1000 trường đại học tốt nhất thế giới do Quacquarelli Symonds (QS) xếp hạng.

Với nhà khoa học đầu ngành, cần đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

Thứ nhất, đã chủ trì một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia hoặc hai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp Tỉnh được nghiệm thu từ mức đạt trở lên trong 5 năm gần nhất hoặc là tác giả chính/chủ biên hai sách chuyên khảo hoặc một sách, giáo trình giảng dạy đại học (trong 5 năm trở lại đây);

Thứ hai, có chỉ số trích dẫn khoa học cá nhân H-index từ 6 trở lên (theo cơ sở dữ liệu Scopus);

Thứ ba, là tác giả chính của ít nhất ba công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS/Scopus hoặc là tác giả của ít nhất một sáng chế;

Thứ tư, đã có kinh nghiệm hợp tác với các tổ chức trong nước và nước ngoài trong triển khai hoạt động khoa học và công nghệ;

Thứ năm, có công trình công bố tác động đến xã hội, đóng góp, tư vấn, phản biện chính sách các địa phương.

Khi về làm việc tại trường, nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu công tác được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C, kinh phí tối đa 200 triệu đồng. Năm thứ ba được cấp 1 đề tài loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Năm thứ tư được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng. Năm thứ năm được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cấp Nhà nước.

Còn các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu công tác được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B, kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; được hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.

Ngoài lương theo quy định của Nhà nước và lương theo vị trí việc làm, ứng viên người nước ngoài còn có thể nhận lương vị trí việc làm gấp 02 lần so với mức lương vị trí việc làm tương ứng của ứng viên người Việt Nam và được hỗ trợ 02 vé máy bay khứ hồi/năm.

Kinh phí để thu hút giảng viên chất lượng cao này của trường đến từ nguồn của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (thông qua việc phân bổ các nhiệm vụ khoa học công nghệ) và từ nguồn thu sự nghiệp của trường.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao về làm việc, đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Do các cơ sở giáo dục công phải thực hiện theo quy định của nhiều luật liên quan nên khó khăn một phần đến từ mức lương của nhóm đối tượng được thu hút này sẽ theo quy định của Nhà nước và tương ứng theo vị trí việc làm.

Đồng thời, các nhà khoa học có chức danh phó giáo sư, giáo sư trên cả nước có số lượng không nhiều, hầu hết đã có vị trí việc làm tại các cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu. Chế độ đãi ngộ hiện nay cũng chưa có tính cạnh tranh cao”.

Cũng là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học An Giang cũng thực hiện thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác theo đề án VNU350.

Theo thầy Hồ Nhã Phong – Trưởng phòng Tổ chức – chính trị, Trường Đại học An Giang, trong đợt tuyển đầu tiên của năm 2024, trường tuyển 5 giảng viên gồm: giảng viên Công nghệ – Kỹ thuật (Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật Hóa và Kỹ thuật Môi trường); giảng viên Nông nghiệp (Cơ khí nông nghiệp); giảng viên (Tự động hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0); giảng viên Khoa học vật liệu; giảng viên Khoa học giáo dục và Khoa học tự nhiên (Khoa học giáo dục, Toán học, Vật lý).

Bên cạnh chính sách chung của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (tương tự như với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), ứng viên mới khi về trường làm việc sẽ được hưởng chính sách thu hút 60 triệu đồng/ người.

Tuy nhiên, đối sánh theo chuẩn cơ sở giáo dục và so với các trường thành viên trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường Đại học An Giang còn thấp.

1-41-9917.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang. Ảnh: website nhà trường

Nói sâu hơn về những khó khăn trong việc thu hút giảng viên chất lượng cao của một trường đại học nằm ở địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, cách đây khoảng gần 5 năm, Trường Đại học An Giang là trường công lập, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, nên các chế độ thu hút nguồn nhân lực phải dựa vào nguồn lực của tỉnh.

Tuy nhiên, những chế độ chính sách này còn thấp và chưa thu hút được giảng viên về làm việc.

Bên cạnh đó, vì trường ở địa phương nằm cách xa trung tâm và nguồn tài chính của trường chưa được dồi dào nên cũng ít nhận được sự quan tâm của các ứng viên hơn.

Khi trường sáp nhập về Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chế độ chính sách về thu hút giảng chất lượng cao của trường cũng đã có sự khác biệt, trong đó tập trung theo đề án VNU 350 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

“Dựa vào chính sách lớn đó, nhà trường đã xây dựng chế độ thu hút theo điều kiện của trường. Có thể so với các đơn vị khác, mức kinh phí thu hút của Trường Đại học An Giang có sự khác biệt (không cao bằng các trường ở thành phố lớn), nhưng trường cũng đề ra rất nhiều chế độ khác liên quan đến hệ số thu nhập, cơ sở vật chất, môi trường làm việc, ứng xử văn hóa, chế độ cho người lao động, giảng viên đi học, nâng cao trình độ chuyên môn…

Trường cũng đẩy mạnh việc đào tạo tại chỗ theo đề án cho cán bộ, giảng viên quy hoạch đi học thường xuyên, và có riêng đề án cho người đi học tiến sĩ; đồng thời, nhà trường cũng xin học bổng từ nhiều nguồn khác nhau hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên của nhà trường” – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang thông tin thêm.

Kim Minh Châu