Áp lực việc trường nhiều sao giáo viên vẫn mở lớp dạy thêm ở nhà?

17/12/2019 06:07
NHẬT DUY
(GDVN) - Lạ ở chỗ là nhiều giáo viên kêu việc trường áp lực, giao nhiệm vụ vụ cũng muốn thoái thác nhưng dạy thêm thì ngày vài ca vẫn cảm thấy nhẹ nhàng!

Nhiều giáo viên khi mở lớp dạy thêm thường đưa ra những lý do để bảo vệ cho việc làm của mình nhưng có lẽ động lực lớn nhất mà những thầy cô giáo đã và đang dạy thêm ở nhà vì thu nhập cho bản thân là lý do cốt lõi nhất.

Tất nhiên, việc giáo viên làm thêm để tăng thu nhập cho gia đình, cho đất nước không ai cấm nhưng thực tế nhiều giáo viên dạy thêm hiện nay thường dùng chiêu trò để đưa học sinh của mình về dạy thêm ở nhà là điều đáng lên án vô cùng.

Thời điểm kiểm tra học kỳ là lúc các lớp học thêm càng học nhiều hơn (Ảnh minh họa: TTXVN)
Thời điểm kiểm tra học kỳ là lúc các lớp học thêm càng học nhiều hơn (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chúng ta đều biết, khi mở lớp dạy thêm tại nhà sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề khác đi kèm. Giáo viên phải mua sắm bàn ghế, phải bố trí phòng học mới mở lớp được. Học trò đến nhà thầy cô học, tất nhiên sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của các thành viên trong gia đình giáo viên.

Bởi, các em tập trung trước nhà, tập trung trong sân nhà thầy cô và luôn tạo một không khí huyên náo trong khuôn viên gia đình những khi chưa vào học, những khi tan học.

Vì thế, nếu trong nhà mà có con nhỏ, có người già cũng không hề dễ chịu khi mấy chục con người vào nhà mình học hết ca này đến ca khác. Mọi thói quen sinh hoạt gia đình bị đảo lộn và xếp sau chuyện dạy thêm của một thành viên trong gia đình.

Nếu không vì thu nhập thì động lực nào khiến giáo viên phải bỏ công, bỏ sức để dạy thêm ở nhà cho học trò?

Tuy nhiên, bù đắp lại sự “hy sinh” của gia đình thì những khoản thu nhập hàng tháng từ dạy thêm của giáo viên được cộng thêm một số tiền kha khá. Nhiều khi gấp nhiều lần lương chính mà thầy cô nhận hàng tháng ở nhà trường.

Nhiều người cho rằng học thêm là nhu cầu của phụ huynh và học sinh nhưng thực tế thì rất ít học sinh có nhu cầu học thêm ở nhà thầy cô giáo ngoài các em học sinh cuối cấp, chuẩn bị bước vào những kỳ thi quan trọng?

Chẳng có mấy học sinh đã học chính khóa ở trường, đôi khi còn học thêm buổi 2 ở trường, còn tham gia sinh hoạt ngoại khóa, học thể dục trái buổi mà tối vẫn phải đến nhà thầy cô học thêm thì có phải là nhu cầu của học trò hay không?

Áp lực việc trường nhiều sao giáo viên vẫn mở lớp dạy thêm ở nhà? ảnh 2Dạy thêm giờ là để làm giàu, không phải xóa đói giảm nghèo

Mỗi tuần có một ngày chủ nhật nghỉ ngơi, sum họp cùng gia đình mà vẫn phải đến nhà thầy cô để học thêm thì làm sao thích thú nổi? Nhiều học sinh Tiểu học tan trường đã bơ phờ, mệt mỏi lại được cha mẹ chở đến nhà thầy cô học thêm tiếp.

Những suất ăn vội vàng, những chiếc bánh mỳ lót dạ trên đường để bước vào lớp học thêm mà trong đầu học sinh thì đang lùng bùng, mệt mỏi. Nghe thầy cô giảng bài tai này thì lọt sang tai kia, chép nội dung học thêm đầy vở mà về nhà đâu còn thời gian mà ngó ngàng lại nữa?

Mệt mỏi, chán nản là tâm trạng chung của nhiều học sinh đã và đang tham gia ở các lớp học thêm. Nhưng vì cha mẹ động viện, cha mẹ định hướng và được thầy cô tư vấn nhiệt tình về chuyện học trên lớp nên học sinh cũng phải gắng gượng để học thêm hàng ngày.

Một số học sinh ở khu vực thành thị nếu đầu năm học mà chưa kịp đăng ký thì giáo viên đã gọi điện nhắc nhở tình hình học tập của học trò cho phụ huynh biết.

Tất nhiên, trong cuộc điện thoại đó thì một số giáo viên không quên nhắc khéo phụ huynh cần cho con đi học thêm để nắm kiến thức cơ bản bởi dạy trên lớp không thể nào hết được mà học sinh thì còn hạn chế chỗ này, chỗ kia nữa.

Một khi mà phụ huynh được giáo viên của con mình “lưu ý” thì tâm lý chung là cho con đến học thêm với thầy cô của con mình cho yên chuyện, không lợi cái này cũng lợi cái khác.

Chuyện học thêm ở trường quê ít và cũng không sống sượng như một số môn học ở các trường thành phố. Nhu cầu học thêm ở quê cũng ít mà điều kiện sinh hoạt ở đây cũng không khiến cho giáo viên phải tìm mọi cách để lôi kéo học trò đến học với mình.

Những học sinh học sinh ở các trường thị thành, trường điểm, trường chuẩn thì những môn tự nhiên, môn tiếng Anh rất được giáo viên “chú trọng, lưu ý” chuyện học thêm từ đầu năm học.

Áp lực việc trường nhiều sao giáo viên vẫn mở lớp dạy thêm ở nhà? ảnh 3Có tăng lương giáo viên cũng khó hạn chế dạy thêm học sinh chính khóa hiện nay

Bởi, theo một số giáo viên thì không học thêm là ảnh hưởng đến chất lượng chung, ảnh hưởng đến thành tích nhà trường và học trò không nắm được kiến thức. Muôn vàn lý do được nêu lên, muôn vàn chiêu trò được một số giáo viên vận dụng để kéo học trò đến học với mình.

Nhiều giáo viên biện minh cho việc lương giáo viên thấp, không dạy thêm lấy gì mà sống nhưng thử hỏi các môn học không liên quan đến thi tuyển, học sinh không có nhu cầu học thêm thì giáo viên những môn đó không sống được hay sao? Những giáo viên ở những vùng khó khăn, những vùng quê hẻo lánh đều không sống được hay sao?

Chính vì thế, nhu cầu học thêm của học sinh, nhu cầu cho con đi học thêm của phụ huynh thực tế rất ít. Chẳng có mấy phụ huynh lại muốn đêm hôm, mưa gió, ngày nghỉ phải đưa đón con đến nhà thầy cô học thêm.

Chẳng ai muốn mỗi tháng bỏ ra một số tiền lớn cho con học thêm vài môn học trong khi lương lao động phổ thông, lương của công nhân, lương của người nông dân mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng mà ngày có ngày không.

Dạy thêm chỉ được mở lớp khi giáo viên có nhu cầu dạy thêm, có nhu cầu kiếm tiền thêm và rất ít khi xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh.

Lạ ở chỗ là nhiều giáo viên kêu việc trường áp lực, giao nhiệm vụ nào cũng muốn thoái thác nhưng dạy thêm thì ngày vài ca vẫn cảm thấy nhẹ nhàng và không than vãn bao giờ. Động lực nào khiến thầy cô dạy thêm khỏe đến thế?

Nhiều giáo viên còn liên kết từng nhóm giáo viên để bao trọn các môn học chính, nhiều giáo viên còn bao luôn chuyện ăn uống, đưa đón học sinh, vậy mà họ đều làm được rất tốt.

Nghịch lý này có khó giải thích lắm không?

NHẬT DUY