Mở khu dịch vụ ăn uống, giải trí ở thư viện trường đại học có khó?

05/03/2024 06:35
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Lãnh đạo Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, thư viện của nhà trường có thể mở dịch vụ ăn uống... nhưng phải lập đề án và trình cơ quan chủ quản.

Thông tư số 14/2023 quy định về tiêu chuẩn thư viện đại học có hiệu lực từ tháng 9/2023. Nội dung của Thông tư có một số điểm mới như thư viện có thể mở các hoạt động dịch vụ như ăn uống, photocopy, chi tiết hơn về số lượng tài nguyên thông tin...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp có những chia sẻ về việc đáp ứng tiêu chuẩn mới về thư viện.

Không khó trong việc mở hoạt động dịch vụ tại thư viện

Theo Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan, điểm nhấn mới của Thông tư 14 là thư viện của các cơ sở giáo dục đại học có thể mở các hoạt động dịch vụ.

"Theo thông tư 14/2023/TT-BGDĐT ngày 17/7/2023 quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục đại học có nêu “tuỳ điều kiện của từng thư viện đại học để tổ chức khu dịch vụ ăn uống, giải trí...”.

Về vấn đề này, nhà trường đủ điều kiện để mở dịch vụ, nhưng nhà trường phải tiến hành lập đề án sử dụng tài sản công tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào mục đích kinh doanh, cho thuê để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt theo quy định", cô Lan cho biết.

thu-vien-truong-dai-hoc-my-thuat-viet-nam.jpg
Thư viện Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh: website nhà trường)

Chia sẻ thêm về nội dung trên, cô Lan cho hay việc mở khu dịch vụ tại thư viện là hoạt động tốt giúp cho nhà trường có thêm nguồn thu. Vì vậy, nhà trường sẽ nghiên cứu tiến hành triển khai, không có gì khó.

"Tôi cho rằng không có gì khó khi triển khai nội dung trên, nhà trường nghiên cứu kỹ để làm đúng quy định", cô Lan nói.

Kinh phí hoạt động của thư viện khoảng 200 triệu đồng/năm

Cô Lan chia sẻ, đối với việc triển khai dịch vụ thư viện số của nhà trường được thực hiện hằng năm vào đầu năm học, cán bộ thư viện sẽ có một buổi giới thiệu về thư viện và hướng dẫn sinh viên tra cứu trực tuyến trên phần mềm Koha, sử dụng thư viện số Dspace.

Thẻ thư viện được tích hợp vào thẻ sinh viên. Sinh viên sẽ được cấp tài khoản và mật khẩu để truy cập thư viện điện tử Koha và thư viện số Dspace.

Có 1 cán bộ làm việc số hóa dữ liệu thường xuyên, bao gồm: Scan sách, báo, tạp chí... và các loại tài liệu khác.

Hiện nay, nhà trường liên kết thư viện với Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kết nối, chia sẻ nguồn tài nguyên. Kinh phí hoạt động của thư viện trường và việc bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung đầu tư khoảng hơn 200 triệu đồng/năm.

Về nội dung trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chia sẻ, nhà trường đang thực hiện triển khai.

"Nhà trường đang được nghiên cứu thực hiện triển khai dịch vụ thư viện số. Đồng thời, đơn vị cũng đang nghiên cứu liên kết thư viện với các trường khác để chia sẻ nguồn tài nguyên phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hằng năm nhà trường đều có kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa, bổ sung nguồn sách cho thư viện bằng nhiều hình thức khác nhau. Đó là kêu gọi cán bộ, giảng viên ủng hộ tài liệu sách thông qua ngày hội sách, đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp các thiết bị phục vụ quản lý và tra cứu tài liệu, mua bổ sung các đầu sách theo đề xuất của các khoa chuyên môn…", thầy Cường chia sẻ.

Tiêu chuẩn về diện tích, số lượng sách, cơ sở đào tạo về nghệ thuật có thể đáp ứng được

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (được thành lập năm 1949, hiện trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) có diện tích khoảng 1,8 ha và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (được thành lập năm 1925, hiện trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có diện tích khoảng 1 ha. Với diện tích còn hạn chế như trên, liệu có đủ để áp ứng về tiêu chuẩn mới theo Thông tư 14?

Về nội dung trên, Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan cho biết, Thông tư 14 quy định, tổng diện tích phòng đọc không dưới 200 m2 ( tiêu chuẩn 2,4 m2/ chỗ ngồi ), về điều này, diện tích thư viện của nhà trường đáp ứng đủ mặc dù tổng diện tích của đơn vị còn khiêm tốn.

"Khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin, kho đóng đáp ứng yêu cầu, kho mở đảm bảo tốt phục vụ. Số bản sách giáo trình, sách tham khảo đạt tiêu chí (12 bản, vì tổng số lượng sinh viên của trường chỉ khoảng 600 người)", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho hay.

Lãnh đạo nhà trường cho biết thêm, đơn vị cũng đảm bảo tốt về những yêu cầu hệ thống chiếu sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, phòng ốc đạt tiêu chuẩn.

Về tiêu chuẩn trên đối với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, thầy Cường cho biết, tổng diện tích phòng đọc không dưới 200m2 (tiêu chuẩn là 2.4m2/chỗ ngồi); khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin xuất bản phẩm bảo đảm diện tích kho đóng 2.5m2/1000 bản sách, kho mở 4.5m2/1000 bản sách...là phù hợp chung cho các trường đại học, tuy nhiên đối với các trường đào tạo ngành đặc thù cũng cần có mức quy định riêng.

Hiện nay thư viện Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đang đáp ứng nhu cầu cho khoảng 125 chỗ ngồi (đạt khoảng 22%) cho các sinh viên tại một thời điểm ở thư viện (diện tích thư viện hiện nay khoảng 300 m2), với quy mô đào tạo hiện nay nhà trường còn cần được đầu tư để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người học.

Về số lượng bản sách nghệ thuật của nhà trường, đơn vị vẫn còn khiêm tốn do giá thành trên 1 đầu sách rất cao và chủ yếu là sách ảnh in ấn với chất lượng tốt, (khoảng 1.500.000đ – 3.000.000đ/1cuốn). Người học tham khảo tài liệu qua nhiều kênh hình ảnh trên internet và các kho dữ liệu mềm.

"Trong tương lai nhà trường cần huy động đầu tư từ các nguồn khác nhau, để đáp ứng tốt hơn theo tiêu chuẩn định mức quy định tại Thông tư số 03/2020/TT-BGDĐT", thầy Cường nói.

Mạnh Đoàn