Mỗi HS là 1 "cameraman" soi nhau, suất học có hạn nên điểm vào 10 là điểm thực

18/07/2022 06:38
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đừng nhìn vào điểm học bạ muốn biết chất lượng thật của trường, cứ nhìn vào điểm học sinh thi vào lớp 10 sẽ rõ.

Bài viết “Điểm học bạ, điểm tuyển sinh vào 10, đâu mới là điểm chuẩn?” của tác giả Nguyễn Nguyên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trở thành đề tài bàn luận trong buổi gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp của chúng tôi quanh ly café buổi sáng.

Nhiều người cho rằng, điểm chuẩn vào lớp 10 đương nhiên là điểm thật. Muốn đánh giá đúng chất lượng học tập của một trường trung học cơ sở nào đó cứ nhìn vào điểm học sinh đạt được trong kỳ thi vào lớp 10 sẽ thấy rõ nhất.

Riêng điểm học bạ, đối với một số học sinh chắc chắn đó là điểm thật, điểm phản ánh đúng năng lực thật sự của các em. Tuy nhiên, vẫn có không ít em điểm trong học bạ được thầy cô vì nhiều nguyên nhân đã có sự "tác động".

Ảnh minh họa:giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa:giaoduc.net.vn

Minh chứng hùng hồn nhất, những học sinh dự thi vào lớp 10 đều có điểm tổng kết lớp 9 từ 5.0 trở lên (trừ một số ít được cộng thêm điểm ưu tiên) nhưng thi vào 10 gồm 3 môn (nhân hệ số thành 5 môn) mà điểm chuẩn vào trường có nơi chỉ lấy 8 điểm, thậm chí 6, 7 điểm. Học sinh thi mỗi môn chỉ cần đạt trung bình 1,2 điểm/ môn là có thể trúng tuyển. {1}

Lý giải về điểm số của "người trong cuộc"

a/ Điểm thi vào 10

Kỳ thi vào lớp 10 luôn được nhiều giáo viên đánh giá là kỳ thi nghiêm túc và chất lượng nhất. Vì thế không sai khi nhiều giáo viên khẳng định: chất lượng thật của trường, cứ nhìn vào điểm học sinh thi vào lớp 10 sẽ rõ.

Nói kỳ thi vào 10 nghiêm túc và chất lượng nhất vì những lý do sau:

Thứ nhất, học sinh có sự cạnh tranh cao vào trường điểm, trường công nên bạn nào cũng là đối thủ. Vì thế, không bao giờ có sự trợ giúp bài cho nhau kể cả giám thị coi thi dễ đến mức nào.

Thứ hai, chính mỗi học sinh là một “cameraman” soi lẫn nhau. Thế nên, có một em nào đó dùng thủ thuật quay bài có khi giám thị chưa kịp phát hiện thì những học sinh bên cạnh đã kịp thời tố cáo.

Vì vậy, ai làm được bài thì làm, ai không làm được thì ngồi chơi, thậm chí gục trên bàn ngủ cho đến hết giờ. Các thí em hoàn toàn tự lực cánh sinh trong việc làm bài.

Thứ ba, đề thi vào 10 là đề của tỉnh được bảo mật tuyệt đối. Các thầy cô giáo ở các trường khi ôn cũng chỉ ôn tất cả các kiến thức trọng tâm đã học, không hề biết trước đề sẽ ra thế nào nên khó có chuyện ôn trúng đề, càng không có chuyện nhá đề, mớm đề như khi kiểm tra ở trường.

Học sinh có lực học thế nào sẽ thể hiện trong bài làm của mình thế đấy. Không có chuyện lực học giỏi thật sự mà thi được điểm yếu hoặc học yếu mà thi ngay điểm giỏi.

b/ Điểm học bạ

Nói về điểm học bạ, nhiều giáo viên hiện nay vẫn cho rằng, điểm học bạ chưa phản ánh đúng chất lượng học tập của học sinh.

Lý giải điều này, một đồng nghiệp dạy bậc trung học cơ sở của người viết tại Nghệ An (đề nghị không nêu tên) đã đưa ra một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, các nhà trường thường xuyên giao chỉ tiêu hoàn thành môn học cho giáo viên trên 90%, thậm chí có môn phải hoàn thành 99%, nó khiến nảy sinh "bệnh thành tích" trong trường học.

Thứ hai, do cơ chế thị trường(thầy cô năng nổ dạy thêm, rồi ôn luyện dạng bài kiểm tra nhuần nhuyễn nên lúc kiểm tra thực, học sinh dễ ăn điểm. Tình trạng xem bài lẫn nhau (một vài em làm tốt, cả lớp chia nhau chép) ở các buổi kiểm tra học kỳ dễ nảy sinh.

Thầy giáo H. giáo viên một trường trung học (đề nghị không nêu tên) ở Bình Thuận cũng cho biết: giáo viên dạy lớp 12 phải cho học sinh điểm cao, một phần để chạy theo chỉ tiêu, một phần là để cho học sinh có lợi khi xét tuyển vào đại học. Thế nên điểm thi tốt nghiệp phổ thông đạt thấp hơn điểm học bạ là chuyện bình thường. Tương tự, ở trường trung học cơ sở cũng vậy.

Dù điểm học được nâng lên nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng (tất nhiên là tương đối thôi)”.

Trường học “bật đèn xanh” cải thiện điểm cho học sinh bằng cách nào?

Người trong nghề thường nói, có rất nhiều cách để điểm học bạ đẹp. Trường nào cũng nói là vì học sinh nhưng chủ yếu là vì chính thành tích của nhà trường nên thường “bật đèn xanh” để cải thiện điểm cho học sinh bằng nhiều cách.

Thứ nhất, cách làm phổ biến nhất là hạ mức độ khó của đề xuống và giới hạn kiến thức ôn tập cho các em.

Đối với những môn học thuộc lòng thì đề cương ôn tập lúc đầu khoảng trên chục câu, sau đó giới hạn dần còn 10 câu, rồi 7 câu, 5 câu. Khi vào kiểm tra đã trúng đến 4 câu trong đề.

Đối với những môn có bài tập như Toán, Lý, Hóa, Anh văn…giáo viên ôn tập gần như y chang những dạng bài trong đề kiểm tra. Học sinh được làm đi làm lại, rồi sửa bài tới lui. Khi vào thi gần như trúng hết chỉ là thay số vào cho khác với đề ôn.

Nhờ thế, học sinh yếu không bị điểm thấp, học sinh trung bình đạt điểm khá, học sinh khá đạt điểm giỏi, học sinh giỏi đạt điểm giỏi siêu cao.

Một trường học trung học phổ thông tại quê tôi, nhiều năm về trước (khi chưa lấy điểm lớp 12 vào quá trình xét tốt nghiệp) học sinh thường than thầy cô giáo của trường nổi tiếng cho điểm chặt.

Có thầy cô gần như chưa bao giờ kiểm tra bài cũ mà cho học sinh mức điểm 9,10. Nhiều em cho biết, trả lời đúng hết câu hỏi của thầy cô cũng chỉ đạt 8 điểm là cao nhất.

Kiểm tra 15 phút không bao giờ báo trước nên ai không học bài chỉ nhận điểm yếu. Những đề kiểm tra 1 tiết nhiều câu ở mức 4 nên đạt được điểm 9,10 không hề dễ.

Bởi thế cuối năm, những học sinh đạt giỏi là vô cùng xuất sắc. Có khi cả lớp không có một bạn đạt giỏi, cả trường gần hai nghìn học sinh cũng chỉ vài chục em đạt học sinh giỏi là nhiều. Học sinh tiên tiến của trường có khi năng lực còn vượt trội hơn học sinh giỏi của một số trường trong cùng một địa bàn.

Thế mà, từ khi có quy định điểm học sẽ chiếm 30% điểm trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp thì lượng học sinh giỏi tăng lên đáng kể. Cũng là các thầy cô giáo đấy, chương trình vẫn vậy, không lẽ học sinh giờ giỏi xuất sắc đến thế. Có lớp gần chục em, cả trường đến mấy trăm em học sinh giỏi, còn học sinh tiên tiến thì rất nhiều

Thứ hai, mở thêm quy định nội bộ: nếu khi kiểm tra học sinh lần đầu chưa đạt điểm trung bình thì cho khất để kiểm tra lại. Những học sinh muốn cải thiện điểm thấp thành điểm cao cũng có thể xin kiểm tra lại đến lúc ưng ý mới thôi.

Quy định này, được gọi là học có chủ định nên bao giờ kiểm tra cũng đạt điểm số cao. Và khi đạt được điểm số như mong muốn, nhiều em sẽ không học bài nữa.

Thứ ba, lấy kết quả học tập của học sinh làm căn cứ để xét thành tích cho giáo viên. Bởi thế, rất ít thầy cô giáo dám cho học sinh điểm thấp.

Vậy điểm học bạ có đủ độ tin cậy chưa?

Vì những lý do đã nêu ở trên cũng đủ thấy điểm học bạ hiện nay ở nhiều trường học chưa đủ độ tin cậy.

Nhưng chưa xét ở góc độ dùng “thủ thuật” để cải thiện điểm học bạ cho học sinh như người viết vừa phản ánh mà nhìn ở góc độ cho điểm thật thì cũng phải khẳng định ngay rằng, mức đánh giá điểm trong học bạ giữa các trường với nhau, giữa các vùng miền thậm chí giữa các giáo viên trong một trường cũng không tương đương nhau.

Có những thầy cô giáo trong một trường nổi tiếng cho điểm mắc nhưng lại có những thầy cô thì vô cùng thoáng trong việc ghi điểm.

Hay như một em học đạt điểm toán 9.0, học lực giỏi theo học bạ của trường này không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác, cách đánh giá của các trường, các địa phương cũng có sự khác nhau.

Có em ở trường A. chỉ đạt học sinh tiên tiến (đạt điểm 7.0) nhưng về năng lực lại hơn hẳn một học sinh giỏi trường B (đạt điểm 9.0). Nếu thi thì em học sinh trường A. sẽ đạt điểm cao hơn vì năng lực hơn hẳn nhưng xét học bạ thì em trường B. lại chiếm ưu thế.

Để xảy ra tình trạng điểm học bạ chưa đủ độ tin cậy như một số giáo viên thường nói phần thì do vì thành tích nên nhiều trường áp chỉ tiêu hoàn thành môn học cho giáo viên hoàn thành, phần khác do tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan dẫn đến hiện tượng nhá đề, mớm đề.

Vì thế, chấm dứt tình trạng điểm học bạ quá khác xa điểm thi cũng không hề đơn giản. Chỉ khi nào thầy cô, các gia đình, toàn ngành "học thật, thi thật" khi đó chất lượng thật mới được phản ánh một cách chân thực nhất.

Tài liệu tham khảo:

{1} https://vietnamnet.vn/chi-hon-1-diemmon-van-do-vao-lop-10-cong-lap-751050.html

Phan Tuyết