Mỗi đề kiểm tra định kỳ phải có bản đặc tả dài hàng chục trang giấy để làm gì?

29/12/2022 06:41
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc xuất hiện bản đặc tả giống như “đồng phục” trong việc ra đề có thể triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên trong việc ra đề kiểm tra.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 đã đi được một nữa chặng đường nảy sinh nhiều vấn đề bất cập với giáo viên và học sinh. Đặc biệt, việc triển khai trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ từ sách giáo khoa, đồ dùng dạy học đến giáo viên.

Nhiều giáo viên cũng nghỉ việc, bỏ việc, ngoài lương, thu nhập thấp còn có áp lực hồ sơ sổ sách.

Ngoài áp lực lớn phải soạn, in giáo án hàng ngàn trang giấy mỗi môn học theo Công văn 2345, 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện chương trình mới, hiện nay khi đến kỳ kiểm tra định kỳ giáo viên phải soạn mỗi đề gồm ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra, hướng dẫn chấm, trong đó chỉ riêng bản đặc tả của mỗi đề đã dài hàng chục trang giấy, mỗi môn phải soạn 2 đề, nếu giáo viên dạy 3 khối phải soạn đến 6 đề, vô cùng áp lực vất vả, hình thức.

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Quy định ma trận, bản đặc tả, số lần kiểm tra định kỳ như thế nào?

Tại Điều 7 Thông tư Số: 22/2021/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông chương trình 2018 quy định cụ thể về kiểm tra, đánh giá định kỳ như sau:

“Điều 7. Đánh giá định kì

1. Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

- Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.

2. Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét có 01 (một) lần đánh giá giữa kì và 01 (một) lần đánh giá cuối kì.

3. Trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có 01 (một) điểm đánh giá giữa kì (sau đây viết tắt là ĐĐGgk) và 01 (một) điểm đánh giá cuối kì (sau đây viết tắt là ĐĐGck)…”

Đối với học sinh trung học cơ sở trung học phổ thông mỗi đề kiểm tra phải có đầy đủ ma trận, bản đặc tả, đề, hướng dẫn chấm.

Mỗi đề kiểm tra có bản đặc tả dài hàng chục trang liệu có cần thiết?

Theo tôi, việc xuất hiện ma trận trong việc ra đề kiểm tra là cần thiết vì ma trận đề kiểm tra là bản thiết kế đề kiểm tra chứa đựng những thông tin về cấu trúc cơ bản của đề kiểm tra như: thời lượng, số câu hỏi, dạng thức câu hỏi; lĩnh vực kiến thức, cấp độ năng lực của từng câu hỏi, thuộc tính các câu hỏi ở từng vị trí…

Có ma trận phù hợp sẽ cho phép giáo viên biên soạn đề kiểm tra đúng trọng tâm, không tập trung vào một số phần, bỏ qua phần còn lại, không học tủ, học lệch…Bên cạnh đó, một ma trận cho phép tạo ra nhiều đề kiểm tra có chất lượng tương đương.

Thiết lập một ma trận cho đề kiểm tra sẽ đảm bảo được yêu cầu, nội dung kiến thức, tỉ lệ % cho từng mức độ câu hỏi được chính xác mà tính khoa học, phù hợp, xác định đúng được cấu trúc của đề gồm các phần hiểu, biết, vận dụng, vận dụng cao theo điểm số một cách phù hợp.

Ma trận đề kiểm tra vẫn rất cần thiết - Ảnh minh họa

Ma trận đề kiểm tra vẫn rất cần thiết - Ảnh minh họa

Do đó, người viết cho rằng việc thực hiện ma trận trong việc ra đề kiểm tra, đánh giá là cần thiết, tránh việc ra đề thiếu sót, không phù hợp.

Tuy nhiên, người viết cho rằng xuất hiện bản đặc tả là không cần thiết, dài dòng, gây áp lực lên giáo viên vì thực chất bản đặc tả đề kiểm tra (trong tiếng Anh gọi là test specification hay test blueprint) là một bản mô tả chi tiết, có vai trò như một hướng dẫn để viết một đề kiểm tra hoàn chỉnh.

Bản đặc tả đề kiểm tra cung cấp thông tin về cấu trúc đề kiểm tra, hình thức câu hỏi, số lượng câu hỏi ở mỗi loại, và phân bố câu hỏi trên mỗi mục tiêu đánh giá.

Đây là một phần cung cấp chi tiết toàn bộ kiến thức, thông tin đã được học trong quá trình đến thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Thực chất nó là liệt kê toàn bộ kiến thức đã học, từ kiến thức đó lựa chọn câu hỏi phù hợp, khuôn mẫu.

Nên đối với những môn học có số tiết nhiều thì bản đặc tả dài hàng chục trang giấy vì giáo viên phải liệt kê toàn bộ kiến thức đã học.

Người viết cho rằng việc này không thật sự cần thiết vì trong ma trận đã ghi cụ thể nội dung ra đề ở phần nào, số lượng câu hỏi, điểm số cụ thể là bao nhiêu, dựa vào ma trận giáo viên có thể ra một đề kiểm tra hoàn toàn phù hợp với việc kiểm tra đánh giá năng lực, phẩm chất người học mà không cần xuất hiện thêm bản đặc tả phức tạp, hình thức.

Mỗi bản đặc tả liệt kê kiến thức dài hàng chục trang vô cùng hình thức - Ảnh minh họa

Mỗi bản đặc tả liệt kê kiến thức dài hàng chục trang vô cùng hình thức - Ảnh minh họa

Một số môn học đôi khi người ra đề cần ngẫu hứng, cần lấy dữ kiện ở nước ngoài,…thì việc thực hiện bản đặc tả sẽ khiến giáo viên khó ra đề hay, kích thích học sinh,…

Việc xuất hiện bản đặc tả giống như “đồng phục” trong việc ra đề có thể triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên trong việc ra đề kiểm tra.

Có ma trận phù hợp, giáo viên hoàn toàn có thể ra được đề kiểm tra hay, phù hợp với tình hình hiện nay, thêm bản đặc tả vừa tốn thời gian cho giáo viên vừa gây áp lực và không có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Có ma trận phù hợp, giáo viên ra đề, tổ trưởng, ban giám hiệu ký duyệt, kiểm tra đương nhiên sẽ có một đề chất lượng.

Giáo viên phải tập trung vào việc soạn một đề kiểm tra với bản đặc tả dài hàng chục trang giấy, mỗi giáo viên soạn ít nhất 2-3 đề thì thời gian nào để tập trung soạn đề, ôn tập cho học sinh?

Tổ trưởng chuyên môn hiện nay cũng vô vàn áp lực khi phải thực hiện duyệt đề kiểm tra, bản đặc tả của các môn vì quá dài, quá phức tạp và đa số tổ ghép, việc kiểm duyệt đề kiểm tra, bản đặc tả này vô cùng áp lực cho tổ trưởng chuyên môn.

Điều mà học sinh cần, giáo viên cần là một đề kiểm tra chất lượng thật sự, đánh giá đúng năng lực người học mà không phải là hồ sơ, bản đặc tả đẹp, xin đừng gia tăng bệnh hình thức, thêm áp lực cho giáo viên.

Chính việc xuất hiện bản đặc tả dẫn đến xuất hiện việc mua bán đề kiểm tra định kỳ xuất hiện nhiều hơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nên, người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, đối với kiểm tra định kỳ. Cần thiết giữ lại ma trận, nên bỏ bản đặc tả để giáo viên tập trung vào soạn một đề kiểm tra chất lượng, đã có ma trận thì đã đủ cơ sở thực hiện một đề kiểm tra hay, phù hợp, khoa học.

Trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện, đổi mới kiểm tra đánh giá là cần thiết nhưng khi kiểm tra đánh giá đề kiểm tra phải có thêm phần đặc tả là không phù hợp, hình thức, gây áp lực lớn lên giáo viên nên sớm được xem xét bãi bỏ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi