Miễn học phí, Kinh tế chính trị vẫn khó cạnh tranh tuyển sinh với ngành "hot"

29/05/2024 06:38
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, đào tạo ngành Kinh tế chính trị vẫn gặp rất nhiều thách thức với cả người học, người dạy.

Để thu hút nhân lực vào ngành Kinh tế chính trị, Nhà nước đã triển khai chính sách miễn hoàn toàn học phí cho sinh viên theo học ngành này. Chính sách này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên mà còn thể hiện sự quan tâm đầu tư của Nhà nước vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Kinh tế chính trị, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Khuyên, Phó trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhấn mạnh: Khi xã hội càng phát triển thì khoa học Kinh tế chính trị càng trở nên quan trọng. Bởi đây là ngành khoa học khái quát các nguyên tắc, quy luật, phạm trù kinh tế cơ bản nhất; đóng vai trò là phương pháp luận cho các hoạt động nghiên cứu kinh tế chính trị và thực tiễn kinh tế chính trị.

Khi một xã hội đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định, các câu hỏi cơ bản như: “Ai là người tạo ra giá trị xã hội?”; “Ai quản lý và vận hành quá trình sản xuất?”; Và cuối cùng “Ai sẽ hưởng lợi từ giá trị đó?" bắt đầu được đặt ra. Kinh tế chính trị xuất hiện giúp giải đáp những câu hỏi.

Ngày nay, trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, xã hội yêu cầu sự tiên phong của các cơ sở giáo dục trong việc nghiên cứu và ứng dụng các nguyên lý kinh tế chính trị vào thực tiễn.

z5272148414470_11f80a8c247b828a82c567b8145bdd1a.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Khuyên, Phó trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

Theo cô Khuyên, Kinh tế chính trị cung cấp một khung lý thuyết giúp người học hiểu được các cơ chế hoạt động của thị trường, phân tích các tác động của chính sách kinh tế, và dự báo các xu hướng phát triển kinh tế. Bằng cách nắm vững các nguyên lý này, người làm chính sách có thể thiết kế các chính sách vĩ mô phù hợp hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

Đồng thời, sự hiểu biết sâu rộng về kinh tế chính trị không chỉ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách mà còn thiết yếu cho mỗi cá nhân trong xã hội. Các nguyên lý kinh tế chính trị giúp người dân hiểu được nguồn gốc của sự phân bổ tài nguyên, nguyên nhân của sự bất bình đẳng kinh tế, và cách các quyết định kinh tế có thể ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của họ.

Với kiến thức này, người dân có thể đưa ra các quyết định thông minh hơn về tiêu dùng, đầu tư và lập kế hoạch tài chính cá nhân, đồng thời phòng tránh các rủi ro không đáng có, như lừa đảo tài chính hay đầu tư sai lầm.

Chương trình đào tạo lý thuyết gắn liền với thực tiễn

Tiến sĩ Hà Thị Hằng, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế cho biết, ngành Kinh tế chính trị trang bị cho người học nhiều kiến thức cơ bản, hệ thống và hiện đại về các vấn đề kinh tế và chính trị, cùng với khả năng phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề chuyên môn phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, chương trình đào tạo của nhà trường đối với tất cả các ngành, trong đó có ngành Kinh tế chính trị đã được xây dựng, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển của xã hội.

Cô Hằng thông tin, chương trình đào tạo của trường trang bị cho sinh viên các kiến thức chung về kinh tế và những kiến thức về chuyên ngành kinh tế chính trị để sinh viên ra trường có thể làm việc ở các lĩnh vực kinh tế nói chung (thuế, bảo hiểm, ngân hàng…) và các lĩnh vực kinh tế chính trị nói riêng.

Nhà trường thường xuyên mời các doanh nghiệp giảng dạy một số học phần, sinh viên được nghe các báo cáo thực tế tại địa phương và được đi thực tế nghề nghiệp, được thực tập tại các cơ quan và doanh nghiệp. Chương trình đào tạo của trường được cập nhật và điều chỉnh 2 năm 1 lần để đáp ứng nhu cầu xã hội.

dec4635bb38912d74b98.jpg
Tiến sĩ Hà Thị Hằng, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế và các sinh viên trong khoa. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Thị Khuyên chia sẻ, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhằm cập nhật theo xu hướng kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Trong chương trình đào tạo, có các học phần thực tế kinh tế xã hội, kiến tập, thực tập để sinh viên có điều kiện kết nối lý luận với thực tiễn.

Tất cả các học phần trong chương trình đào tạo ngành Kinh tế chính trị đều bao gồm nội dung học lý thuyết, thực hành, tự học. Trong đó phần thực hành, chiếm khoảng 30-40% tổng thời lượng. Nhờ vậy, sinh viên có cơ hội quan sát và phân tích các tình huống kinh tế thực tế, sau đó áp dụng các lý thuyết đã học để giải thích và giải quyết những tình huống ấy.

Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, khoa cũng mời chuyên gia từ các doanh nghiệp và cơ quan ban ngành đến chia sẻ kinh nghiệm và thông tin thực tiễn cho sinh viên.

“Năm 2023, khoa đã mời Tổng công ty Điện lực Việt Nam tới thảo luận về các vấn đề phát triển năng lượng tái tạo; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương chia sẻ về thương mại điện tử.

Năm 2024, có doanh nhân Bùi Thị Kim Quy, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ Phần Chè Sao Đỏ Mộc Châu về chia sẻ về đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, xây dựng phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

Những buổi gặp gỡ này không chỉ cung cấp kiến thức thực tế mà còn mở rộng mạng lưới và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên”, cô Khuyên thông tin.

Cần tố chất gì để theo học ngành Kinh tế chính trị?

Ngoài những yêu cầu cơ bản trong quy định tuyển sinh, Tiến sĩ Hà Thị Hằng chỉ ra một số tố chất mà học sinh nên có để theo học ngành Kinh tế chính trị.

Trước hết, không riêng ngành Kinh tế chính trị mà trong bất cứ ngành nào, điều đầu tiên là các bạn phải yêu thích và đam mê ngành học. Chỉ khi đam mê mới thích tìm hiểu, khám phá, tìm tòi và nỗ lực về ngành học mà mình theo đuổi.

Tiếp theo, các bạn cần có khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Ngành Kinh tế chính trị yêu cầu người học có khả năng nắm bắt vấn đề, từ đó phân tích vấn đề một cách toàn diện nhằm đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, người học cần rèn luyện cho mình tư duy phản biện, biết đưa ra lập luận, quan điểm cá nhân về các vấn đề kinh tế, chính trị đang diễn ra, từ đó có những đóng góp ý kiến và đưa ra giải pháp hữu ích.

Không chỉ thế, muốn học ngành Kinh tế chính trị, các bạn cần có tính kiên nhẫn, chịu khó.

“Để đưa ra các quyết định đúng đắn, các giải pháp hiệu quả, sinh viên ngành Kinh tế chính trị phải có sự am hiểu nhiều nhóm kiến thức, nhạy bén với những biến động về những những vấn đề kinh tế, chính trị đã và đang diễn ra, do đó đòi hỏi mỗi người phải kiên trì, chịu khó tích luỹ kiến thức lý thuyết, kinh nghiệm thực tế”, cô Hằng cho hay.

Anh Nguyễn Quang Châu, cựu sinh viên khóa 34, ngành Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (hiện là chuyên viên phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận) cũng nêu một số kỹ năng sinh viên cần trau dồi trong quá trình học tập: “Hiện nay xã hội đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, chính vì vậy đòi hỏi sinh viên ra trường trước hết phải có kiến thức về chuyên ngành mình được đào tạo, thứ hai là trong quá trình học các bạn cần học được kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, phân tích, đánh giá, nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, kỹ năng tin học và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cũng rất quan trọng, có những năng lực này sẽ giúp các bạn thuận lợi hơn trong việc thi tuyển, xét tuyển”.

Anh Châu cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên nên chú ý rèn luyện phẩm chất chính trị, cố gắng học tập, cống hiến để được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay từ thời sinh viên.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Thị Hằng cho biết, sau quá trình tích lũy các giá trị của chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và năng lực tự chủ, trách nhiệm, sinh viên ngành Kinh tế chính trị có thể đảm nhiệm rất nhiều vị trí như: Tổ chức nhân sự, kế hoạch thị trường, hành chính, ngân hàng tại các doanh nghiệp; giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường chính trị của tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, thị xã; nghiên cứu viên trong các cơ quan, viện nghiên cứu về kinh tế, chính trị và xã hội.

a5b66e90264d8713de5c.jpg
Sinh viên khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế tham gia Hội nghị Tổng kết năm học và Đối thoại sinh viên. Ảnh: NTCC

Ngành học quan trọng nhưng ít được biết đến

Là một lĩnh vực quan trọng, thế nhưng hiện nay ngành Kinh tế chính trị chưa được biết đến và quan tâm rộng rãi.

Anh Nguyễn Quang Châu chia sẻ, Kinh tế chính trị, Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, Tư tưởng Hồ Chí Minh là 5 ngành trụ cột, là nền tảng tư tưởng của Đảng. Mục đích của 5 ngành này là đào tạo ra những lớp người có nền tảng tư tưởng chính trị vững vàng, góp phần trong công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng cũng như chính sách pháp luật Nhà nước.

Hiện nay, các trường đại học và học viện chính trị trên cả nước đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt giảng viên ngành Kinh tế chính trị. Theo chính sách mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kinh tế chính trị giờ đây là một học phần độc lập, dẫn đến nhu cầu gia tăng đáng kể về giảng viên cho bộ môn này.

Nói về khó khăn trong đào tạo và thu hút sinh viên ngành Kinh tế chính trị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Khuyên cho rằng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút người tài tham gia học tập chuyên ngành Kinh tế chính trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, Việt Nam vẫn đang đối mặt với thách thức cơ bản nhất của cuộc sống: cơm áo gạo tiền, đào tạo ngành Kinh tế chính trị vẫn gặp rất nhiều thách thức với cả người học, người dạy và xã hội.

Sinh viên khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia hoạt chương trình thiện nguyện Tuổi trẻ xung kích. Ảnh: NTCC

Sinh viên khoa Kinh tế chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia hoạt chương trình thiện nguyện Tuổi trẻ xung kích. Ảnh: NTCC

Cô Khuyên chia sẻ rằng hiện nay, đa số sinh viên đang tập trung vào việc tạo ra giá trị cho bản thân, mong muốn trở nên giàu có, thậm chí đặt mục tiêu kiếm được một tỷ đồng mỗi năm. Điều này thể hiện rõ qua mong muốn của nhiều sinh viên mà cô có dịp trò chuyện.

Trong bối cảnh này, việc dành thời gian và công sức để nghiên cứu những vấn đề trừu tượng, khái quát mà không mang lại thu nhập ngay lập tức là không dễ. Không chỉ sinh viên mà cả giảng viên và các nhà khoa học cũng phải xoay sở với gánh nặng tài chính hàng ngày, khiến cho việc tập trung vào công tác nghiên cứu càng thêm khó khăn.

Tiến sĩ Hà Thị Hằng cũng cho biết, với sự phát triển của xã hội, sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm xuất hiện nhiều ngành học mới. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến một số ngành đào tạo cơ bản, chuyên biệt, trong đó có ngành Kinh tế chính trị.

Nhiều học sinh sẽ lựa chọn những ngành đón đầu xu hướng phát triển của xã hội, các ngành có khả năng tạo ra thu nhập nhanh và cao ngay sau khi sinh viên ra trường, vì vậy sẽ có ít học sinh lựa chọn các ngành học cơ bản.

Chính sự thay đổi này cũng đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn ngành học của học sinh và làm ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, đào tạo tại các trường đại học trên cả nước nói chung và ở khoa Kinh tế chính trị của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế.

Châu Anh