Năm 2025, HV Ngoại giao dự kiến tăng 4 tổ hợp, đổi mới 1 phương thức tuyển sinh

28/03/2025 11:48
An Vy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2025, Học viện Ngoại giao dự kiến tuyển tổng 2.200 chỉ tiêu cho 8 ngành/chuyên ngành đào tạo, đổi mới 1 phương thức tuyển sinh so với năm trước.

Học viện Ngoại giao thông báo dự kiến phương thức tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2025.

Đối tượng tuyển sinh là tất cả thí sinh tính tới thời điểm xác định trúng tuyển đã tốt nghiệp trung học phổ thông, đáp ứng các điều kiện trong Đề án tuyển sinh 2025 của Học viện.

hvng.jpg
Học viện Ngoại giao tọa lạc tại số 69, phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: An Vy)

Năm nay, Học viện Ngoại giao áp dụng 4 phương thức tuyển sinh sau:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế.

Đây là lần đầu tiên Học viện Ngoại giao xét tuyển theo phương thức này, thay cho phương thức xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn năm 2024. Đối tượng xét tuyển phải đáp ứng các điều kiện sau: Có điểm trung bình cộng kết quả học tập của 6 học kỳ lớp 10, 11, 12 đạt từ 8,0 trở lên; Có một trong các chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế còn giá trị sử dụng tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển.

Với tiếng Anh, thí sinh cần có chứng chỉ IELTS Academic 6.0, hoặc TOEFL iBT 60, PTE-A 46 điểm, chứng chỉ Cambridge English Qualifications 169 điểm trở lên. Ngoài ra trường còn xét bằng tiếng Pháp (DELF-B1 hoặc TCF tout public B1), tiếng Trung (tối thiểu 260 điểm HSK4), tiếng Hàn (TOPIK 3) và tiếng Nhật (N3 trở lên).

Nếu sử dụng điểm SAT/ACT, điểm cần đạt tối thiểu lần lượt là 1200/1600 và 23/36. Học viện Ngoại giao không chấp nhận các chứng chỉ theo hình thức "home edition" (thi tại nhà).

Điểm xét tuyển được tính theo công thức sau: Điểm xét tuyển = A+B+C+D

Trong đó, A là điểm quy đổi chứng chỉ/bài thi chuẩn hóa quốc tế. B là tổng điểm hai môn thi khác ngoài môn Ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển. C là điểm khuyến khích đối với thí sinh đạt giải học sinh giỏi (tối đa 0,8). D là điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế.

Thí sinh cần có điểm trung bình của 6 học kỳ lớp 10, 11, 12 từ 8 trở lên. Yêu cầu với chứng chỉ/bài thi chuẩn hóa quốc tế và công thức tính điểm xét tuyển tương tự như phương thức 2.

bang quy doi hvng 1.png
bang quy doi hvng 2.png
Bảng quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế theo thang điểm 10 của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Website nhà trường)

Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Đối với phương thức xét tuyển này, Học viện Ngoại giao không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ, không sử dụng kết quả điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia các năm trước để xét tuyển trong năm 2025; không cộng điểm ưu tiên thí sinh có chứng chỉ nghề.

Năm nay, Học viện Ngoại giao có tổng 12 tổ hợp xét tuyển, tăng thêm 4 tổ hợp xét tuyển so với năm 2024. Các tổ hợp xét tuyển gồm: A00, A01, C00, D01, D03, D04, D06, D07, D09, D10, D14, D15.

chi tieu hvng.png
Các tổ hợp xét tuyển năm 2025 của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Website nhà trường)

Về nguyên tắc xét tuyển và chi tiết phương thức xét tuyển của Học viện Ngoại giao, phụ huynh và học sinh xem chi tiết TẠI ĐÂY.

An Vy