Hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024, trong đó có Trường Đại học CMC. Cụ thể, năm 2024, nhà trường tuyển sinh 1.300 chỉ tiêu theo 5 phương thức xét tuyển. Đồng thời, Trường Đại học CMC cũng công bố quỹ học bổng “CMC - Vì bạn xứng đáng” lên tới 96 tỷ đồng cho năm 2024.
Chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành cụ thể
Năm 2024, Trường Đại học CMC tuyển sinh tất cả 10 ngành bao gồm: Công nghệ thông tin (Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Kỹ thuật máy tính, Điện toán đám mây); Công nghệ thông tin Việt - Hàn; Công nghệ thông tin Việt - Nhật; Khoa học máy tính (Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, Phát triển phần mềm, Hệ thống thông tin); Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch bán dẫn IC Design, Công nghệ mạng và truyền thông tiên tiến, Hệ thống nhúng và IoT); Quản trị kinh doanh (Quản trị kinh doanh, Tài chính - Kế toán, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng); Marketing (Marketing số); Thiết kế đồ họa (Đồ họa truyền thông, Đồ họa hoạt hình); Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Nhật.
Thông tin chỉ tiêu tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển từng ngành cụ thể như sau:
Các phương thức tuyển sinh của Trường Đại học CMC
Năm 2024, nhà trường tuyển sinh theo 5 phương thức. Cụ thể:
Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ) theo tổ hợp môn xét tuyển.
Cách 1: Xét học bạ kết hợp môn Tiếng Anh theo điểm trung bình năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, không cộng điểm ưu tiên.
Cách 2: Xét học bạ kết hợp môn Tiếng Anh theo điểm trung bình năm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, không cộng điểm ưu tiên.
Cách 3: Xét học bạ theo điểm trung bình năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12.
Cách 4: Xét học bạ theo điểm trung bình năm học lớp 12.
Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 để xét tuyển.
Phương thức 3: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học CMC.
Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ) và chứng chỉ quốc tế.
Cách 1: Điểm xét tuyển là kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế (thay môn ngoại ngữ) với điểm trung bình học bạ cả năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, không cộng điểm ưu tiên.
Cách 2: Điểm xét tuyển là kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế với điểm trung bình học bạ cả năm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, không cộng điểm ưu tiên.
Phương thức 5: Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế.
Để chuẩn bị cho việc đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông với định hướng thiết kế vi mạch (IC Design), Trường Đại học CMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn công nghệ Synopsys. Theo đó, Synopsys sẽ cung cấp chương trình đào tạo theo chuẩn toàn cầu và đào tạo giảng viên theo công cụ và quy trình thiết kế của Synopsys. Ngoài ra, nhà trường còn đầu tư phòng thí nghiệm với trang thiết bị do Synopsys, Cadence/NIC cung cấp bản quyền phục vụ đào tạo thiết kế vi mạch nói riêng và các ngành công nghệ nói chung.
Quỹ Học bổng “CMC - Vì bạn xứng đáng” trị giá 96 tỷ đồng
Trong năm 2024, Trường Đại học CMC dành hơn 400 suất học bổng “CMC – Vì bạn xứng đáng” trị giá 96 tỷ đồng cho những thí sinh có thành tích học tập xuất sắc. Trong đó, 50 suất học bổng toàn phần có trị giá 100% học phí toàn khóa; 100 và 250 suất lần lượt hỗ trợ 70% và 50% học phí toàn khóa.
Ngoài ra, Trường Đại học CMC cũng cam kết đảm bảo việc làm tại Tập đoàn Công nghệ CMC, Samsung, các đối tác trong nước và toàn cầu cho 100% sinh viên theo học các ngành Công nghệ, Kỹ thuật hệ song ngữ sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cam kết 100% sinh viên được thực tập trong các doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VNR500) và các đối tác quốc tế lớn của Tập đoàn Công nghệ CMC với triết lý “True internship – Good job” – giao việc thật, đánh giá thật, huấn luyện thật.