Ngày 25/4 vừa qua, trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ cho phép thành phố được bổ sung mỗi cơ sở giáo dục công lập có đủ 4 vị trí việc làm thay vì chỉ có 2 vị trí việc làm như hiện nay.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị có 4 chức danh vị trí việc làm trong các trường mầm non, tiểu học là: Nhân viên văn thư, thủ quỹ, kế toán và nhân viên y tế.
Nhân viên y tế trường học đang khám răng cho học sinh (Ảnh tác giả) |
Đặc biệt, bối cảnh dịch bệnh phức tạp trong thời gian qua đã cho thấy vai trò của nhân viên y tế trường học là không thể thiếu. Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, với các trường có đông học sinh thì cứ 1.000 học sinh sẽ cần có 1 nhân viên y tế.[1]
Vì sao trường học lại không có nhân viên y tế?
Nhiều năm trước đây, mỗi trường học đều hợp đồng một nhân viên y tế. Nhiệm vụ của các nhân viên y tế học đường là hằng ngày theo dõi sức khỏe học sinh, kiểm tra vệ sinh an toàn trường học, các bếp ăn bán trú, tổ chức cho học sinh súc miệng nước Flour hàng tuần, theo dõi sức khỏe học sinh hằng ngày, khám sức khỏe định kỳ (cân, đo chiều cao, thị lực), đặc biệt sơ, cấp cứu ban đầu cho học sinh bị tai nạn thương tích, bị cảm sốt, đau đầu, đau bụng…
Nhân viên y tế còn có nhiệm vụ tuyên truyền việc phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm; phòng chống ngộ độc thực phẩm; cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể.
Ngoài ra, nhân viên y tế còn thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây (cụ thể từ năm 2016 khi Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ra đời) thì nhiều trường học đã buộc phải cho nhân viên y tế nhà trường nghỉ việc. Từ đó đến nay, nhân viên y tế chỉ do một số nhân viên trong trường đảm nhiệm thêm.
Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định rõ: "Điều 8. Bảo đảm các điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học ... 2. Nhân viên y tế trường học a) Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên.
Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định tại Điểm này hoặc ký hợp đồng với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Trạm Y tế xã) hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh".
Phần đông các nhân viên y tế trường học lúc đó rất ít người có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên mà chủ yếu chỉ học sơ cấp hoặc có hiểu biết về chuyên môn ngành y. Những người có chuyên môn từ trung cấp y trở lên cũng không ai chọn trường học để làm vì thu nhập lại khá thấp.
Sự cấp bách cần phải có nhân viên y tế trong nhà trường
Không tuyển được nhân viên y tế có trình độ như quy định nên các trường học buộc phải ký hợp đồng với trạm y tế ở xã phường. Việc ký hợp đồng với trạm y tế xã phường chỉ đảm bảo khám sức khỏe định kỳ cho học sinh một năm 2 lần còn hằng ngày vẫn không có ai trực ở phòng y tế trường học.
Trong khi hầu như trường nào cũng có học sinh sứt đầu mẻ trán vì trượt ngã, không có học sinh bị ho, bị sốt, bị đau bụng, bị cảm, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh như hiện nay, mỗi ngày mỗi trường vẫn có không ít học sinh cần đến sự can thiệp của nhân viên y tế.
Không có nhân viên y tế, giáo viên phải cáng đáng những việc ngoài khả năng chuyên môn như xác định học sinh bị bệnh đưa lên phòng y tế, sơ cứu ban đầu khi các em bị chấn thương.
Cũng vì những việc như thế mà có những thầy cô phải bỏ lớp dạy để lo cho học sinh đang cần sơ cứu. Học sinh thì hiếu động nên việc chấn thương vẫn thường xảy ra. Có giáo viên cứ nhìn thấy máu là hoảng nên không phải lúc nào cũng xử lý kịp thời.
Có lần, người viết bài đã từng phải bỏ cả tiết dạy để chở một học sinh bị bạn lấy bút đâm vào mắt ngay trong giờ học. Hay như lần học sinh bị ngã vỡ đầu, máu chảy không ngừng nhưng bản thân đã rất lúng túng trong cách băng bó vết thương cho em.
Vai trò nhân viên y tế trong nhà trường là vô cùng cần thiết, lại càng cần thiết hơn ngay trong giai đoạn của dịch bệnh Covid hoành hành.
Nếu như vắng nhân viên văn thư, thủ quỹ thì nhân viên thư viện, thiết bị trường học hoặc nhân viên kế toán có thể kiêm nhiệm được. Tuy nhiên, nhân viên y tế là công việc đặc thù nên người không có chuyên môn kiêm nhiệm khó có thể làm tốt.
Trong thực tế hiện nay, nhiều trường học vẫn đang thiếu nhân viên y tế. Để giải quyết tình thế, nhà trường đã phải phân công một số nhân viên làm công tác kiêm nhiệm.
Người kiêm nhiệm mà không có chuyên môn thì cũng chẳng giải quyết được gì, cũng là kiêm nhiệm để cho có chức danh mà thôi.
Không riêng Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường học hiện trống vị trí nhân viên y tế. Thay vì đáp ứng nguyện vọng đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc thêm với các bộ liên quan đề xuất thêm một vị trí việc làm là nhân viên y tế trong trường học.
Đồng thời sửa luôn quy định yêu cầu về trình độ của nhân viên y tế trong Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT để trường học có thể dễ dàng trong việc hợp đồng nhân viên y tế.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vtv.vn/giao-duc/tp-ho-chi-minh-kien-nghi-cac-vi-tri-viec-lam-cho-cac-truong-dong-hoc-sinh-20220426124322434.htm?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews