Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế hoạch này nhằm triển khai Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Theo kế hoạch này, thì trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông, môn Lịch sử sẽ có 52 tiết bắt buộc mỗi năm học ở lớp 10, 11, 12.
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Lịch sử thành môn bắt buộc, 45 tổ hợp hay 81 tổ hợp chọn môn?
Với kế hoạch mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Lịch sử thành môn bắt buộc với 52 tiết học của lớp 10, 11, 12 và có phần tự chọn trong chuyên đề học tập.
Nên, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023 gồm 6 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Đối với tổ hợp tự chọn, học sinh sẽ chọn 4 môn trong 8 môn được chọn từ 3 nhóm môn học gồm: nhóm môn Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Cụ thể, trước đây đối với tổ hợp chọn môn chọn 5/9 môn trong 3 nhóm môn, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn có 108 tổ hợp chọn môn.
Tuy nhiên, sau khi môn Lịch sử thành môn bắt buộc, tổ hợp môn lựa chọn còn chọn 4/8 môn.
Như vậy sẽ có 2 phương án được các trường xây dựng, nếu quy định của Thông tư 32/2018 chọn mỗi nhóm ít nhất một môn sẽ có 45 tổ hợp chọn môn, còn nếu bỏ quy định mỗi nhóm chọn một môn sẽ có 81 tổ hợp chọn môn.
Kiến nghị bỏ quy định chọn mỗi nhóm ít nhất một môn
Các trường trung học phổ thông cả nước gần như đã hoàn tất tuyển sinh lớp 10, bên cạnh đó đã dự kiến xây dựng các tổ hợp chọn môn, lấy ý kiến phụ huynh và cho học sinh lựa chọn ban đầu.
Như đã thông tin trên, dự kiến việc xây dựng tổ hợp chọn môn sẽ có 2 phương án 45 tổ hợp chọn môn (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn) hoặc 81 tổ hợp chọn môn (không yêu cầu chọn mỗi nhóm 1 môn).
Do đến giai đoạn hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành hướng dẫn lựa chọn tổ hợp chọn môn mới thay thế Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT nên các trường trung học phổ thông cả nước khá lúng túng trong việc xây dựng tổ hợp chọn môn.
Thực tế, việc khó nhất không phải xây dựng tổ hợp vì trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Sau khi môn Lịch sử thành môn bắt buộc, số tổ hợp môn lựa chọn cũng sẽ giảm, cộng với việc quy định các trường dựa vào điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất xây dựng tổ hợp môn lựa chọn cho học sinh sẽ không quá khó, không khó khăn nhiều so với khi môn Lịch sử là môn tự chọn.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có hướng dẫn trong đó có việc có quy định mỗi nhóm môn có bắt buộc phải chọn một môn hay không?
Nếu bỏ quy định mỗi nhóm lựa chọn ít nhất một môn thì học sinh ngoài học các môn bắt buộc có thể được chọn cả nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) hay cả nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Ví dụ học sinh có thể chọn 4/8 môn như sau: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học; Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ; Tin học, Công nghệ, Âm nhạc; Giáo dục kinh tế và pháp luật;…
Theo quan điểm người viết vì môn Lịch sử đã trở thành môn bắt buộc nên nhóm môn Khoa học xã hội chỉ còn 2 lựa chọn, nếu vẫn quy định mỗi nhóm chọn ít nhất một môn sẽ có phần thiệt thòi cho các em yêu thích nhóm môn Khoa học tự nhiên vì chỉ được chọn tối đa 2 môn trong khi đó phải chọn thêm môn xã hội mình không yêu thích.
Nên người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ban hành hướng dẫn, Thông tư mới thay thế Thông tư 32/2018 nên bỏ quy định mỗi nhóm phải lựa chọn ít nhất một môn và sớm ban hành hướng dẫn để các trường có cơ sở định hướng xây dựng tổ hợp chọn môn cho học sinh, tránh thiệt thòi cho học sinh, tránh việc các trường phải xây dựng lại tổ hợp chọn môn từ đầu ở các trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.