Mỹ thuật khác Mỹ thuật ứng dụng, kiến nghị Bộ Giáo dục điều chỉnh bất cập

07/07/2020 06:19
Vương Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm chỉnh sửa những quy định chưa hợp lý ở Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT.

Ngày 6/7/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) đã có Công văn số 60/HH-VP gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiến nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu tuyển sinh cho khối ngành Mỹ thuật Công nghiệp.

Theo đó, Hiệp hội đã nhận được công văn ngày 22/5/2020 của Câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật ứng dụng và công văn số 88/CV-ĐHKTĐN ngày 8/5/2020 của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đề nghị Hiệp hội kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh lại quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh tại Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/2/2018 cho nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng thuộc khối ngành Nghệ thuật.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đồng ý với đề nghị này của Câu lạc bộ khối trường Mỹ thuật ứng dụng – đại diện cho các trường đại học có đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm chỉnh sửa những quy định chưa hợp lý ở Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT. (Ảnh minh họa: Mythuat.info)

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm chỉnh sửa những quy định chưa hợp lý ở Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT. (Ảnh minh họa: Mythuat.info)

Lý do: Hai nhóm ngành Mỹ thuật (mã số 72101) và Mỹ thuật ứng dụng (mã số 72104) tuy cùng thuộc khối ngành Nghệ thuật (mã số 721) trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học (ban hành kèm theo Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017) nhưng có mục tiêu đào tạo rất khác nhau.

Trong khi nhóm ngành Mỹ thuật hướng chủ yếu vào mục tiêu đào tạo tinh hoa – tài năng thì nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng lại hướng vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đại trà phục vụ nhu cầu xã hội.

Do đó, việc quy định mức chỉ tiêu tuyển sinh giống nhau cho cả 2 nhóm ngành này là không hợp lý.

Điều này có thể thấy rõ qua thống kê giáo dục của rất nhiều nước, chắc hẳn nhiều chuyên viên của Bộ đã biết.

Ngoài ra, tiêu chuẩn về trình độ giảng viên ở các nhóm ngành nghề ứng dụng (trong đó có nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng) và nhóm ngành học thuật (academic) cũng không giống nhau.

Ở nhóm ngành học thuật xu hướng chung là tuyển chọn các giảng viên có trình độ học vấn cao (trình độ tiến sĩ) trong khi nhóm ngành nghề nghiệp ứng dụng thường nhấn mạnh kinh nghiệm nghề nghiệp của giảng viên.

Từ những lý do trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm chỉnh sửa những quy định chưa hợp lý ở Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT về định mức chỉ tiêu tuyển sinh và tiêu chuẩn trình độ giảng viên cho các ngành nghề thuộc nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng.

Vương Thủy