Cho khối tư thục mở trường chuyên, nhà nước có hỗ trợ gì không?

16/03/2022 06:36
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khối tư thục mở trường chuyên, cơ chế quản lí, tiêu chuẩn xác định thế nào là trường chuyên, và cơ chế đãi ngộ của nhà nước đối với trường chuyên tư thục ra sao?

Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh. Đó là một trong những đề nghị của Bộ đối với các địa phương tại hội nghị tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020” hồi cuối tháng 1/2022.

Học sinh hệ thống giáo dục Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh minh họa: T.D.

Học sinh hệ thống giáo dục Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh minh họa: T.D.

Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô Hiền cho biết: “Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, hệ thống trường chuyên tạo ra một môi trường học tập nâng cao và chuyên sâu, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo trong dạy và học.

Môi trường học tập này phải tạo động lực và kích thích sự phát triển của các tài năng trẻ, trên nền tảng giá trị đạo đức xã hội tiên tiến và nhân văn, vì mục tiêu xã hội. Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục thì quan điểm của tôi về trường chuyên là rất cần thiết.

Tuy nhiên, nếu có quy định về việc khối tư thục mở trường chuyên, vậy cơ chế quản lí sẽ như thế nào, tiêu chuẩn để xác định trường tư thục nào là trường chuyên, và cơ chế tài chính đối với trường tư thục là trường chuyên thì như thế nào? Bởi học sinh khi học tại trường chuyên công lập không phải đóng học phí, thậm chí những em xuất sắc còn có học bổng. Vậy khi khối tư thục mở trường chuyên có được nhà nước hỗ trợ gì không? Đây là điều rất quan trọng. Khi phụ huynh cho con em mình vào học trường chuyên tư thục lại phải đóng tiền cao hơn thì sao?

Hầu như các trường tư thục đều có định hướng phát triển của họ, ví dụ: Một ngôi trường tư không được gọi là trường chuyên, nhưng họ cũng có một số lớp chuyên và gọi là lớp tăng cường Toán, tăng cường Lý, Hóa, Văn,…Đây cũng là một hình thức để họ đào tạo sâu hơn môn học đó. Nếu phụ huynh có mong muốn cho con em mình phát triển năng khiếu ở một bộ môn nào đó, thì sẽ tìm đến những trường này.

Thực tế hiện nay, kết quả của các trường chuyên công lập liệu có bao nhiêu học sinh học đại học trong nước, sau đó làm việc cống hiến trong nước, và hiệu quả của trường chuyên đối với sự phát triển về kinh tế của đất nước thế nào, có bao nhiêu em đi du học và khả năng quay có về phục vụ đất nước hay không thì chưa ai nói đến”.

Cần phải có cơ chế rõ ràng

Theo cô Hiền: “Trường tư thục dù có là trường chuyên hay không thì học sinh vẫn phải đóng tiền, còn đương nhiên khi gia đình các em bỏ tiền ra thì họ sẽ chọn trường tốt, có thể không phải là trường chuyên nhưng nếu tốt họ vẫn cho con em mình theo học.

Nếu là trường tư thục chuyên, nhà nước cần phải có cơ chế, phải có quy chuẩn để phụ huynh học sinh không bị nhầm lẫn. Ví dụ: Có một trường tư thục mới ra đời, chưa có kinh nghiệm, chưa được xã hội kiểm chứng,…nhưng trường đó lại được công nhận là trường chuyên, đôi khi các bậc phụ huynh “ham” cái tiếng đó cho con mình vào học, sau đó thất vọng.

Vậy hành lang pháp lý, tiêu chuẩn như thế nào đối với trường chuyên tư thục, có cơ chế tài chính đãi ngộ, hỗ trợ của nhà nước ra sao về thuế, hoặc cơ sở vật chất,… hay là không? Với khối tư thục, nhà nước không phải đầu tư cơ sở vật chất, không phải trả lương giáo viên. Còn nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì tư thục mở trường chuyên để làm gì?”.

Học trường chuyên công lập không mất học phí, trong khi học trường chuyên tư thục lại mất học phí cao. Vậy trường tư thục chuyên có học sinh hay không? Về vấn đề này, cô Hiền nói: “Theo tôi không khác gì nhau ở chỗ, giữa một trường tư thục có uy tín với trường tư thục chuyên, khi ngôi trường đó đã có uy tín rồi thì không cần chuyên tôi vẫn có học sinh.

Chỉ sợ rằng trường được gắn “mác” trường chuyên, nhưng không có chất lượng đào tạo, không được phụ huynh học sinh tin tưởng, thì lúc đó sẽ không có học sinh. Còn theo tôi, nhà nước nên đưa ra một cơ chế, một quy chuẩn khuyến khích tư thục mở trường chuyên để thúc đẩy về mặt chất lượng của các trường tư thục chưa có uy tín, điều này nên làm vì nó sẽ gánh đỡ cho các trường công lập”.

Cô Hiền nói: “Nếu có quy chuẩn rõ ràng về trường chuyên khối tư thục, trường đó được công nhận đứng trong hàng ngũ trường chuyên, có chất lượng thật sự thì trường tư thục đó sẽ có cơ hội phát triển, lúc nào cũng có học sinh theo học. Điều lo lắng nhất của trường tư thục là không có học sinh.

Còn về xã hội, sẽ giảm bớt được “gánh nặng” cho hệ thống trường công lập có chất lượng nhưng chưa được công nhận là trường chuyên, đỡ được ngân sách cho nhà nước trong công tác đào tạo nhân tài. Hơn nữa, nhà nước cần có chính sách trao học bổng cho học sinh trường chuyên tư thục như với trường chuyên công lập, có vậy mới khuyến khích được các gia đình cho con em mình vào trường chuyên khối tư thục”.

Học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh minh họa: T.R.

Học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh minh họa: T.R.

Cô Hiền nói: “Nếu nhà nước dự kiến cho phép khối tư thục mở trường chuyên, như vậy là đã thấy được vị trí, tác dụng,…của khối tư thục trong công tác giáo dục, vậy nhà nước cần phải có cơ chế khuyến khích thật rõ ràng, cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi. Khi thấy thiết thực thì khối tư thục sẽ mở trường chuyên.

Khi mở trường tư thục, bản thân chúng tôi đã có những mục tiêu, những định hướng cho ngôi trường đó. Ví dụ: Hệ thống Giáo dục Đoàn Thị Điểm có mục tiêu dạy Ngoại ngữ từ lớp 1, và đa phần các bậc phụ huynh cho con vào đây là muốn con mình giỏi ngoại ngữ, và chúng tôi cũng không gọi là trường chuyên ngoại ngữ. Là một trường tư thục rất khó để mở một trường chuyên, phải có tất cả các môn chuyên, chứ không phải chuyên một môn, rồi đầu tư giáo viên ra sao”.

Còn việc có nên đầu tư quá nhiều cho trường chuyên khi các trường đại trà còn nhiều khó khăn, cô Hiền nêu quan điểm: “Theo tôi, lãnh đạo từng địa phương phải chịu trách nhiệm, cần phải cân đối như thế nào? Bởi 1 trường chuyên sẽ đào tạo được bao nhiêu học sinh, và quá tập trung vào trường chuyên, sao nhãng các trường đại trà, như vậy đã bỏ lại số đông. Nếu trong điều kiện kinh tế còn khó khăn thì tạm thời đừng mở trường chuyên.

Đã là trường chuyên phải nói đến chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ,…chứ đừng quá nặng về hình thức cơ sở vật chất, phải thật long lanh, nổi trội nhưng lại quên mất điều kiện giáo viên phải dạy thế nào. Chúng ta đang bị quá quan trọng về hình thức”.

Mỗi tỉnh cần có một trường chuyên?

Khi phóng viên đặt băn khoăn về việc mỗi tỉnh cần có một trường chuyên không thì cô Hiền cho biết: “Tôi ủng hộ việc mỗi tỉnh có 1 trường chuyên, cần phải phát hiện tài năng ở các em học sinh, từ đó có hướng bồi dưỡng kịp thời. Phát hiện và đào tạo sớm như vậy thì chúng ta mới có được đội ngũ những nhà khoa học, nhà quản lý, những cán bộ tốt sau này cho đất nước. Tôi thấy bậc học thấp hơn cũng rất cần có lớp chọn, lớp chọn không phải chỉ để bồi dưỡng Toán, Tiếng Anh, mà những lớp này nhằm phát hiện ngay từ nhỏ nếu các con có năng khiếu gì nổi bật.

Ngoài đào tạo đại trà, phổ cập ra thì chúng ta phải đào tạo mũi nhọn Nhưng yếu tố quan trọng là để những trường chuyên đó được phát triển theo hướng tích cực, đúng nghĩa, là lớp tạo nguồn nhân tài…thì tuyệt đối không được chạy chọt, xin xỏ…Học sinh phải được tuyển chọn, phải thi rồi chọn lọc thật kỹ càng, chuẩn chỉ. Chỉ cần dính tiêu cực là những trường chuyên này trở thành nơi người ta mong muốn điều kiện học tốt hơn thôi, và đó không phải là mục tiêu.

Học sinh trường chuyên phải thực sự các em có tố chất nổi trội, thực sự là nhân tài và trong quá trình đó cần phải đào thải quyết liệt để chắt lọc ra những tinh túy, thật sự xuất sắc thì mới xứng đáng đào tạo. Các em phải tự đứng trên đôi chân và năng lực thực sự của bản thân, việc đào tạo như vậy rất mất công sức và tiền bạc, nhiều khi thành quả chưa nhìn thấy ngay được, không thể cân đong đo đếm được vì nó không phải là vật chất.

Nhưng hiện nay, tôi thấy vì “bệnh” thành tích nên trường chuyên bị “đưa đẩy” đến chỗ chỉ luyện “gà nòi” cố đạt mỗi năm mấy giải này giải kia, và theo tôi có đến hàng chục giải quốc tế cũng không có tác dụng gì, như vậy là sai mục đích”.

Tùng Dương