LTS: Trước những mập mờ trong việc nhà trường buộc các bậc phụ huynh mua thêm bảo hiểm tai nạn cho con em mình, tác giả Thuận Phương đã thẳng thắn đưa ra quan điểm thông qua bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nhiều trường học hiện nay, đang buộc học sinh phải tham gia 2 loại bảo hiểm, đó là: bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn.
Thế nhưng, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường được phép thu hộ bảo hiểm y tế theo luật Bảo hiểm y tế.
Vậy, bảo hiểm y tế là bắt buộc với toàn thể học sinh. Riêng bảo hiểm tai nạn là bảo hiểm tự nguyện, phụ huynh có nhu cầu thì mua, không thì thôi.
Mập mờ bảo hiểm tự nguyện và bắt buộc trong nhà trường (Ảnh minh họa: VTV/Báo Hải quan). |
Thông báo mập mờ
Nhưng, trong thực tế ở các trường học hiện nay, phụ huynh vẫn đang bị nhà trường buộc mua thêm bảo hiểm tai nạn.
Có khá nhiều gia đình, họ không có nhu cầu mua loại bảo hiểm này vì nhiều lý do.
Có gia đình nghèo, đông con đi học nên không có đủ điều kiện để mua. Có gia đình đã tham gia mua các loại hình bảo hiểm nhân thọ có đóng luôn cả điều kiện phụ là bảo hiểm tai nạn nâng cao.
Nay, buộc phải mua thêm bảo hiểm tai nạn, một số phụ huynh không bằng lòng và tỏ ra bức xúc.
Thế nên, nếu nhà trường phổ biến cho phụ huynh rạch ròi về bảo hiểm tai nạn chỉ là tự nguyện, chắc chắn số lượng phụ huynh tham gia mua bảo hiểm tai nạn cho con không nhiều.
Có lẽ nắm được tâm lý này, nhiều trường học chỉ ghi liệt kê những khoản cần đóng trong năm học trên một danh sách.
Bao giờ giáo viên chủ nhiệm mới thoát kiếp “đại lý bảo hiểm bất đắc dĩ"? |
Phụ huynh đến trường nhìn vào bảng liệt kê và buộc phải móc hầu bao dù muốn hay không.
Có hiệu trưởng chỉ đạo kín “phụ huynh nào biết, thắc mắc việc bảo hiểm tai nạn là tự nguyện thì giáo viên cần tư vấn, thuyết phục, nếu không được thì thôi. Ai không hiểu cứ để họ đóng”.
Khi được hỏi “sao nhà trường không thông báo cụ thể khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện để phụ huynh lựa chọn?”, một vài hiệu trưởng nói rằng:
“Nhà trường cũng chịu sức ép từ trên xuống. Chỉ tiêu phải bán được 100% các loại bảo hiểm mới được thưởng và xét thi đua.
Nếu để cho phụ huynh biết một cách rạch ròi, nhà trường sẽ không hoàn thành được chỉ tiêu”.
Vì sao bảo hiểm tai nạn là tự nguyện mà phải giao chỉ tiêu?
Nếu nói là bảo hiểm tự nguyện thì từng trường học phải có quyền quyết định đồng ý cho công ty bảo hiểm nào vào trường học để bán bảo hiểm.
Và phụ huynh đồng ý mua hay không là tùy, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như thế, kế toán một trường học chia sẻ.
Phòng giáo dục mới là nơi quyết định buộc các trường phải bán loại bảo hiểm tai nạn của công ty bảo hiểm nào.
Vì sao cánh tay của phòng giáo dục lại vươn dài đến thế? Đó chính là phần trăm hoa hồng, một món lợi không hề nhỏ.
Tiền hoa hồng bảo hiểm đi đâu khi giáo viên phải thu mà không được đồng nào? |
Theo tiết lộ của một cán bộ trong công ty bảo hiểm, phần trăm họ trích lại cho phòng giáo dục khoảng 5% đến 7%.
Nếu tính trên địa bàn với mấy chục ngàn học sinh thì số tiền môi giới này quả không hề nhỏ.
Nhà trường tiếp nhận việc bán hộ bảo hiểm, vì muốn bán được 100% cho học sinh nên tiếp tục giao chỉ tiêu xuống cho các giáo viên chủ nhiệm.
Ngoài số phần trăm được công ty bảo hiểm trích lại cho nhà trường (không biết số tiền lớn không nhưng giáo viên không hề được chia % trong đó).
Riêng hiệu trưởng và kế toán còn có % riêng cùng một chuyến du lịch miễn phí hàng năm khoảng 4-5 triệu đồng/người.
Giáo viên lãnh nợ
Với học sinh đầu cấp (khối 1, khối 6 và khối 10) ở cả ba cấp học, cha mẹ các em thường đóng các khoản tiền rất nhanh. Vì nếu không đóng tiền, hồ sơ của học sinh chưa được tiếp nhận vào trường.
Giáo viên chủ nhiệm ba khối lớp này hầu như thoát được khoản phải làm người tư vấn bảo hiểm và “đòi nợ” phụ huynh.
Những giáo viên khác phải kiêm luôn vai trò tư vấn và đòi nợ khi phụ huynh chậm đóng tiền hoặc chây ì.
Người giỏi tư vấn và đòi nợ tốt sẽ hoàn thành chỉ tiêu nhanh chóng. Người vụng về hơn sẽ có không ít học sinh trong lớp “nói không với bảo hiểm”.
Thế là, một lớp làm ảnh hưởng đến thi đua của cả trường nên giáo viên chủ nhiệm ấy cũng sẽ bị vạ lây bằng việc thường xuyên bị nhắc nhở và khó khăn trong việc xét thi đua cuối năm.
Không đóng bảo hiểm, phụ huynh thường bị giáo viên làm phiền. Không vận động được phụ huynh mua bảo hiểm, giáo viên cũng bị nhà trường làm phiền.
Nơi dạy chữ, dạy cách làm người, một môi trường giáo dục trong sáng lại trở thành nơi kinh doanh bảo hiểm liệu có đúng không? Câu hỏi nhiều năm đặt ra nhưng câu trả lời vẫn không hề thay đổi.