LTS: Tiếp tục đưa ra ý kiến góp ý về chương trình môn Vật lí mới, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo (Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích về những giá trị mà môn học này cung cấp cho học sinh.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này có một sự thay đổi hoàn toàn về quan niệm giáo dục so với từ trước tới nay, đó là quan niệm Giáo dục hướng vào người học:
Đặt quan tâm lớn nhất đến người học ngày nay muốn gì, cần gì từ chương trình giáo dục phổ thông; thực tiễn và yêu cầu phát triển của xã hội cần gì về phẩm chất, năng lực của người lao động trong tương lai.
Chương trình Vật lý mới: Có chỗ cho ứng dụng kỹ thuật trong đời sống hay không? |
Vì thế, thay vì như trước đây chúng ta, những người có liên quan trực tiếp đến chương trình các học, thường chỉ đặt mình ở góc độ những người am hiểu một khoa học cụ thể đóng góp ý kiến về nội dung môn học và đưa ra những yêu cầu thêm, bớt, điều chỉnh, sửa chữa nội dung thì lần này khi đóng góp ý kiến cho chương trình các môn học, chúng ta cũng nên thay đổi quan niệm, nên đặt mình vào vị trí người học và xã hội.
Tức là chúng ta nên bắt đầu từ việc:
- Đi tìm những giá trị mà chương trình học môn học có thể mang đến cho người học từ cái nhìn tổng thể chương trình học ở các cấp học (thể hiện ở mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình học),
- Đặt mình vào vị trí người học và xã hội để xem xét, phân tích, đánh giá xem:
Những giá trị mà chương trình học hướng tới có thực sự là những giá trị mà người học ngày nay muốn có và cần có?
Đồng thời, phân tích xem, đó có phải là những giá trị mà xã hội kỳ vọng ở giáo dục đối với chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai?
Cần xác định mục tiêu môn học đáp ứng được yêu cầu của người học, của xã hội và phù hợp với đặc điểm môn học Vật lí. (Ảnh minh hoạ: semo.edu) |
Những giá trị này sẽ định hướng các chương trình học cụ thể, vì thế nếu nó là xác đáng thì việc tiếp theo mới là đi xem xét xem việc lựa chọn nội dung và cấu trúc chương trình mới lần này có phù hợp và hiệu quả để đạt được các giá trị đó hay không.
Còn nếu ngay từ khâu xác định giá trị (mục tiêu) của môn học đã không ổn thì chương trình học cũng sẽ không ổn ngay từ đầu, khi đó những ý kiến về các nội dung cụ thể dẫn đến những điều chỉnh cụ thể không giúp làm tăng thêm hay thay đổi giá trị của chương trình học.
Bây giờ chúng ta thử đứng ở vị trí người học để đi tìm những giá trị của chương trình môn môn học Vật lí qua phân tích mục tiêu của nó:
Mục tiêu của môn học vật lí nêu ra là: Ngoài góp phần vào các mục tiêu chung, còn hướng tới mục tiêu mang tính đặc thù:
Giúp học sinh "Đạt được Năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí"
(Ta nhận ra ngay rằng mục tiêu này gần như lặp lại mục tiêu của môn Khoa học tự nhiên, chỉ thay thuật ngữ "Tự nhiên" bằng thuật ngữ "Vật lí") (!?)
Với môn Khoa học tự nhiên thì mục tiêu đề ra "Hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên" là hợp lý rồi, còn "tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí" có phải là giá trị duy nhất mà môn học Vật lí có thể mang lại cho người học hay không và đó có phải giá trị duy nhất mà người học chờ đợi từ môn học này hay không?
Chương trình Vật lý mới: Có chỗ cho ứng dụng kỹ thuật trong đời sống hay không? |
Chúng ta cùng phân tích:
- Chúng ta thấy rõ rằng, tất cả người học ngày nay chờ đợi nhiều giá trị khác nữa từ môn Vật lí, vì:
Con người ngày nay không chỉ sống trong thế giới chỉ toàn là các sự vật, hiện tượng, quá trình tự nhiên mà còn sống trọng một thực tiễn gần họ hơn, bao bọc, vây kín họ và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và công việc của họ:
Đó là "thế giới" của những ứng dụng kỹ thuật phổ biến trong đời sống và công việc đang và sẽ ngày càng nhiều hơn trong thực tiễn mà tuyệt đại đa số chúng được chế tạo, phát minh dựa trên nền tảng kiến thức của khoa học vật lí.
(Ví dụ: Từ trong nhà: từ vật dụng đơn giản như dao, kéo, kìm búa,… đến nồi cơm điện, lò vi sóng, bếp điện, bếp từ, đèn chiếu sáng, lò nướng, quạt máy, tivi, tủ lạnh máy lạnh, xe đạp, xe máy, xe hơi; Ra bên ngoài: phương tiện giao thông thủy, bộ, hàng không,…)
Và tất cả chúng ta, tất cả học sinh dù định hướng nghề nghiệp tương lai thế nào cũng nhận ra những giá trị thiết thực của chúng và đều mong muốn và cần có kiến thức vật lí (ở mức độ cơ bản, phổ thông) để hiểu chúng và làm chủ chúng.
Tuy nhiên, số rất đông (tuyệt đại đa số) trong tổng số học sinh phổ thông sẽ không chọn đa số những ngành nghề mà ngay từ khi học học nghề đã không có các môn học Vật lí và khi hành nghề cũng không cần đến kiến thức vật lí.
Vậy, số đông học sinh này sẽ có những kiến thức vật lí như thế khi nào và từ đâu?
Câu trả lời hết sức rõ ràng là:
Chỉ có thể có ở bậc học phổ thông và từ môn học Vật lí qua các cấp học mà thôi.
Và rõ ràng môn Vật lí là môn học duy nhất có thể đáp ứng rất mong muốn và yêu cầu chính đáng này.
Nhưng mục tiêu môn học Vật lí mới không hướng tới tìm hiểu mảng thực tiễn rất thiết thực và thiết thân với học sinh này.
Điều này thể hiện rõ cả trong các yêu cầu cần đạt cụ thể của từng chủ đề và còn cả trong nội dung của chương trình học, không hề đề cập đến bất cứ ứng dụng kỹ thuật trong đời sống nào (có duy nhất một chỗ nhưng cũng chỉ ra không cụ thể (hiện tượng điện từ) mặc dù trong chương trình có đưa vào những chủ đề hướng rõ ràng tới nhiều ứng dụng kỹ thuật vào đời sống (Vật lí nhiệt, hiện tượng điện từ, dòng điện, mạch điện, dòng điện xoay chiều).
(Trong chương trình học có một số chuyên đề tự chọn là các ứng dụng trong các lĩnh vực nghề nghiệp thuộc lĩnh vực kỹ thuật liên quan đến kiến thức vật lí để định hướng lựa chọn nghề nghiệp, đó không phải là các ứng dụng kỹ thuật trong đời sống kể trên).
Vậy, nếu môn học vật lý mới chỉ hướng tới "tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí" mà bỏ qua mảng thực tiễn vô cùng thiết thực và thiết thân đối với tất cả người học, trong khi nó hoàn toàn có thể và cần phải đáp ứng thì liệu có hợp lý không?
- Những người biên soạn chương trình môn vật lý không diễn giải cụ thể mệnh đề "tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí" là như thế nào, nhưng theo suy luận hợp lý thì "dưới góc độ vật lí" nghĩa là quan tâm đến các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến vật lí, bao gồm:
- Các sự vật, hiện tượng, quá trình vật lí trong tự nhiên
- Các quá trình tự nhiên (thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác) cần có kiến thức vật lí để hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn vì chúng cũng thuộc thế giới tự nhiên (như môn học Vật lí trước đây đã từng có đôi chỗ quan tâm: Mắt, tai người, sự hút nước của cây cối… hiểu dưới góc độ vật lí)
(Tức là sự cần thiết phải tích hợp kiến thức khoa học vật lí vào các môn khoa học tự nhiên khác).
Tuy nhiên trong nội dung và các yêu cầu cần đạt từng chủ đề cho thấy chương trình học không hướng tới tìm hiểu nhưng sự vật, hiện tượng như vậy,trong khi nó hoàn toàn có thể và cần phải đáp ứng thì liệu có hợp lý không?
Kết luận:
Chương trình môn học Vật lí mới chưa mang đến đầy đủ những giá trị mà người học rất cần và rất kỳ vọng, trong khi nó hoàn toàn có thể và cần phải đáp ứng.
Điều này thể hiện rõ ràng từ các mục tiêu, yêu cầu cần đạt của môn học đến việc lựa chọn nội dung và xác định các yêu cầu cần đạt cụ thể của chương trình học vật lí ở các cấp học.
Với những hạn chế này thì những góp ý về các nội dung cụ thể chỉ dẫn tới sự điều chỉnh, thêm bớt, sửa chữa nội dung sẽ không thể làm tăng thêm hay thay đổi giá trị màchương trình học này đã xác định.
Xác lập mục tiêu sao cho đáp ứng được mong muốn, yêu cầu của người học và của xã hội và phù hợp với đặc điểm môn học Vật lí là khâu đầu tiên cần phải điều chỉnh.