Môn ít học sinh chọn khiến GV không dạy đủ số tiết/tuần, vậy trả lương thế nào?

08/04/2022 06:58
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mời giáo viên hợp đồng, có thể hiểu một giáo viên đó sẽ dạy nhiều trường cùng lúc, như vậy sẽ dẫn tới việc không ổn định về mặt tâm lí, kiến thức cho học sinh.

“Chúng tôi từ nhiều năm nay đã tự xây dựng chương trình theo hướng đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do đó nhà trường có Câu lạc bộ Âm nhạc, Mỹ thuật, được học sinh khá yêu thích và tham gia rất đông. Các em sáng tác Hội họa, Âm nhạc,... dưới nhiều hình thức, nhiều chất liệu và những thầy cô phụ trách cũng là những người được đào tạo chuyên nghiệp.

Vậy nên khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, nhà trường cũng không quá bỡ ngỡ, Câu lạc bộ Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn duy trì, và học sinh đăng kí tiết học tự chọn. Tôi thấy môn Âm nhạc, Mỹ thuật giúp cho học sinh phát huy được sở thích của mình, đặc biệt là đội văn ca của nhà trường có rất nhiều tác phẩm hay, tự sáng tác nhiều bài hát”, cô Cao Thanh Nga – Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Học sinh Câu lạc bộ Âm nhạc Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Học sinh Câu lạc bộ Âm nhạc Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Cô Nga cho biết: “Hiện nay trường có đầy đủ giáo viên, nhưng với việc học cả ngày nên khó có thể xây dựng được một số môn chuyên sâu. Nếu triển khai môn học Âm nhạc, Mỹ thuật đòi hỏi phải có phòng học nhạc tiêu chuẩn, phòng thu âm, phòng luyện thanh và các thiết bị chuyên nghiệp, nhạc cụ,…nên ngay lập tức nhà trường chưa thể đáp ứng được cơ sở vật chất.

Hiện tại, mỗi tuần có 2 lớp buổi chiều chúng tôi triển khai hoạt động các câu lạc bộ, trong đó có Âm nhạc và Mỹ thuật, cũng rất mong muốn có hai phòng học chuyên nghiệp về hai lĩnh vực này nhưng nhà trường cũng chưa có điều kiện. Về nhạc cụ thì có thể đầu tư được, nhưng về phòng học chuyên nghiệp thì khó có thể xây dựng được ngay bởi nó không giống như các phòng học thông thường, hiện tại chúng tôi có 28 lớp học tương đương với 28 phòng học cả ngày.

Về các môn Công nghệ, nhà trường cũng triển khai xây dựng chương trình với những phần học thiết kế trải nghiệm liên môn, công nghệ lồng ghép với sinh học. Theo chương trình đã định hướng, mỗi năm học có 2 tuần cho học sinh học trải nghiệm sáng tạo, ví dụ với học sinh lớp 10 có những hoạt động trải nghiệm liên môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng,…tại các địa điểm di tích lịch sử văn hóa ngoài trời.

Trước khi đi ngoại khóa, các thầy cô giáo bộ môn đã lên một bảng những câu hỏi liên quan đến vấn đề học sinh được trải nghiệm, sau đó các con hoạt động nhóm, thiết kế các mục kiến thức, tìm hiểu dưới nhiều hình thức để làm sao thể hiện được sự sáng tạo của mình thông qua những buổi học như vậy”.

Trường tôi triển khai dạy Âm nhạc, Mỹ thuật từ rất lâu rồi

Cũng về vấn đề này, thầy Hoàng Xuân Khóa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie (Thành phố Hải Phòng) cho biết: “Trường tôi đã triển khai dạy Âm nhạc, Mỹ thuật và Bơi từ rất lâu rồi với mỗi tuần 2 tiết học. Được đánh giá là những môn khá quan trọng nên lúc nào cũng có giáo viên được đào tạo bài bản phụ trách.

Nhà trường đã triển khai dạy Nghệ thuật sắp đặt, Tạo hình từ nhiều năm nay nhưng cũng khá khó khăn bởi phụ huynh học sinh phản đối, lý do các bậc phụ huynh đưa ra là chỉ muốn con mình tập trung học những kiến thức phục vụ cho kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Chưa kể họ nêu quan điểm 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật là những môn “vô bổ” không phục vụ gì cho kì thi vào đại học.

Chính vì vấp phải sự phản đối từ phụ huynh nên nhà trường triển khai môn Mỹ thuật, môn Bơi thành môn tự chọn, em nào thấy thích thì tham gia, riêng môn Âm nhạc là bắt buộc phải học”.

Thầy Hoàng Xuân Khóa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie (Hải Phòng). Ảnh: T.D.

Thầy Hoàng Xuân Khóa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie (Hải Phòng). Ảnh: T.D.

Chương trình lớp 10 mới sắp triển khai có 108 tổ hợp môn, liệu có phải chia như vậy thì tính hướng nghiệp cho học sinh sẽ rõ ràng, cụ thể hơn? Về vấn đề này, thầy Khóa nêu quan điểm: “Cho phép học sinh tự chọn môn học theo sở thích, như vậy sẽ có tổ hợp môn học sinh đăng kí học rất nhiều, nhưng cũng sẽ có tổ hợp môn không có ai, hoặc số rất ít học sinh đăng kí, vì thế sẽ rất khó khăn cho các nhà trường trong việc tuyển dụng, bố trí giáo viên.

Chúng ta nên làm theo hướng chia nhóm, trường nào có khả năng thì công khai chọn dạy những môn này, môn kia và từ đó học sinh sẽ lựa chọn trước khi vào trường. Hiện nay là chia môn học cào bằng các trường thì rất khó khả thi, mang tiếng là học sinh được tự do tự chọn môn học nhưng lại dựa trên sự “định hướng” của nhà trường, bởi lệch ra những môn khác thì nhà trường không thể đáp ứng được, như vậy thì cho học sinh tự chọn làm gì?

Các trường lấy biên chế giáo viên ở đâu khi có những tổ hợp môn chỉ rất ít học sinh đăng kí học, trong khi quy định phải dạy đủ bao nhiêu tiết học trong một tuần, giờ ít học sinh quá nên không dạy đủ số tiết, vậy trả lương cho các thầy cô thế nào? Và những thầy cô dạy quá nhiều trong một tuần vì đông học sinh thì cũng phải có nguồn để trả những tiết học vượt quy định đó.

Nếu mời giáo viên hợp đồng vào dạy, có thể hiểu một giáo viên đó sẽ dạy nhiều trường cùng lúc, như vậy sẽ dẫn tới việc không ổn định về mặt tâm lí cho học sinh, và thậm chí cùng 1 môn học nhưng lại 2 thầy cô dạy mỗi người một tiết trong tuần bởi lịch dạy của họ không ổn định ở một trường. Và chắc chắn để có được mức lương đủ chi phí cuộc sống thì họ phải dạy 10 trường cùng lúc, như vậy thì các trường mời giáo viên này sẽ bị mất tính chủ động”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) trong giờ tập thể thao. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) trong giờ tập thể thao. Ảnh: NTCC.

Thầy Khóa chia sẻ: “Trước thực trạng như vậy, có lẽ tôi sẽ theo hướng chọn một số tổ hợp môn học thích hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhà trường đang có để triển khai dạy, chứ nếu triển khai đồng loạt tất cả các tổ hợp theo yêu cầu trong năm học này tôi e là chưa thể làm được.

Nghe thì có vẻ chia tổ hợp định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhưng nếu với những em muốn theo đuổi con đường Âm nhạc, hay Mỹ thuật thì hoàn toàn có thể chọn trường đào tạo chuyên về những môn đó, như vậy học sẽ chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn. Còn ở cấp phổ thông, theo tôi chỉ nên dừng ở mức dạy phổ cập kiến thức đại trà, chia nhiều tổ hợp quá sẽ rối cả cách dạy lẫn cách học, như vậy có thể làm khó cho các nhà trường và học sinh”.

Các trường liên kết với nhau

Việc các trường hiện chưa có vị trí việc làm của giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, nhà giáo Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng:

“Vấn đề này chúng tôi cũng chưa nghĩ tới bởi hiện nay đang tập trung vào việc lo hoàn thành chương trình học, đồng thời chuẩn bị cho học sinh tham dự kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Theo tôi được biết thì Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hải Phòng cũng đã chủ động liên kết với Trường Đại học Hải Phòng mời các giáo viên dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc, chuẩn bị một cơ cấu phù hợp cho các trường.

Khả năng trong năm học mới, nếu các trường chưa có đủ giáo viên thì có thể kết hợp với nhau, một giáo viên dạy cho nhiều trường cùng lúc ở 2 bộ môn này.

Thực tế hiện nay các trường Trung học phổ thông trong năm học đầu tiên triển khai chương trình mới này sẽ phụ thuộc vào lượng học sinh lựa chọn bộ môn, việc chọn ra sao là quyền của các em, chính vì thế các nhà trường cũng khó có thể chuẩn bị mọi thứ được ngay hoàn chỉnh trong năm đầu tiên”.

Tùng Dương