Mấy suy nghĩ về đổi mới dạy và học văn

20/07/2023 06:40
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gần 10 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, trong đó có môn Ngữ văn.

Hiện tại điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã có kết quả. Nhưng một trong những vấn đề được bàn luận nhiều khi kỳ thi này diễn ra và e rằng sẽ còn được thảo luận nhiều khi năm học mới sắp bắt đầu là đề kiểm tra, thi môn Ngữ văn. Những chia sẻ đó thể hiện sự quan tâm, lo lắng dạy, học ở phổ thông.

Điều này đặt ra cho ngành giáo dục yêu cầu là làm sao việc dạy, học, thi tác động lẫn nhau, tạo sự thay đổi (nhanh, chắc, hiệu quả) để môn Ngữ văn (môn Văn) trong trường phổ thông góp phần đào tạo lớp trẻ năng động, sáng tạo, tử tế, trách nhiệm.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đổi mới môn Văn, nhiều lần “gióng trống”

Gần 10 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, xin trích dẫn một số công văn:

Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của nhà trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng;

Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh từ năm học 2017-2018 (Nội dung cơ bản là đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá, tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục);

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó có nội dung hướng dẫn kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kỳ;

Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Công văn đặc biệt nhấn mạnh đổi mới cách học, cách dạy môn Ngữ văn.

Đổi mới cách học văn là phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mỹ.

Đối với cách dạy văn - dạy học không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho suy nghĩ của học sinh; dạy đọc thì chú trọng hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục,…

Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, Công văn 3175 nêu: “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Nhìn chung, dạy văn, học văn vẫn nặng áp đặt bình giảng, phân tích; học theo kiểu ghi nhớ; đề thi cũ kỹ, an toàn.

Đổi mới môn Văn thiếu sự cộng hưởng?

Vừa qua, tôi có được một vị thanh tra của sở giáo dục và đào tạo chia sẻ, người này tham gia đoàn về thanh tra một trường trung học phổ thông. Anh chưng hửng khi hiệu trưởng trường này vẫn dùng Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, làm căn cứ để ra các quyết định quản lý.

Trong khi đó, từ ngày 15/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thay thế Thông tư 12 nói trên.

Một thông tư quan trọng, cơ sở để lãnh đạo, quản lý trường phổ thông, ban hành đã 3 năm, ngót nghét 1.000 ngày ngồi ghế hiệu trưởng, vậy mà có hiệu trưởng vẫn không biết!

Huống chi, giữa khá nhiều công văn, và trong vòng xoáy đối phó, bệnh thành tích, non năng lực, lỏng trách nhiệm thì có cơ sở giáo dục không thực hiện công văn hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra môn Ngữ văn… là chuyện thường ở trường phổ thông?

Giáo viên như thành quen với “bình giảng, phân tích là của ta”, “đọc lệnh ghi”, “quyền cho điểm”. Nay đổi mới, đòi hỏi dày công đọc, học lại, soạn giảng, nhiều người đã chia sẻ than khó với nhiều lý do, thường là đổ tại học trò, tại thi cử, thực chất là do thói quen cũ.

Xét danh hiệu thi đua tập thể, cá nhân, quanh quẩn số lượng học sinh giỏi, học sinh có giải ở kỳ thi chọn học sinh giỏi, tỷ lệ giáo viên giỏi, …

Liệu có phải do không đánh giá cẩn trọng việc thực hiện các công văn đã ban hành nên công tác ra đề kiểm tra định kỳ, thi cuối cấp, vẫn ngữ liệu thân quen?

Đôi điều kiến nghị

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ban hành hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nói chung, môn Văn nói riêng chỉ là một trong nhiều động thái của cấp quản lý.

Cùng với đó là chương trình, sách giáo khoa, kiểm tra, thi phải hòa quyện, thống nhất trong đổi mới cách dạy, cách học, cách thi.

Quyết định là mệnh lệnh đối với cấp dưới nhưng cũng là mệnh lệnh đối với tổ chức, cá nhân ban hành quyết định.

Điều này cũng gia tăng niềm tin, truyền cảm hứng cho đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra, đặc biệt đối với môn Văn.

Đề thi Văn kỳ thi cuối cấp, nên có đề thi cho học sinh thi với mục đích xét tốt nghiệp, có đề thi cho học sinh dùng môn Văn xét tuyển đại học. Việc cả triệu học sinh thi chỉ một đề Văn thì việc ra kiểu như cũ e khó tránh khỏi!

Với Sở và Phòng giáo dục và đào tạo

Hai cấp quản lý này quản lý trực tiếp các trường phổ thông và nắm chắc đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Biết bồi dưỡng, tập huấn thiết thực và thuyết phục, kiểm tra thực hiện đổi mới phương pháp dạy, học, đánh giá ở trường thuộc quyền; cởi mở và thay đổi toàn diện công tác thi đua - lấy đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá làm nền tảng, chú trọng khảo sát nhà trường xóa văn mẫu, bỏ dạy xơ cứng, thuyết giảng, nặng nề điểm số qua kiểm tra.

Nếu kiên trì, sau từ 3 đến 5 năm học, dạy, học văn sẽ thay đổi căn bản.

Với hiệu trưởng các trường phổ thông

Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá là việc khó, với môn Văn lại càng khó.

Vì vậy, hiệu trưởng phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tìm tòi, đọc hiểu và vận dụng một cách thích hợp vào đơn vị mình quản lý.

Khéo léo động viên, làm mẫu để từng giáo viên văn thay đổi.

Xây dựng thói quen đọc sách, định hướng giáo viên chọn lọc ngữ liệu, giúp họ trích dẫn ngữ liệu mang hơi thở cuộc sống, qua đó, giáo viên văn có hiểu biết rộng, sâu khi phân tích, bình giảng, biết tổ chức hoạt động trải nghiệm, nắm chắc đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Cải tiến sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, hiệu trưởng cùng dự sinh hoạt, sắp xếp dự giờ Văn, xem giáo án văn soạn thế nào; lắng nghe phản hồi từ việc học văn của học sinh; tạo phối hợp để các tổ chuyên môn khác hỗ trợ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả đổi mới dạy, học văn.

Giáo viên có nhiều cố gắng thì khen thưởng, khi họ chệch hướng thì uốn nắn; nếu họ chểnh mảng, vô tâm thì hiệu trưởng nghiêm khắc nhắc nhở.

Đổi mới dạy học nói chung, môn Văn nói riêng cũng chính là quá trình hiệu trưởng phát triển đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới quản trị trường học.

Với giáo viên

Năng lực, trách nhiệm, tâm huyết khi lên lớp, lúc soạn giảng, mỗi kỳ ra đề, trong sinh hoạt chuyên môn, tự học, tự rèn.

Dạy học mà chậm nhịp với đổi mới, với cuộc sống thì làm sao học sinh “mê” văn? Một bộ phận học sinh không thích học văn, lỗi không của riêng ai, nhưng giáo viên chịu trách nhiệm chính.

Lương thấp rồi sẽ từng bước được nâng; môi trường làm việc áp lực rồi sẽ từng bước được cải thiện; chương trình, sách giáo khoa văn có “sạn”, rồi sẽ được nhặt và khắc phục; vai trò môn Văn bị xem nhẹ (nhìn từ xã hội) ai rồi sẽ tháo nút thắt.

Vậy, “trái bóng” đổi mới dạy, học văn đang ở chân giáo viên. Với khối óc sáng, trái tim nóng, “đôi chân” khỏe, chắc chắn bóng đẹp sẽ ghi bàn, nâng “tỷ số” cho môn Ngữ văn!

Với học sinh, phụ huynh học sinh

Động cơ học tập, phương pháp học văn, thói quen đọc sách,… vun trồng từ trong gia đình. Đành rằng, đầu tư việc học có trọng tâm nên thời gian dành cho các môn học không chia đều.

Nhưng, học Văn có vị trí quan trọng trong học làm người - con người tử tế, biết khởi nghiệp và đi tới thành công.

Đồng hành với thầy cô ở trường, phụ huynh lúc ở nhà dành thời gian cùng con em học Văn.

Tài liệu môn Văn, tiếng Việt (từ lớp 1 đến lớp 12) phong phú lắm. Thay vì lướt “phây”, Zalo, phụ huynh hãy truy cập vào các nguồn học liệu ấy, giúp con em học văn, biết đọc - nói - viết - nghe và cảm thụ tốt những vấn đề văn học, giúp con em nên người, sau này là công dân hữu ích, bên gia đình hạnh phúc, xây nước nhà an vui.

Đã nhiều lần ngành giáo dục, báo chí luận bàn, trao đổi, chia sẻ những nội dung về học, dạy, và thi văn. Với đề thi về tác phẩm “Vợ nhặt”, thêm lần nữa việc đổi mới cách ra đề môn Văn được đề cập đến.

Từ năm học 2023-2024, hi vọng luồng gió mang trong lành, tươi mát để đổi mới dạy, học văn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương