Năm 2021 - Một năm “đặc biệt” của nhà giáo cả nước

30/01/2022 08:00
Hà Duyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2021, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động và ảnh hưởng rất lớn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Những thách thức vô cùng khó khăn để ứng phó, thích ứng với đại dịch cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục. Với nhà giáo cả nước đó là năm lịch sử đặc biệt của giáo dục nước nhà.

1. Cơ hội chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra đợt thứ 4 ở nước ta đúng vào dịp hè khiến cho nhiều trường học “vỡ” kế hoạch cho năm học mới.

Công tác tuyển sinh đầu cấp ở tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và dạy học gặp không ít khó khăn. Và việc ứng dụng công nghệ số trong tuyển sinh, dạy học trực tuyến được đặt ra, là cứu cánh cho các cơ sở giáo dục.

Cả nước có thời điểm lên tới 54 tỉnh thành dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh thì việc chọn lựa hình thức dạy học trực tuyến là phương án tối ưu nhất.

Với việc chuyển đổi dạy học trực tiếp sang dạy trực tuyến đã đặt giáo viên các tỉnh thành vào áp lực vô cùng lớn.

Thực tế cho thấy, kĩ năng và kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến với đại đa số thầy cô là con số không tròn trĩnh, từ việc sử dụng phần mềm đến phương pháp dạy sao cho hiệu quả.

Đội ngũ giáo viên cả nước đã khắc phục mọi gian khó, tìm tòi, sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, phần mềm kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Có thể nói, trong hoàn cảnh dịch bệnh, tay nghề sử dụng công nghệ của giáo viên đã được nâng lên, nhiều sáng tạo, sự linh hoạt của thầy cô đã được lan tỏa đến đồng nghiệp.

Chính những nỗ lực ấy đã thuyết phục được phụ huynh, tạo được sự tin tưởng trong cha mẹ học sinh với hình thức dạy học mới mẻ này.

Từ chỗ phụ huynh lo lắng, bất an và mơ hồ về chất lượng dạy học trực tuyến, qua một học kỳ đã nhận được sự ghi nhận hết sức tích cực từ xã hội.

Dạy và học trực tuyến giúp giáo viên sáng tạo trong ứng dụng công nghệ số, giúp học sinh tiếp cận tốt các thiết bị hiện đại, công nghệ thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

2. Ngày khai giảng ấn tượng của năm học đặc biệt

Ngày khai giảng năm học truyền thống vào ngày 5/9/2021 được các địa phương tổ chức trực tuyến. Buổi lễ khai giảng trực tuyến ở các trường được tổ chức trang trọng với các nghi thức như trực tiếp: Lễ chào cờ, tuyên bố lý do, diễn văn khai trường, đọc thư Chủ tịch nước, phát biểu của lãnh đạo ngành giáo dục hoặc lãnh đạo tỉnh, đánh trống khai trường...

Sân trường không học sinh, không giáo viên, chỉ có thầy hoặc cô hiệu trưởng đứng phát biểu là hình ảnh ấn tượng, khó phai mờ trong tâm hồn thế hệ học trò thời đại dịch Covid-19.

Nhiều tỉnh thành tổ chức tại 1 trường và truyền hình trực tiếp. Ở Đồng Nai, một địa phương trong tâm dịch phía Nam đã chọn cách tổ chức tại 1 điểm cầu không có học sinh và được phát trực tiếp trên đài truyền hình tỉnh.

Lễ khai giảng ít tốn kém nhất từ trước tới nay nhưng vẫn ngập cờ và hoa trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội và vẫn đầy ý nghĩa, ngập tràn cảm xúc với thầy cô giáo, học sinh. Đây được coi là một trong những ngày khai trường đặc biệt trong lịch sử giáo dục nước nhà.

Học sinh dự lễ khai giảng bằng hình thức trực tuyến (Ảnh: Báo Hải Dương)

Học sinh dự lễ khai giảng bằng hình thức trực tuyến (Ảnh: Báo Hải Dương)

3. Một ngày Nhà giáo 20/11 “đặc biệt” của giáo giới cả nước

Ngày 20/11/2021 quả là một ngày lặng lẽ với giới giáo chức. Những năm trước không có dịch, ngay từ đầu tháng 11 là rộn ràng các phong trào thao giảng, văn nghệ, thể thao... được tổ chức chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Năm 2021, nhiều trường đã có những sáng tạo bằng các cuộc thi trực tuyến. Ít tốn thời gian, công sức, kinh tế song vẫn thiết thực, ý nghĩa. Không có những phong bì đưa vội, những món quà đắt tiền tặng thầy cô, thay vào đó là những lời chúc tốt đẹp qua điện thoại, zalo, mạng xã hội...

Dịch bệnh đã làm thay đổi nếp nghĩ, cuộc sống của mọi người theo hướng tích cực hơn.

Nhiều nhà giáo mong lắm những ngày của mình sau này không ồn ào, náo nhiệt, không ngôn từ tri ân sáo rỗng mà lặng lẽ, nhẹ nhàng với những sẻ chia nỗi vất vả, cực nhọc, cuộc sống thanh tao của nghề trồng người. Hình ảnh người thầy mãi đẹp, sáng trong, được xã hội tôn trọng, đề cao và quan tâm hơn.

4. Chạy đua với tập huấn, bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chương trình bồi dưỡng giáo viên đại trà thực hiện chương trình 2018 qua hơn 2 năm đã hoàn thành các mô đun: Mô đun 1: Hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Mô đun 2: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh Tiểu học/Trung học cơ sở/Trung học phổ thông.

Mô đun 3: Đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Mô đun 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh Tiểu học/Trung học cơ sở/Trung học phổ thông.

Mô đun 5: Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học. Đây là những mô đun quan trọng, thiết thực để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chưa đầy 4 tháng cuối năm 2021, giáo viên đã phải hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng 2 mô đun 4 và 5 cho kịp tiến độ.

Với hình thức bồi dưỡng mới là trực tuyến kết hợp với trực tiếp theo công thức: 7-2-7 trong thời gian vừa dạy trực tuyến vừa học trực tuyến quả là khá vất vả.

Với thầy cô giáo là giáo viên cốt cán thì công việc gấp nhiều lần giáo viên đại trà khi vừa phải tập huấn mô đun 4, 5, 9 (Mô đun 9: Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh Tiểu học/Trung học cơ sở/Trung học phổ thông) và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp mô đun 4, 5.

Thế nhưng, giáo viên cả nước đã nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào đúng mốc thời gian 31/12/2021.

5. Rối bời bổ nhiệm, chuyển xếp hạng giáo viên

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên các cấp đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công sức của truyền thông vì mỗi nơi, mỗi cơ sở giáo dục thực hiện, áp dụng một kiểu.

Với cách thực hiện thông tư bất nhất, bất cập ấy đã khiến giáo viên “lao tâm khổ tứ” đi tìm minh chứng để giữ hạng.

Nơi đưa cả các nhiệm vụ vào tiêu chuẩn để xét hạng, nơi không. Chỗ quy định các danh hiệu phải đạt trong 3 năm, chỗ 6 năm gần nhất mới được công nhận... Và đã có không ít giáo viên có thành tích, giỏi nghề phải rớt hạng oan. Những bất cập đó đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, thiếu sự công bằng, thiệt thòi cho giáo viên.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng các địa phương còn bị động, chưa thống nhất việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo chùm thông tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp sửa đổi các quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên; bảo vệ quyền lợi của giáo viên khi xếp, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

6. Dạy thêm, học thêm “nóng” trên nghị trường Quốc hội

Trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng 11/11/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhận nhiều câu hỏi về vấn đề dạy thêm, học thêm.

Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, việc dạy thêm, học thêm trong điều kiện trực tuyến thì cần cấm.

Tuy nhiên, về việc cấm dạy thêm, học thêm trong điều kiện bình thường thì cần phải xem xét lại.

Vấn đề này chúng ta chưa giải quyết được căn nguyên. Thể hiện ở chỗ, từ trước đến nay chúng ta tiếp cận và coi việc dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội.

Có những nơi tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm rồi đưa lên báo chí. Tôi cho rằng cách ứng xử đối với các nhà giáo như thế là không phù hợp.

Nhiều căn nguyên của vấn đề được đưa ra như chương trình quá tải, bệnh thành tích, thi cử áp lực, lương giáo viên chưa đủ sống…

Nhà giáo chỉ mong sao lương đủ sống để toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nghề.

Hà Duyên