Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa đã trở thành thông lệ quốc tế, nhằm tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Một chương trình sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục cũng khẳng định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là hợp lý, tránh độc quyền sách.
Nghị quyết số 88 /2014/QH13 cũng nêu rõ định hướng “Thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa. Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.
Có thể nói, đó chính là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng của nền giáo dục nước nhà .
Thế nhưng điều mà không ít người băn khăn, lo ngại sẽ có một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, sự “dìm hàng” lẫn nhau và những cuộc “chạy”, những lần “đi đêm” bên các tiệc bia rượu của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa với từng địa phương để bộ sách giáo khoa của mình được đưa vào sử dụng.
Và như vậy, chúng ta có thật sự chọn được bộ sách giáo khoa tốt nhất hay không?
Trải nghiệm từ thực tế
Câu chuyện chương trình, sách giáo khoa vẫn chưa ngã ngũ |
Địa phương tôi, có khoảng 30 trường tiểu học.
Mấy năm gần đây, chương trình sách Anh văn cho học sinh liên tục bị thay đổi.
Có chương trình mới chỉ triển khai giảng dạy 1 năm, chẳng biết vì lý do gì sang năm lại thông báo đổi chương trình khác.
Trong khi bộ sách giáo khoa nào khi triển khai cấp trên chẳng nói là chất lượng, là phù hợp với học sinh địa phương mình.
Và năm học nào, các trường chẳng báo cáo, chất lượng học sinh luôn đạt mức từ yêu cầu trở lên?
Một số giáo viên dạy Anh văn bất bình vì chính họ cũng không được hỏi ý kiến.
Nhiều hiệu trưởng nhà trường nói rằng, chính họ cũng chẳng được tham gia quyết định chuyện này, họ cũng hoàn toàn bị động và chỉ biết chấp hành theo lệnh của cấp trên.
Nhưng phụ huynh mới là người chịu thiệt thòi nhất khi phải bỏ tiền liên tục thay sách giáo khoa cho con.
Có người lại mua nhầm bộ sách chương trình cũ nhưng khi đổi không được nơi bán chấp nhận vì cam kết “hàng đã mua không trả lại”.
Những bộ sách Anh văn có giá khá đắt cũng đành bỏ đi để mua bộ sách mới.
Và sang năm học tiếp, dù sách vẫn còn mới cũng chẳng thể cho ai bởi nhà trường lại thông báo thay một chương trình khác…
Việc liên tục thay đổi chương trình sách giáo khoa Anh văn ở địa phương tôi, chắc chắn không phải vì lý do chất lượng chương trình đang học không đảm bảo.
Nguyên nhân sâu xa chỉ nhà xuất bản và lãnh đạo địa phương mới biết được.
Nếu làm công bằng, minh bạch người học sẽ hưởng lợi
Chủ tịch Quốc hội băn khoăn nhất là về sách giáo khoa |
Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nếu làm công bằng, minh bạch chắc chắn người học sẽ được hưởng lợi.
Bởi, các địa phương sẽ có nhiều cơ hội chọn được tác giả có tên tuổi, chọn được nhà xuất bản uy tín, chọn được nội dung học tập phù hợp với đặc điểm riêng từng vùng miền.
Và tránh được tình trạng sách bị biên tập ẩu, nội dung ít phù hợp và giá cả lại cao ngất ngưởng như hiện nay.
Nghị quyết số 88 /2014/QH13 cũng đã quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Hy vọng, quy định này sẽ tránh tình trạng cấp trên chỉ đạo độc quyền về việc chọn sách giáo khoa vào giảng dạy như một số địa phương đang làm hiện nay.