Muốn giáo dục phát triển, đừng làm khó trường tư

09/04/2018 06:10
Bạch Đằng
(GDVN) - Có phải vì lo sợ các trường tư hút hết học sinh con em nhà giàu, chất lượng đầu vào tốt nên Sở mới quy định tuyển sinh trong một thời điểm?

Theo số liệu thống kê đăng tải trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2016 – 2017 cả nước có 15.052 trường tiểu học thì các trường ngoài công lập là 113 trường.

Bậc trung học cơ sở, cả nước có 10.928 trường trong đó các trường ngoài công lập là 55 trường.

Trên website của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, trong năm học 2017-2018 có 54 trường ngoài công lập trong tổng số 740 trường tiểu học trên toàn thành phố.

Trường trung học cơ sở ngoài công lập là 34 trong tổng số 632 trường.

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy trường ngoài công lập đang chiếm số lượng  khiêm tốn và tỉ lệ rất nhỏ so với các trường công lập.

Trường ngoài công lập vẫn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong hệ thống trường học hiện nay (ảnh Bạch Đằng).
Trường ngoài công lập vẫn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong hệ thống trường học hiện nay (ảnh Bạch Đằng).

Chủ trương xã hội hóa đã được Đảng và Nhà nước được xem là một hướng đi để phát triển giáo dục.

Nhưng phát triển bao nhiêu năm nay mà số trường ngoài công lập vẫn chiếm một tỉ lệ ít ỏi như vậy thì đáng để chúng ta suy ngẫm.

Hiện đa phần các trường ngoài công lập mới chỉ tập trung tại các thành phố lớn còn ở các vùng nông thôn hầu như vắng bóng.

Tại Hà Nội các trường ngoài công lập đang phát triển theo hướng trường chất lượng cao, trường song ngữ, trường quốc tế.

Những ngôi trường này hướng theo nhu cầu được học tập trong môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại của con em gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. 

Họ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, phương pháp giáo dục tiên tiến bắt kịp xu hướng giáo dục của thế giới.

Muốn giáo dục phát triển, đừng làm khó trường tư ảnh 2Phụ huynh như "ngồi trên lửa" vì trường tư thục mãi chưa được tuyển sinh

Hướng đi này đã giúp trường ngoài công lập vượt trội trong việc thu hút lượng lớn học sinh con em gia đình có điều kiện kinh tế khá giả vào học tập.

Chị Nguyễn Minh Nguyệt ở quận Ba Đình chia sẻ: “Vào trường tư thục con mình được học trong lớp học chỉ 30 – 35 cháu học sinh.

Các con được chăm sóc tốt hơn và tiếp cận môi trường giáo dục nhân văn, hiện đại.

Vào trường tư phụ huynh như tôi không còn phải lo lắng chuyện con em mình bị ép học thêm, bị cô thầy trù dập hay nộp các khoản thu ngoài quy định một cách “lén lút”…

Ưu điểm của các trường tư thục ngày càng lớn là lý do khiến tôi cho con học trường tư chứ không học trường công”.

Giáo dục ngoài công lập đang cần có nhiều chính sách ưu tiên để phát triển mạnh hơn nữa (ảnh minh họa nguồn giaoduc.net.vn)
Giáo dục ngoài công lập đang cần có nhiều chính sách ưu tiên để phát triển mạnh hơn nữa (ảnh minh họa nguồn giaoduc.net.vn)

Tại Hà Nội phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả ngày càng có xu hướng cho con vào học các trường tư thục.

Điều này đã tạo ra những “xung đột” giữa trường công và trường tư trong việc cạnh tranh đầu vào học sinh.

Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia về giáo dục (xin giấu tên) cho biết: “Trước đây hơn 2 năm trường tư thục được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Họ được tuyển sinh đầu cấp trong cả năm học mà không bị ngăn cấm.

Nhưng hai năm lại đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định buộc các trường tư thục tuyển sinh cùng lúc với các trường công lập.

Sự thay đổi này tôi cho rằng xuất phát từ việc cạnh tranh đầu vào của các trường công và tư.

Có lẽ vì sợ các trường tư hút hết học sinh con em nhà giàu, chất lượng đầu vào tốt nên mới sinh ra quy định như vậy”.

Mức độ đúng sai ý kiến của chuyên gia này đến đâu rất khó để xác định nhưng có thực tế việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội buộc các trường tư tuyển sinh cùng với các trường công lập đang gây khó cho các trường này.

Muốn giáo dục phát triển, đừng làm khó trường tư ảnh 4Dài cổ, héo mòn vì quy định tuyển sinh kiểu “ngăn sông cấm chợ”!

Một Hiệu trưởng trường tiểu học tư thục (xin giấu tên) cho biết: “Vì không được tuyển sinh nên khi tổ chức hội thảo, giới thiệu về trường, quảng bá hình ảnh của trường thì chúng tôi chỉ giới thiệu về cơ sở vật chất của nhà trường.

Chúng tôi không dám đề cập đến việc tuyển sinh vì Sở sẽ phạt. Việc này thực sự vô lý!

Tôi đã từng có phản ánh với phòng giáo dục về những bất cập này nhưng không hiểu sao năm nay chưa có thay đổi”.

Chính vì cấm đoán tự chủ tuyển sinh nhưng các trường vẫn phải tự lo đầu vào cho trường mình nên dẫn đến tình cảnh “mạnh ai nấy chạy”. Từ đó phát sinh ra đủ chiêu trò khác nhau trong tuyển sinh.

“Không thể ngồi chờ chết được!” – một giáo viên trường tư than thở. Cô giáo này chia sẻ thêm, trường cô dạy không tuyển sinh mà thực hiện việc ghi danh học sinh.

Phụ huynh nào muốn con học tại trường thì đến ghi danh và nộp 4 triệu đồng.

Muốn con được vào học thì phải trắc nghiệm năng lực IQ trước chuyên gia Việt Nam và Quốc tế. Khi cháu đã vượt qua thì đương nhiên nhà trường tiếp nhận vào học lớp 1.

Rõ ràng, Sở thì cấm tuyển sinh trước thời hạn nhưng các trường vẫn tìm cách lách.

Phân tích thấu đáo hiện tượng này ta thấy rằng khi một quy định không phù hợp với khách quan thì việc “vượt rào” quy định là điều khó tránh khỏi.

Trong khi Sở cấm nhưng phụ huynh họ lại có nhu cầu muốn sắp xếp ổn thỏa việc học cho con mà không phải đợi đến cùng lúc đồng loạt đổ xô đi mua hồ sơ, chen chúc xô đẩy nhau để nhập học.

Chính nhu cầu khách quan như vậy nên Sở có cấm thì cũng khó kiểm soát được những hình thức biến tướng khác trong tuyển sinh.

Nhu cầu được tự chủ trong tuyển sinh của các trường tư là yêu cầu chính đáng.

Chỉ khi nào trong chính sách tuyển sinh tạo điều kiện thuận lợi thì các trường tư mới có điều kiện phát triển nhanh hơn, cùng với các trường công góp phần vào sự nghiệp thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp

Với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về tuyển sinh ở các trường tư thục với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục.

Hội diễn ra từ 8h30 đến 11h sáng 26/4/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Để đăng ký tham dự hội thảo và gửi các ý kiến đóng góp tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường tư thục, xing vui lòng liên hệ:

toasoan@giaoduc.net.vn

– Hotline: 0938.766.888 - 0243.5569.666
Bạch Đằng