Luật Giáo dục năm 2019 sắp có hiệu lực và 3 sự việc còn nhiều băn khoăn

11/06/2020 06:20
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với 3 sự việc mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết này sẽ ảnh hưởng sớm nhất đến đội ngũ nhà giáo và toàn ngành giáo dục trong những ngày đang tới.

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa (01/7/2020) là Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực và nó sẽ có những thay đổi, tác động trực tiếp đến các nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo và hàng triệu học sinh trên cả nước.

Những thay đổi của Luật Giáo dục sẽ ảnh tới đây có những điều khiến cho nhiều người nghĩ suy...

Chẳng hạn như: cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo, lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông mới và việc tổ chức kỳ thi cuối cấp của học sinh lớp 12 trong tháng 8 tới đây.

Kỳ thi của học sinh lớp 12 áp dụng theo Luật mới nhưng chọn sách giáo khoa lớp 1 thì không (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Kỳ thi của học sinh lớp 12 áp dụng theo Luật mới nhưng chọn sách giáo khoa lớp 1 thì không

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Theo lộ trình thì phụ cấp thâm niên của nhà giáo sẽ không còn sau ngày 01/7/2020

Theo lộ trình, từ ngày 1/7 tới đây, hàng triệu nhà giáo sẽ bị cắt thâm niên nhà giáo- điều này khiến cho đội ngũ nhà giáo lo lắng vì nếu các cơ quan chức năng thực hiện thì thu nhập hàng tháng của họ sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Trong khi đó, dự kiến lương cơ sở tăng từ 1.490.000 lên 1.600.000 đồng vào ngày 1/7 đã bị dừng lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn về ngân sách.

Nếu lương cơ sở không tăng mà nhà giáo bị cắt phụ cấp thâm niên thì đây sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho hàng triệu nhà giáo khi lương của họ không được tăng lên mà lại còn bị cắt giảm đi.

Điều mà mọi người chờ đợi là sự lên tiếng từ lãnh đạo ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng có thẩm quyền, liên quan đến việc chi trả phụ cấp nhà giáo thì chưa thấy lên tiếng.

Hiện vẫn chưa có một chỉ đạo hay một văn bản nào đề cập đến sự việc tiếp tục chi trả phụ cấp cho nhà giáo hay dừng chi trả vào ngày 1/7 tới đây từ các cơ quan của cấp Bộ.

Nhưng, nếu các cơ quan có thẩm quyền không có những chỉ đạo cụ thể về vấn đề này thì có lẽ các địa phương sẽ dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Luật định- vì họ chỉ là cấp thừa hành.

Bởi theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 thì sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức) và Luật Giáo dục năm 2019 cũng đã đề cập vấn đề này.

Tuy nhiên, một khi Nhà nước chưa có điều kiện tăng lương cơ sở, cải cách tiền lương cho người lao động theo vị trí việc làm nhằm, “công bằng chứ không cào bằng” mà lại cắt phụ cấp thâm niên nhà giáo trong lúc này là điều rất đáng tiếc.

Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì áp dụng theo Luật Giáo dục năm 2019 nhưng sách giáo khoa lớp 1 thì…không

Có những sự việc mà chúng tôi băn khoăn không thể tự trả lời được đó là Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/ 2020 nhưng cách lý giải của lãnh đạo Bộ cho một số công việc của ngành thì lại khác nhau.

Đó là việc Bộ Giáo dục bỏ tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như mọi năm để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và kỳ thi này sẽ diễn ra từ ngày 9-10/8/2020.

Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các địa phương, các trường đại học và gần 1 triệu thí sinh trên cả nước khi lộ trình Bộ đưa ra đã bước vào thời điểm gần cuối năm học.

Vì thế, đến thời điểm này thì đa phần các trường đại học không thể có phương án tuyển sinh riêng mà họ phải lấy kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia để làm kết quả tuyển sinh.

Trong khi, mục đích của việc ra đề tốt nghiệp chắc chắn sẽ khác với mục đích phân loại thí sinh được tuyển vào các trường đại học.

Đó là chưa nói ở kỳ thi năm nay thì tất cả các khâu coi thi, chấm thi đều được giao cho các địa phương tự đảm nhận.

Nhưng theo lý giải của một số lãnh đạo Bộ Giáo dục trong thời gian qua thì kỳ thi này diễn ra sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực nên phù hợp và đúng Luật.

Thế nhưng, năm học 2020-2021 sẽ diễn ra còn sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nhưng việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 lại theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là các nhà trường tự lựa chọn sách giáo khoa.

Nếu theo Luật Giáo dục sửa đổi thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ lựa chọn sách giáo khoa cho địa phương mình và một số lãnh đạo Bộ cũng nói là việc lựa chọn sách giáo khoa cũng đúng Luật vì thời điểm lựa chọn sách là khi Luật Giáo dục năm 2019 chưa có hiệu lực.

Vậy, sự chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 trong suốt quãng thời gian qua là thời điểm nào, có phải nó cũng trước khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực hay không?

Như vậy, cả 2 sự việc này đều diễn ra sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực (1/7) nhưng lại áp dụng 2 cách khác nhau và cách lý giải nào của Bộ…cũng đúng?

Trong khi, việc năm nay các trường lựa chọn sách giáo khoa, sang năm học sau thì các Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ dẫn đến nhiều bất cập cho các nhà trường.

Bất cập ở chỗ nếu năm nay nhà trường chọn bộ sách giáo khoa này được các Nhà xuất bản tập huấn, sang năm tỉnh chọn bộ sách khác thì giáo viên lại phải bồi dưỡng, tập huấn sách mới với Nhà xuất bản khác.

Vô tình, làm khổ cho giáo viên tiểu học, đặc biệt là giáo viên lớp 1 trong 2 năm liên tiếp bởi họ phải tập huấn, bồi dưỡng 2 bộ sách giáo khoa khác nhau trong 2 năm.

Kéo theo đó là nhà trường phải đầu tư mua 2 bộ sách, năm nay nhà trường lựa chọn mua và dạy sách này nhưng nếu sang năm Ủy ban nhân dân tỉnh chọn sách khác thì bắt buộc nhà trường phải mua sách mới.

Luật Giáo dục năm 2019 có rất nhiều sự việc liên quan đến đội ngũ nhà giáo và các nhà trường khi nó có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây.

Tuy nhiên, đối với 3 sự việc mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết này sẽ ảnh hưởng sớm nhất đến đội ngũ nhà giáo và toàn ngành giáo dục trong những ngày đang tới.

NHẬT DUY