Luật rừng và rừng luật

30/09/2018 06:40
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Bảo kê máy gặt, bị trừng phạt khi than phiền chất lượng dịch vụ…điều đó sẽ không trở nên tai tiếng nếu “Rừng luật” bị chặt hạ.

LTS: Trong bài viết này, tác giả Trương Khắc Trà bàn về câu chuyện thực thi pháp luật và chuyện "luật rừng" vẫn tồn tại đâu đó trong xã hội.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

“Luật rừng” được nhắc đến mỗi khi người ta tận thấy điều bất công bằng trong đời sống, khi công dân không được hưởng quyền phán xét tối ưu từ những bộ luật tối ưu nhất.

Tìm trên internet không cho ra kết quả nào khả dĩ về “Luật rừng”, nhưng có phải đó là loại luật “mạnh được yếu thua theo kiểu cạnh tranh sinh tồn trong thế giới loài vật”!?.

Không sự diễn giải nào sát hơn với cách cắt nghĩa này, và vì vậy “Luật rừng” là thứ gì đó rất xa với thế giới văn minh - nơi có bóng dáng con người.

Kỳ lạ thay, nhóm người có nguy cơ lớn nhất gặp phải cơn ác mộng “Luật rừng” là những người “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” - chính xác là những người nông dân với niềm tin trong sáng, rằng “trời xanh đây là của chúng ta/những cánh đồng thơm ngát/những ngả đường bát ngát…” [Đất nước, Nguyễn Đình Thi].

Đối tượng bảo kê máy gặt bị người dân bắt trói giao công an. Ảnh: Thethaovanhoa.vn
Đối tượng bảo kê máy gặt bị người dân bắt trói giao công an. Ảnh: Thethaovanhoa.vn

“Côn đồ trên những cánh đồng”, nó thật đa ngữ nghĩa, đó là những người cướp đất vây rào “treo” dự án; là những kẻ ngang nhiên mánh lới trên phương tiện mưu sinh của người nghèo, cả những thương nhân “lạ” lũng đoạn sản vật, o ép giá cả vắt mồ hôi thành tiền…

Nhưng ít ai nghĩ rằng, côn đồ còn xuất hiện trên những cánh đồng lúa chín vào mùa gặt.

Chiều 28/5, nhóm thanh niên gồm 6 người mang hung khí xuống đồng thuộc địa bàn xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đòi thu tiền “bảo kê” máy gặt [1].

Ở Hà Tĩnh, Theo một cán bộ thôn Quang Trung (Kỳ Anh), “tình trạng “xã hội đen” kết nối dẫn máy gặt về làng rồi lấy giá “chặt chém” đã xảy ra mấy năm nay.

Như năm ngoái, các nơi khác giá gặt chỉ 110.000 - 120.000 đồng/sào nhưng máy của đối tượng bảo kê lấy 180.000 đồng/sào. Trong khi thực tế, chúng chỉ trả cho chủ máy gặt 120.000, còn 60.000 bỏ túi” [2].

Luật rừng và rừng luật ảnh 2Không ai được quyền đứng trên luật pháp

Người viết không muốn đặt ra đây một vài câu hỏi “Vì đâu”, “Do đâu”… vì bản thân vụ việc vốn dĩ sẽ dẫn dắt tâm lý đến với những câu hỏi đó.

Khi không thể tìm thấy câu trả lời thì đương nhiên liên tưởng đến một loại luật gọi là “Luật rừng”.

Giữa cánh đồng, giữa thửa ruộng nhiều đời nay người nông dân vẫn xem, đó là “của mình” vậy mà thế lực “cỏn con” ngang thiên thi hành thứ luật “bất thành văn”. Không thể nào không “đả động” đến chính quyền địa phương.

Họ (chính quyền địa phương) ở đâu và làm gì khi người nông dân bị bóc lột bởi vũ lực?

Công an xã rất bức xúc nhưng chưa có cơ sở để xử lý đối tượng được cho là bảo kê, vì người dân và chủ máy gặt không tố việc họ bị đe dọa, hay cưỡng ép” [3].

Một khi người bị hại không tố cáo, tạm suy luận có hai trường hợp, một là họ cảm thấy…hài lòng! Thứ hai là không dám tố cáo vì sợ tai bay vạ gió.

Trên đời này không có ai bị đàn áp mà cảm thấy hài lòng, trừ khi đó là vở kịch đậm tính vụ lợi diễn ra ở đâu đó trong tầng lớp “cổ cồn” không dính dáng gì đến chỉ mong ước được an lành những người nghèo khó.

Lại phải đặt câu hỏi, khả năng điều tra độc lập và phát hiện của cơ quan chức năng?

Ở địa phương họ cũng là những người nông dân, trụ sở ủy ban cách không xa cánh đồng nơi diễn ra vụ việc, chẳng nhẽ họ không hề hay biết?.

Nhiều gia đình ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp cắt điện vì đã bình luận trên facebook phản ánh nhiều bất cập trong quá trình sử dụng điện [4]. Nguyên nhân: Tiền điện tăng bất thường!

Từ bao lâu rồi người ta không cho phép ai đó có quyền than phiền mình trên phương tiện công cộng?

Nếu khổ chủ cảm thấy mình bị xúc phạm có thể kiện nguyên đơn ra tòa, tức là bằng cách nào đó thật pháp luật chứ không thể sử dụng công cụ trong tay để “nã đạn” vào khách hàng.

Từ khi nào việc kinh doanh có bóng dáng công quyền trở nên bất cần khách hàng? Phải chăng đó là hệ quả của tình trạng độc quyền - độc đoán…!

Một tập thể kinh doanh nếu lu mờ về luật pháp thì họ không còn cách nào khác sử dụng “Luật rừng” với khách hàng?

Mỗi năm Quốc hội tốn không ít thời gian và tiền bạc để nỗ lực hoàn thiện thể chế, luật hóa những vấn đề còn mắc mớ. Nước ta không hề thiếu luật, thậm chí còn chồng chéo, luật chồng luật.

Theo thống kê từ trang thuvienphapluat.vn, hiện có 225 Luật và Bộ luật còn hiệu lực và sắp có hiệu lực, đó là chưa kể số lượng Luật, Bộ luật được đem ra mổ xẻ, điều chỉnh mỗi kỳ họp Quốc hội.

Nhưng không hiểu sao Luật chính thống vẫn vắng bóng ở những nơi cần nó phát huy tác dụng.

Nghề luật phát triển mạnh ở nước ta những năm gần đây nhưng không gian luật pháp mang tính “dịch vụ pháp lý cho người nghèo” không có nhiều.

Ngày càng có nhiều vấn đề phát sinh được luật hóa, nhưng cũng làm phát sinh thêm nhiều vấn đề tuy không lớn nhưng lại là những “gáo nước lạnh” dội vào chiếc cân và thanh gươm.

Tại thiếu luật hay tại người ta không muốn thực thi luật? Lỗ hổng luật thường được bổ sung bằng đạo đức. Bảo kê máy gặt, bị trừng phạt khi than phiền chất lượng dịch vụ…điều đó sẽ không trở nên tai tiếng nếu “Rừng luật” bị chặt hạ.

Nguồn tham khảo:

[1] https://www.thethaovanhoa.vn/xa-hoi/bat-4-doi-tuong-thu-tien-bao-ke-may-gat-danh-dan-da-man-tren-dong-o-thanh-hoa-n20180529200704336.htm

[2,3] https://laodong.vn/xa-hoi/giang-ho-bao-ke-may-gat-nong-dan-khon-kho-630275.ldo

[4] http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/hang-chuc-ho-dan-bi-cat-dien-vi-binh-luan-tren-facebook-a245079.html

Trương Khắc Trà