Đó là những tâm tư, chia sẻ của chị Phạm Thị Thu Hà – nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (huyện An Lão, Hải Phòng) gửi tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Chị Hà chia sẻ: “Khi về trường công tác, tôi được phân công sinh hoạt tại tổ Văn phòng, làm nhân viên trường học kiêm nhiệm tất cả những công việc như: pha nước, quét dọn, rửa cốc chén, kê bàn ghế…
Những khi có khách, có hội nghị, hay ngày lễ thì chúng tôi còn vất vả hơn, đến từ tờ mờ sáng để kê bàn ghế, đun nước, chuẩn bị hoa quả tiếp khách... rồi ở lại muộn để dọn dẹp, xong việc mới được về.
Tổ văn phòng chúng tôi hay đùa nhau: "Khi làm, quần "xắn móng lợn" không khác gì lao công...".
Nhân viên trường học bị mặc định là bộ phận phục vụ, phải làm đủ các công việc liên quan đến công tác tập thể. (Ảnh: L.T) |
Ngay trong trường học, chúng tôi đã bị mặc định là bộ phận phục vụ, bất kể có công việc gì liên quan đến công tác tập thể như: hội nghị, hội thảo, họp hành, thi cử… chúng tôi đều được phân công làm công tác chuẩn bị cơ sở vật chất.
Thế nhưng có một sự thật đáng buồn là khi họp bình xét thi đua khen thưởng, chúng tôi luôn không nằm trong tiêu chuẩn, với lý do chúng tôi không có thành tích, không phải vất vả như những bộ phận khác, không phải chịu áp lực về công việc.
Chúng tôi cũng cống hiến, làm việc cật lực 8 tiếng một ngày, vậy tại sao chúng tôi lại không được ghi nhận? Ngay trong cơ quan đã thế thì còn ai để ý, quan tâm đến chúng tôi?
Ở những cơ quan hành chính sự nghiệp khác, cùng là nhân viên nhưng họ đều có phụ cấp, được tính thâm niên. Họ được các cấp các ngành quan tâm.
Còn nhân viên trường học thì sao? Ngoài đồng lương, chúng tôi không nhận được bất cứ một loại phụ cấp ưu đãi nào.
Cùng làm trong môi trường giáo dục mà giáo viên thì có đủ các loại phụ cấp, ưu đãi nghề, thâm niên. Nhưng chúng tôi lại không. Như vậy có phải là quá bất công với những nhân viên trường học?
Mỗi ngành nghề đều có mức phụ cấp và ưu đãi khác nhau. Như tôi được biết nhân viên Thư viện mức phụ cấp độc hại sẽ là 0.2% mỗi tháng.
Nhưng 18 năm đi làm chưa bao giờ chúng tôi nhận được bất cứ công văn hay quyết định nào cho cái 0.2% phụ cấp ấy.
Việc tăng lương trước thời hạn chúng tôi chưa bao giờ dám mơ đến. Vì tiêu chuẩn cho việc đó là thành tích trong công tác.
Chúng tôi, những nhân viên trường học quanh năm tất bật với những việc không tên thì lấy đâu ra thành tích. Ai quan tâm đến chúng tôi để chúng tôi có cơ hội có thành tích?
Chúng tôi cũng công tác trong ngành giáo dục, cũng cống hiến tất cả tâm huyết cho ngành, cho nghề. Vậy tại sao chúng tôi lại không có bất cứ sự ưu đãi nào? Tại sao lại phân biệt đối xử như "con ruột" và "con ghẻ"?
Gần 20 năm công tác, lương sắp kịch trần vẫn không nổi 5 triệu đồng/ tháng. Thực tế lương chúng tôi không bằng lương của công nhân bậc 1 với trình độ hết lớp 9.
Chúng tôi sẽ chi tiêu như thế nào với đồng lương còm cõi ấy trong thời đại bão giá này. Có ai trả lời hộ chúng tôi không?
Thế nhưng trên các diễn đàn ở tất cả các cấp, trong các cuộc thảo luận chính sách cho nhân lực ngành giáo dục, chúng tôi không được nghe nhắc đến tên mình: Nhân viên trường học. Chúng tôi - một bộ phận không nhỏ trong môi trường giáo dục liệu có bị bỏ quên?
Nhân viên trường học là ai? Là kế toán, là nhân viên thiết bị thí nghiệm, là văn thư, nhân viên thư viện, nhân viên y tế học đường. Họ là bộ phận giúp việc cho lãnh đạo, ngoài công tác chuyên môn họ phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác.
Có những việc gọi được tên nhưng có rất nhiều những việc không tên, nằm ngoài chuyên môn nghiệp vụ mà họ được phân công.
Nhân viên trường học luôn cống hiến thầm lặng, hỗ trợ nhiều hoạt động giáo dục trong trường. (Ảnh: L.T) |
Vậy tại sao không ai nhìn thấy những đóng góp thầm lặng ấy? Thử hỏi nếu bây giờ trường học không có nhân viên thì những công việc hàng ngày: lễ tiết, dọn dẹp, chăm lo sức khỏe cho học sinh, chuẩn bị đồ dùng, thiết bị cho giáo viên lên lớp…;
Các loại báo cáo, công văn giấy tờ, hồ sơ lưu trữ, kiểm định chất lượng, phổ cập giáo dục… và hàng trăm những công việc không tên khác ai sẽ làm?
Hiện nay, thực hiện các quy định chung, ngành giáo dục tinh giản biên chế, một số trường nhỏ, ít học sinh sẽ sáp nhập. Điều đó đồng nghĩa với việc nhân viên trường học sẽ phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc (nhưng không có lương kiêm nhiệm đi theo công việc được phân công).
Kế toán sẽ kiêm văn thư, y tế học đường kiêm thủ quỹ, thư viện kiêm thiết bị, phổ cập và thậm chí phụ trách cả mảng công nghệ thông tin của trường.
Với khối lượng công việc như vậy nhưng chúng tôi không hề được nhận thêm bất cứ một khoản hỗ trợ hay phụ cấp nào.
Dù biết rằng lương tính theo bằng cấp và ngạch bậc, vậy tại sao không xem xét cho chúng tôi được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề. Để mức thu nhập của chúng tôi được cải thiện hơn một chút, để chúng tôi không cảm thấy lạc lõng giữa các đồng nghiệp cùng công tác trong một cơ quan.
Thiết nghĩ, nhân viên trường học nếu không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề thì họ cũng nên được hưởng phụ cấp thâm niên, được nghỉ hè như giáo viên.
Hoặc nếu không, cũng nên xem xét cho chúng tôi được hưởng phụ cấp công vụ như nhân viên ở các cơ quan hành chính sự nghiệp khác.
Thật sự, chúng tôi rất mong đến một ngày trong cuộc họp nào đó bàn về đời sống của công nhân viên chức nhà nước, chúng tôi - những nhân viên trường học được một lần nhớ đến, nhắc đến.
Thôi thì, dù ít hay nhiều cũng cho chúng tôi tia hy vọng để còn có động lực làm việc. Những nhân viên trường học như chúng tôi thiệt thòi đủ đường: từ chế độ lương, phụ cấp, bình xét thi đua, thành tích đến ngày, giờ công làm việc…
Nhiều người không trụ nổi phải bỏ việc ra ngoài, vì làm cả chục năm ở một nơi mà đồng lương không đủ việc thăm hỏi, hiếu, hỷ... thì trang trải cuộc sống ra sao?
Chúng tôi không dám mong ước chế độ đãi ngộ như giáo viên nhưng ít nhất cũng phải đủ sống để chúng tôi yên tâm công tác, phấn đấu, tận tụy với nghề. Và trên hết là không bị mặc cảm bởi cảm giác “con ruột, con ghẻ”.
Những tâm tư, chia sẻ của chị Phạm Thị Thu Hà cũng là những tâm tư của hầu hết đội ngũ nhân viên trường học tại Hải Phòng.
Họ tha thiết mong nhận được sự quan tâm từ các ban, ngành, đoàn thể trong thời gian sớm nhất, để họ - những người lao động thầm lặng tận tâm công tác, cống hiến và phát huy được bản thân mình.