LTS: Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tác giảng dạy bộ môn Ngữ Văn, ở phạm vi bài viết lần này thầy Khánh Văn đã có những chia sẻ và lưu ý đối với các thầy cô giáo khi thực hiện giảng một tác phẩm văn học.
Cũng theo thầy, các thầy cô giáo dạy ngữ Văn hãy cùng nhau làm hết khả năng của mình để giúp cho các em học sinh thêm yêu thích bộ môn này. Từ đó, sẽ giúp các em định hướng được nhân cách sống có nghĩa tình, có lý tưởng hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Những năm gần đây, ngành giáo dục dục đang thực hiện đổi mới từ quản lý đến các phương pháp giảng dạy trên lớp. Ngành đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm hướng tới nền giáo dục Việt Nam dần hội nhập với nền giáo dục trong khu vực và thế giới.
Trong xu hướng đó, bộ môn Ngữ văn cũng đang thực hiện đổi mới giảng dạy theo chuẩn kiến thức; giảm tải sách giáo khoa; đổi mới cách đánh giá và ra đề kiểm tra; thực hiện lồng ghép các kỹ năng…
Tuy nhiên, qua thực tế giảng dạy tại đơn vị và những phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta thấy có nhiều bài viết cảnh báo về cách học và dạy văn hiện nay ở nhà trường.
Một số lưu ý khi giảng các tác phẩm văn học (Ảnh minh họa: thcsthanhquan.net). |
Muốn giảng dạy được những tiết Văn hay ở phần văn bản đòi hỏi người thầy phải chuẩn bị kỹ càng về nội dung, phương pháp, kỹ năng, tâm lý. Dạy văn mà khiên cưỡng, gượng ép, không thuộc bài thì sẽ luôn bị sượng và giảm đi chất văn trong mỗi tiết dạy.
Chúng ta đều biết bản thân văn chương đã là trực quan sinh động, bởi trong mỗi tác phẩm văn học có nhạc, có họa, có tình người… Bằng sự rung cảm, nhà văn, nhà thơ đã tái hiện cuộc sống hết sức sinh động và thuyết phục.
Chính vì vậy mà người giáo viên khi đứng lớp giảng dạy cần sự rung động của chính mình qua ngôn ngữ trong sáng, cử chỉ, nét mặt phù hợp để cùng sáng tạo với tác giả văn học mà truyền đến các em học sinh có linh hồn của tác phẩm.
Có những vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không chú ý tới người giáo viên sẽ khó thành công trong tiết dạy. Qua nhiều năm đứng lớp, tôi đã rút ra một số kinh nghiệm để giúp học sinh dễ cảm nhận một tác phẩm văn học.
Quá trình này được thực hiện các bước như sau:
Cách vào bài
Vào bài là một phần quan trọng đối với một tiết giảng văn nhưng thực tế giảng dạy rất ít giáo viên chú trọng hoặc thực hiện phần này. Nếu chúng ta làm tốt khâu này sẽ đưa học sinh ngay vào mạch cảm xúc tiếp cận tác phẩm.
Ví dụ khi ta giảng bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải sẽ vào bài: Huế đẹp, đó là một điều không ai thể phủ nhận được. Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc về Huế, nghĩ về Huế ta thường nghĩ về một vùng đất có lăng tẩm, đền đài, có sông Hương, núi Ngự, với những điệu Nam ai, Nam bình, những vần thơ đắm đuối…
Hai năm tới là cơ hội và thách thức của các thầy cô dạy môn Ngữ Văn |
Đứng trước Huế có rất nhiều văn nhân, thi si đã viết rất hay như: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (Bùi Giáng) hay: “Con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”(Thu Bồn)…
Và, nhà thơ Thanh Hải – một người con của Huế đã viết về Huế bằng những vần thơ trong sáng, sâu lắng và đầy trách nhiệm.
Đó là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ mà suốt mấy thập kỷ qua luôn làm đắm say lòng người. Để hôm nay, thầy trò chúng ta có dịp làm quen và cảm nhận.
Khi giảng tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khu chúng ta có thể vào bài: Trong bài thơ Nước non ngàn dặm, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa tới đó như chưa hiểu mình”.
Và, Lê Minh Khuê đã đến với Trường Sơn trong những ngày như thế, cô đến không chỉ để hiểu mình, mà đến để đồng cảm với những vất vả, hiểm nguy với những người thanh niên xung phong tuổi 18, đôi mươi đang hiến dâng tuổi thanh xuân cho tổ quốc.
Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi cho ta thấy được nét đẹp của những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại mà hôm nay thầy trò chúng ta có dịp làm quen và tìm hiểu.
Phần mở bài chỉ chiếm thời lượng chỉ 1-2 phút, nhưng khoảng thời gian ấy sẽ dẫn dắt các em đi vào những nốt lặng của tâm hồn thơ trẻ. Nó sẽ giúp các em cảm nhận tác phẩm văn học ngay từ phút đầu người thầy đứng giảng bài.
Nếu ta làm tốt khâu này sẽ dẫn các em không chỉ đắm chìm trong trang văn mà còn giúp các em không chán và dễ dàng cảm nhận lời thầy cô giảng bài.
Vị trí đứng giảng bài
Để giảng một tác phẩm văn học hay, người thầy trước tiên phải là người cảm nhận sâu sắc và có một phương pháp truyền đạt để thu hút người nghe.
Người thầy phải chọn một điểm đứng thích hợp để vừa quan sát lớp, vừa truyền được âm lượng đến các em dễ nhất. Qua đó, thể hiện được những cử chỉ, hành động, sự thay đổi “hỉ; nộ; ái; ố” trên khuôn mặt.
Người thầy không thể ngồi một chỗ ở ghế để vừa giảng, vừa nhìn giáo án. Làm như vậy sẽ bị động và gây mất thiện cảm của học sinh đối với người thầy mà không thể hòa mình vào nhân vật, thiếu đi cảm xúc và chủ động trong việc khai thác tác phẩm.
Trái ngọt giữa cuộc đời |
Người thầy nhất thiết phải thường xuyên đứng để tạo cảm giác thoải mái, tự nhiên. Khi đứng người thầy sẽ tạo nên một giọng điệu trầm bổng theo mạch cảm xúc, khuôn mặt, đôi mắt, cánh tay phải liên tục đổi thay theo mạch phát triển của tâm trạng nhân vật trong tác phẩm.
Ví dụ, khi ta giảng đoạn hai trong bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu ở sách ngữ văn lớp 8:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.
Đây là tâm trạng bức bối, chật chội của người chiến sĩ cách mạng muốn được đạp tung tất cả bốn bức tường chật hẹp để ra bên ngoài. Nếu người giáo viên không thể diễn tả khuôn mặt, không nhấn mạnh được giọng điệu căm hờn của người tù thì không thể nào diễn tả hết tâm trạng của tác giả.
Hay khi ta giảng đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du đến đoạn:
Tưởng người dưới nguyệt, chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc biển bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ giờ cho phai.
Đoạn thơ là cả tâm trạng đau đớn, ê chề, tủi cực của Kiều khi lần đầu tiên phải xa nhà, xa người yêu và cảm thấy tủi phận cho mình khi đang trong cảnh “cá chậu chim lồng”.
Giờ đây, nơi đất khách, quê người nàng nhớ về người yêu, nhớ về mối tình đầu, nhớ về đêm trăng khi hai người thề nguyền dưới vầng trăng sáng giữa trời bên khói trầm nghi ngút.
Kim - Kiều cùng nâng chén rượu thề và hẹn ước, để bây giờ mỗi người một ngả. Tấm thân trinh bạch của nàng rồi đây sẽ nhuốm màu hoen ố…đó là nỗi đau vô bờ bến, cùng cực của Thúy Kiều.
Người giáo viên khi đọc đoạn này phải hóa thân vào nhân vật bằng một tâm trạng đau đớn, hoài vọng, buồn thương… những điều đó sẽ là điểm nhấn để đi vào lòng học sinh.
Khi đứng giảng bài, người thầy phải đứng ở điểm giữa bục bảng, vừa thuận lợi khi cần thiết phải ghi hay minh họa một vấn đề trên bảng, vừa là trung tâm để học sinh nhìn lên người thầy, đồng thời đứng trên bục giảng sẽ dễ dàng quan sát tới toàn thể lớp.
Một khi học sinh trật tự trong giờ học sẽ giúp người thầy dễ dàng truyền thụ kiến thức. Và, chỉ khi nào lớp học duy trì được trật tự thì mạch cảm xúc của người thầy mới được xuyên suốt, học trò mới lĩnh hội được nội dung mà người thầy truyền đạt.
Đây là một vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng nó vô cùng quan trọng mà nhiều khi giáo viên để ý đến. Chính vì thế đôi lúc làm học sinh xao nhãng, không tập trung cho bài học.
Kỹ năng viết bảng và minh họa
Ghi bảng chính là một trực quan sinh động để học sinh hiểu bài, hiểu được hình tượng văn học hơn. Nhưng có nhiều giáo viên chưa chú trọng phần này, nhiều người ghi như để lấp chỗ trống thời gian, chờ học sinh ghi bài cho kịp, hoặc không phải mang tiếng là đọc - chép.
Do đó, không tránh khỏi cách ghi tùy tiện, câu què, câu cụt… Như vậy, vô tình người giáo viên lại làm giảm đi cái kỹ năng viết bài của các em sau này.
Ký ức về Người truyền lửa |
Cách ghi bảng không theo một khuôn mẫu nhất định, nhưng chúng ta phải làm sao ghi cho học sinh dễ tiếp cận, hết bài dễ hệ thống.
Vì vậy, chúng tôi đưa ra một cách ghi bảng chia làm 4 cột như sau: Cột thứ nhất: Ghi tên đề mục; Cột thứ 2, 3: Ghi bài giảng cho từng mục; Cột thứ 4: Dành để ghi nháp, hay minh họa các vấn đề liên quan.
Trong 4 cột chia ở trên thì cột thứ nhất là chúng ta không được xóa, mà chúng ta chỉ ghi riêng các đề mục. Khi giảng bài xong chúng ta dễ dàng hệ thống bài giảng lại cho các em qua các đề mục đã ghi.
Cột thứ hai, ba là phần ghi nội dung chính thông qua từng đề mục, phần này khi chúng ta ghi kín cả hai cột thì có thể bôi bảng.
Cột thứ tư là cột dành để chúng ta ghi các ví dụ, dẫn chứng, minh họa, tóm tắt ý trả lời của học sinh. Đặc biệt, cột thứ tư này người giáo viên có thể minh họa bài giảng qua các hình ảnh nếu người giáo viên cả khả năng hội họa thì chúng ta có thể phác thảo hình ảnh.
Khi giảng “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật hay truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, để học sinh hiểu được Trường Sơn, nếu giáo viên giảng công nghệ thông tin thì chúng ta lồng hình ảnh bản đồ Việt Nam vào, ta sẽ căn con đường Trường Sơn bằng một màu mực khác.
Nếu ta giảng dạy theo truyền thống thì chỉ cần bẻ tư viên phấn và nghiêng viên phấn vẽ hình chữ S lên bảng. Sau đó, chúng ta giới hạn tuyến đường Trường Sơn trên hình vẽ thì học sinh dễ cảm nhận được đường Trường Sơn như thế nào và dễ cảm nhận nội dung mà giáo viên truyền đạt.
Từ đó, người thầy cho các em biết được sự hiểm nguy của người lính Trường Sơn đang ngày đêm bảo vệ và đi qua những cung đường thiêng liêng của tổ quốc.
Khi ghi nội dung trên bảng, người thầy phải chắt lọc từ ngữ, không nên ghi dài quá nhưng không thể ghi theo kiểu viết tắt, câu đặc biệt, câu què, cụt… mà phải ghi làm sao vừa đảm bảo nội dung nhưng phải đúng ngữ pháp và hạn chế được từ ngữ.
Trước khi ghi nội dung lên bảng, người giáo viên phải giảng giải vấn đề cho học sinh thấu đáo. Chúng ta chỉ ghi lên bảng khi các em không còn ý kiến, không còn thắc mắc thì phần ghi bảng mới mang một ý nghĩa thiết thực.
Thực ra việc ghi bảng sao cho khoa học, phù hợp với đặc trưng bộ môn Ngữ văn đã được triển khai trong những buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Nhưng việc sáng tạo của mỗi giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giúp học sinh dễ hiểu bài, lĩnh hội tốt nội dung kiến thức cũng là việc làm cần thiết, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy.
Liên hệ và mở rộng vấn đề
Đây là một bước góp phần mở rộng tư duy của học sinh, giúp các em có tầm nhìn sâu rộng về một tác phẩm văn học, cảm thụ văn chương một cách toàn diện, không giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp.
Ở mỗi tác phẩm văn học đều có những chiều sâu, chiều rộng theo từng góc độ khác nhau, tùy theo thời lượng tiết dạy, tùy đối tượng học sinh để chọn cách mở rộng.
Tuy nhiên, nếu giáo viên có sự đầu tư kĩ vào được việc này thì chắc hẳn sẽ mang đến cho các em sự phong phú trong tâm hồn, tạo điều kiện cho các em có nhiều cảm hứng khi vận dụng vào bài tập làm văn.
Tôi đã thành công với những cách làm, yêu cầu lạ dành cho học sinh |
Trong giảng văn, sự liên hệ, mở rộng vấn đề sẽ giúp cho các em học sinh có một cách nhìn xuyên suốt và toàn diện một tác phẩm văn học, một giai đoạn văn học.
Ngoài yêu cầu chung là đáp ứng chuẩn kiến thức, đúng nội dung môn học. Người thầy cần thiết mở rộng vấn đề cho các em học sinh khá, giỏi hiểu thêm vấn đề. Để từ đó, các em có thể liên hệ, so sánh và đối chiếu giữa tác phẩm này với tác phẩm khác, giai đoạn này với giai đoạn khác.
Song, chúng ta cũng không nên lạm dụng mà chỉ đưa những câu hay, vừa đủ để học sinh khắc ghi và cảm nhận được. Làm sao cho cân bằng giữa các đối tượng học sinh, tránh đi xa vấn đề, gây cách hiểu sai lệch.
Chẳng hạn: Khi giảng đoạn thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích đến đoạn nỗi nhớ về Kim Trọng ta có thể liên hệ đến những câu thơ trong đoạn Kim - Kiều đính ước ở phần đầu của tác phẩm để học sinh thấy được sự hoài vọng, nhớ thương, tình cảm mà Kiều dành cho Kim Trọng.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn dặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương
Cái kỷ niệm đáng yêu và đáng nhớ ấy với bao ân tình vừa chớm nở, giờ đây như một thước phim quay chậm lại, đang làm tan nát lòng Kiều.
Đâu rồi những đêm trăng tình tự, đâu rồi hình ảnh yêu thương của chàng Kim: “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, đâu rồi những lời nguyện ước:“Trăm năm nguyện chẳng ôm giầm thuyền ai”; đâu rồi những tiếng đàn đêm trăng ngày nọ, nàng đã gảy đàn cho người yêu nghe…
Để giờ đây, tất cả đã dĩ vãng buồn cho mối tình đầu lỡ dở. Mới ngày nào “Êm đềm trướng rũ, màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” mà bây giờ “Chân trời, góc bể bơ vơ/ Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”…
Khi ta giảng bài Ánh trăng của Nguyễn Duy ta liên tưởng tới những câu thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu để các em thấy được ân tình giữa quá khứ và hiện tại, giữa cuộc chiến với thời bình. Từ đó, giúp các em biết yêu thương và tự hào về quá khứ, sống có nghĩa tình sau trước.
Mình về thành thị xa xơi
Nhà cao, còn nhớ núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Trong quá trình lên lớp, người thầy thường xuyên thay đổi phương pháp truyền đạt, tránh sự dẫm lại dấu chân của chính mình. Người thầy luôn đặt vấn đề, gợi mở vấn đề cho học sinh. Từ các câu hỏi gợi mở và dẫn dắt vấn đề sẽ kích thích tư duy của các em hoạt động và sáng tạo. Từ đó hướng các em tới những vấn đề mới, cách tiếp cận mới và tích cực.
Sự liên hệ và mở rộng vấn đề sẽ phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập, các em sẽ hứng thú khi tiếp cận tác phẩm văn học, giúp các em mở mang thêm kiến thức, tạo cho các em có thêm nhiều dẫn chứng để vận dụng vào bài viết một cách linh hoạt và sáng tạo.
Hệ thống bài giảng
Trong giới hạn 45 phút/tiết học, với rất nhiều việc mà cả thầy phải làm, nhưng nếu như một bài giảng văn mà người thầy không hệ thống lại bài, không khái quát được bài giảng thì tiết dạy đó chưa được coi là thành công.
Có hai cách chúng ta hệ thống lại bài, một là: khi ghi bài chúng ta dành nguyên cột bên trái để ghi đề mục, khi giảng xong bài chúng ta dựa vào đề mục để hệ thống, hai là: chúng ta có thể vẽ lại sơ đồ tư duy, làm thế này thì mất công nhưng hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra khi chúng ta giảng hết một giai đoạn văn học chúng ta cũng cần thiết hệ thống lại các bài đã học để các em dễ học khi ôn tập. Làm tốt khâu này sẽ giúp các em dễ nắm được nội dung thầy cô đã giảng trọn bài bằng những ý chính.
Với cách hệ thống sơ đồ bài bằng sơ đồ tư duy sẽ giúp các em dễ học bài, dễ nhớ và nắm được cái hồn của tác phẩm văn học. Đồng thời, tạo cho các em có một cách hệ thống cả chương trình học rất nhanh khi ôn tập cuối năm hay chuẩn bị bất cứ một kỳ thi nào. Các em chỉ cần một thời gian ngắn là định hình lại toàn bộ cả quá trình học.
Mỗi người thầy chúng ta, đặc biệt là những thầy cô dạy văn cùng nhau làm hết khả năng của mình để hướng các em yêu thích khoa học, sống có nghĩa tình, có lý tưởng.
Tương lai nào cũng được chắp nối bằng quá khứ và hiện tại. Nếu chúng ta làm tốt công việc hiện tại hôm nay, thì ngày mai xã hội chúng ta sẽ có những công dân sống có ích và có thể dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống.