Ngày 6/5/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.
Trong số các quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, nhiều ý kiến tỏ ra ấn tượng với việc Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Chuyện “học thật, thi thật và nhân tài thật” từ nhiều năm nay đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế sự thay đổi chưa đáng bao nhiêu.
Ngành giáo dục có những cuộc thi nào?
Những cuộc thi cơ bản dành cho giáo viên phổ thông: Thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi tổng phụ trách giỏi... cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; Thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, II, I; Thi sáng kiến kinh nghiệm dạy học.
Những cuộc thi cơ bản dành cho học sinh phổ thông hiện nay: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Thi học sinh giỏi văn hóa các môn học từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia (dành cho học sinh trung học phổ thông); Thi sáng tạo khoa học kĩ thuật; Thi tuyển sinh lớp 10; Thi tuyển sinh lớp 6.
Chuyện “học thật, thi thật" cần được thực hiện nghiêm túc. (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Có cuộc thi nào được đánh giá là thi thật?
Từng nhiều năm làm ban giám khảo chấm các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - cho hay phần lớn bài thi đều là diễn, chỉ khác nhau ở mức độ nhiều hay ít mà thôi. Trong đó, bà Hương gặp không ít trường hợp hài hước.
“Tôi tham gia chấm thi giáo viên dạy học sinh lớp 1, trẻ phần lớn đều chưa đọc thông, viết thạo. Khi cô giáo chưa kịp đọc câu hỏi của trò chơi học tập là giải câu đố, học sinh đã đứng lên đọc đáp án", bà Hương kể lại.[1]
Với những cuộc thi cơ bản dành cho giáo viên phổ thông, chưa có cuộc thi nào được dư luận đánh giá là... thi thật. Vì vậy, dư luận đề nghị bỏ các cuộc thi vô bổ, tốn kém, gây bức xúc cho xã hội không phải là không có cơ sở.
Đặc biệt là cuộc thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, II, I trong thời gian qua, cứ đóng tiền học là ... có chứng chỉ, đã được dư luận phản ánh trong thời gian qua.[2]
Với các cuộc thi dành cho học sinh cũng không khá hơn là mấy. Với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã xảy ra vụ tiêu cực có một không hai trong lịch sử giáo dục nước nhà ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.
Bên cạnh đó, cơ cấu điểm số để công nhận học sinh đậu tốt nghiệp còn có... 30% điểm học bạ lớp 12.
Điểm học bạ lớp 12 là cái phao cho học sinh khi thi tốt nghiệp, nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp cho học trò, cho nhà trường, nên vô hình trung làm cho kết quả cuộc thi không thật, kết quả tổng kết lớp 12 không thật.
Các cuộc thi học sinh giỏi không phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò mà chỉ là đào tạo ra thế hệ học trò “gà chọi”, “thợ giải bài tập”.
Trường nào, địa phương nào đầu tư mời giáo viên có khả năng ra đề về dạy thì đạt kết quả cao, nếu không chỉ tham gia cho có phong trào, nhận được những giải thấp là may mắn, nên cũng là cuộc thi không thật.
Thi sáng tạo khoa học kĩ thuật càng bộc lộ là cuộc thi không thật, thời gian vừa qua đã được dư luận lên tiếng “Học sinh thi Khoa học kỹ thuật: “Hãy dừng lại càng sớm càng tốt!”.[3]
Với các kì kiểm tra, đã xảy ra tình trạng đáng buồn, khi đề kiểm tra là mặt hàng mua bán trên mạng xã hội, khách hàng không ai khác chính là ... giáo viên.
Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft “tình trạng mua bán, trao đổi đề thi của giáo viên là thể hiện tình trạng đối phó, những đề thi như vậy thường không có tác dụng gì cho học sinh, cũng không mang tính thời sự, sáng tạo”.[4]
May mắn thay, còn có kì thi tuyển sinh lớp 10 là tương đối... thật. Kì thi này thật cũng có căn nguyên của nó, vì chỉ có hơn 60% học sinh lớp 9 được tuyển vào lớp 10 công lập. Thế nhưng ngay Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng có trường chỉ cần 3 điểm/môn là đậu lớp 10 công lập. [5]
Với vùng nông thôn, kì thi tuyển sinh lớp 10 tỷ lệ chọi thấp, đã phản ánh trung thực chất lượng dạy học, khi chỉ cần 0.58 điểm/môn là đậu lớp 10 công lập. [6]
Thi thật sẽ phản ánh trung thực chất lượng thật của giáo dục, từ đó nhà quản lý giáo dục có cơ sở hoạch định chính sách cho giáo dục phù hợp, gắn liền với thực tế, chính sách đi vào cuộc sống.
Vậy làm sao để ngành giáo dục thi thật?
Với các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi tổng phụ trách giỏi... cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh trong thời gian vừa qua ngành giáo dục đã có thay đổi đáng kể, giảm dần mức độ... diễn, cuộc thi càng ngày càng thực chất hơn.
Cần minh bạch, công khai nội dung, kết quả của cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm dạy học trên internet, vừa tăng giá trị cuộc thi, vừa là tài nguyên cho giáo viên tham khảo, vừa xóa bỏ tệ nạn mua bán, sao chép sản phẩm sáng tạo của người khác; kiên quyết loại bỏ, kỉ luật những giáo viên “đạo văn”.
Cần có hình thức thi đua, đánh giá giáo viên trên nhận xét, đánh giá của cộng đồng, của học sinh thay vì chỉ phụ thuộc vào kết quả các cuộc thi của ngành.
Với cuộc thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, thực chất không có giá trị cho giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chăng tham mưu các cấp liên quan bãi bỏ chứng chỉ này.
Với cuộc thi cơ bản dành cho học sinh phổ thông hiện nay cần thay đổi toàn diện về nội dung và hình thức.
Nội dung đề thi không nên mang tính hàn lâm, đánh đố, xa rời thực tiễn. Đề thi cần thể hiện mục tiêu giáo dục, đánh giá phẩm chất và năng lực người học.
Với cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật cần có giải pháp kĩ thuật để ngăn chặn tình trạng thầy làm, trò là diễn viên thể hiện.
Khi giáo dục chạy theo điểm số thì các cuộc thi khó mà thật. Vì vậy, cần xóa bỏ tỷ lệ thi đua đầu năm cũng là giải pháp căn cơ giúp ngành giáo dục có học thật, thi thật, nhân tài thật.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://zingnews.vn/giao-vien-di-thi-chua-han-day-gioi-ma-dien-gioi-post908564.html
[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tham-nhap-lo-san-xuat-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-nop-tien-la-co-post211405.gd
[3] https://laodong.vn/ban-doc/hoc-sinh-thi-khoa-hoc-ky-thuat-hay-dung-lai-cang-som-cang-tot-893385.ldo
[4]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhon-nhip-mua-ban-de-thi-sang-kien-kinh-nghiem-20201227211313053.htm
[5]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/chi-2-5-diem-moi-mon-da-do-vao-lop-10-cong-lap-ha-noi-662777.html
[6] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/0-58-diem-mon-do-vao-lop-10-cong-lap-so-gd-dt-thanh-hoa-noi-gi-667250.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.