Cơ hội việc làm rộng mở cùng mức thu nhập hấp dẫn
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Huyền Anh – Phó Trưởng khoa Kinh tế kiêm Trưởng Bộ môn Kinh tế đầu tư (Học viện Ngân hàng) cho hay, Kinh tế đầu tư là một chuyên ngành tập trung nghiên cứu về cách thức nguồn lực được phân bổ và sử dụng hiệu quả trong các hoạt động đầu tư phát triển thông qua việc phân tích, đánh giá, triển khai và quản lý hoạt động đầu tư ở cấp độ vi mô và vĩ mô.
Sinh viên, giảng viên Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng tại Tọa đàm Quản lý dự án đầu tư xây dựng tại các đơn vị sự nghiệp công lập (Ảnh: Website nhà trường). |
Theo cô Huyền Anh, trong mọi thời đại, đầu tư phát triển luôn là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động kinh tế. Các quyết định đầu tư cho lĩnh vực nào và hoạt động ra sao có ảnh hướng rất nhiều đến hướng đi và sự phát triển cả ở cấp độ doanh nghiệp, tổ chức cũng như cấp độ quốc gia và khu vực. Vậy nên, đầu tư phát triển là một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế.
Và kinh tế đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể thấy rằng, xu hướng gia tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội của nước hàng năm cho thấy nhu cầu đầu tư phát triển của toàn bộ nền kinh tế không ngừng mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành, các lĩnh vực.
Do đó, cô Huyền Anh cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về Kinh tế đầu tư là rất cần thiết để đảm bảo cho các hoạt động đầu tư diễn ra hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Cô Huyền Anh bày tỏ, người học tốt nghiệp trình độ cử nhân chuyên ngành Kinh tế đầu tư của Học viện Ngân hàng có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân tại các địa phương...); các tổ chức kinh tế - xã hội và tổ chức phi chính phủ; các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài; ban quản lý dự án; ngân hàng thương mại; tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; phòng hoặc ban đầu tư tại các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế; các đơn vị nghiên cứu và đào tạo.
Không những vậy, mức lương của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này cũng tương đối cao với mức khởi điểm khi mới ra trường thường dao động từ 9-12 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, với những người học vốn đã có định hướng phát triển nghề nghiệp rõ ràng, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức từ trong quá trình học và sau khi ra trường để thi các chứng chỉ nghề nghiệp trong nước và quốc tế thì mức thu nhập sẽ rất tiềm năng.
Theo khảo sát của Vietnam Salary, mức lương của người có chứng chỉ đấu thầu trung bình là 11,8 triệu đồng/tháng, với người có nhiều kinh nghiệm thì mức lương có thể lên đến 23 triệu đồng/tháng. Trong lĩnh vực quản lý dự án, thống kê của Viện quản lý dự án Hoa Kỳ (PMI) cũng cho thấy, mức lương của người có chứng chỉ quản lý dự án quốc tế như CAPM, PMP thường cao hơn 15% so với người không có chứng chỉ.
Tại Việt Nam, thu nhập của người làm vị trí Quản Lý Dự Án cũng thường dao động từ 16 đến 47 triệu đối với người có từ 2 - 5 năm kinh nghiệm.
Về công tác tuyển sinh những năm gần đây, cô Huyền Anh chia sẻ, chương trình đào tạo bậc đại học ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đầu tư được Khoa Kinh tế - Học viện Ngân hàng bắt đầu triển khai từ năm 2018 với mục tiêu góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực đầu tư phát triển cho thị trường lao động.
Trong 6 năm qua, số lượng sinh viên đăng ký vào chuyên ngành này thường cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh và có xu hướng tăng lên. Cụ thể, trong năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đầu tư tại Học viện Ngân hàng là 150 nhưng số lượng thí sinh đăng ký lên đến 910 người, tức gấp khoảng 6 lần chỉ tiêu.
Không những vậy, mức điểm trúng tuyển năm học 2023 của ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đầu tư tại Học viện Ngân hàng cũng tương đối cao với 25,65 điểm.
Với những kết quả đạt được trong chương trình đào tạo hệ chuẩn, với xu thế và nhu cầu ngày càng tăng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đầu tư phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cô Huyền Anh cho biết thêm, từ năm 2024, Khoa Kinh tế - Học viện Ngân hàng dự kiến sẽ mở chương trình đào tạo cử nhân Chất lượng cao ngành Kinh tế - chuyên ngành Kinh tế đầu tư.
Là một chuyên ngành có sức hút lớn, do đó, trong tuyển sinh, một số trường đại học thường gặp phải những khó khăn như số lượng thí sinh đăng ký theo học chuyên ngành Kinh tế đầu tư luôn lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao đối với thí sinh để có thể trúng tuyển; nhiều thí sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chỉ đăng ký học theo trào lưu.
Vậy nên, để tránh việc thí sinh chỉ đăng ký học theo xu hướng, cô Huyền Anh cũng đưa một số lưu ý về tố chất cần có của sinh viên chuyên ngành Kinh tế đầu tư.
Đầu tư liên quan tới các quyết định và hành động khởi đầu của một cái mới để tạo ra giá trị, vì vậy, chuyên ngành Kinh tế đầu tư cũng phù hợp với những bạn thích sự năng động, sáng tạo, có tư duy tiên phong, sẵn sàng thay đổi và không ngại thử thách.
Do đó, người học ngành này cần có tư duy phản biện, khả năng phân tích, đánh giá để có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn; khả năng giao tiếp, đàm phán để có thể thuyết phục đối tác, nhà đầu tư;khả năng làm việc nhóm để có thể phối hợp hiệu quả với các thành viên khác trong dự án đầu tư.
Đặc biệt, đối với các bạn sinh viên yêu thích mảng quản lý dự án thì tư duy lãnh đạo là rất quan trọng, để có thể dẫn dắt, tầm nhìn dài hạn cũng như khả năng chịu áp lực tương đối tốt.
Ngoài ra, người học cũng cần có những tố chất khác như tinh thần trách nhiệm cao để đảm bảo tính hiệu quả khi học tập, làm việc về các dự án đầu tư; khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.
Về công tác đào tạo, cô Huyền Anh chia sẻ, chuyên ngành Kinh tế đầu tư tại Khoa Kinh tế - Học viện Ngân hàng có những điểm thuận lợi như đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có có nền tảng kiến thức về kinh tế học, tài chính – ngân hàng phong phú; môi trường học tập năng động; cơ sở thực tập rộng mở bởi hoạt động đầu tư có liên quan đến nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo chuyên ngành học Kinh tế đầu tư còn gặp phải những khó khăn do nhu cầu của thị trường lao động không ngừng thay đổi theo xu hướng phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi chương trình đào tạo phải thường xuyên cần cải tiến để đào tạo người học tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Đồng thời, ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và diễn biến phức tạp của kinh tế trong nước và thế giới đã và đang tạo ra vô số thách thức đối với nền kinh tế. Các doanh nghiệp đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong những năm gần đây, ảnh hưởng lớn đến cơ hội việc làm của sinh viên ra trường, chưa có kinh nghiệm làm việc.
Chuyên ngành Kinh tế đầu tư là một chuyên ngành học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, để đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành học này, cô Huyền Anh đã đưa ra một số mong muốn và kiến nghị.
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của đầu tư phát triển hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò chuyên ngành Kinh tế đầu tư trong hệ thống giáo dục đại học.
Thứ hai, tăng cường hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Để làm được việc này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới quan điểm giáo dục đại học theo hướng chú trọng phát triển năng lực toàn diện: đào tạo tư duy, kỹ năng và trách nhiệm bên cạnh kiến thức. Khả năng học tập suốt đời và khả năng thích ứng với sự thay đổi cũng là những tố chất quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong khi đó, tại một cơ sở giáo dục đại học khu vực miền núi, việc tuyển sinh người học cho ngành học Kinh tế đầu tư lại không mấy thuận lợi.
Theo chia sẻ từ cô Đỗ Hải Yến – Phó trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) cho biết, mặc dù chương trình đào tạo ngành Kinh tế đầu tư của khoa được đánh giá tốt, đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện tại cũng như khoa luôn cố gắng thực hiện tốt công tác truyền thông khi đi tuyển sinh. Tuy nhiên, lượng sinh viên vào ngành học này những năm gần đây không đáp ứng được chỉ tiêu tuyển sinh cũng như kỳ vọng của khoa và nhà trường.
Theo cô Yến, là một cơ sở giáo dục đại học thuộc khu vực miền núi phía Bắc, do đó, nhận thức của các em khu vực này chủ yếu lựa chọn ngành học về kế toán hoặc sư phạm.
Mặt khác, người học sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế đầu tư cũng chủ yếu là làm việc tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các thành phố lớn, số lượng doanh nghiệp cũng như nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Kinh tế đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn hạn chế dù đây cũng là lĩnh vực nằm trong xu hướng phát triển của tỉnh.