Nam Định: Cấp THCS thiếu giáo viên dạy các môn học mới

29/11/2023 06:29
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cho biết, hiện đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn vẫn còn bất cập về số lượng, cơ cấu.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định ngày 27/11 đã có báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 20/8/2021, Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 21/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh này về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính năm 2023.

Văn bản này nêu rõ, qua quá trình thực hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này đã đạt được một số kết quả trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức tham gia đào tạo nghề ngoài công lập.

Đồng thời, đã tăng cường được các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng giáo dục theo cơ chế thị trường gắn với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và đầu ra.

Cấp tiểu học ở Nam Định còn thiếu nhiều giáo viên. Ảnh minh họa: Namdinh.edu.vn

Cấp tiểu học ở Nam Định còn thiếu nhiều giáo viên. Ảnh minh họa: Namdinh.edu.vn

Bên cạnh đó, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng đã nêu lên một số kết quả nổi bật mà ngành giáo dục địa phương này đã đạt được.

Theo đó, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ổn định, phát triển. Sở này cũng đã chỉ đạo, tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học; rà soát sắp xếp, tinh giản, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đảm bảo gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Đổi mới và sáng tạo trong công tác bồi dưỡng đội ngũ tạo động lực cho giáo viên, cán bộ quản lý tích cực, chủ động, sáng tạo trong quản lý, dạy và học cũng như trong tự học, tự bồi dưỡng.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ, các cuộc giao lưu, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch và triển khai nội dung sinh hoạt chuyên môn; đẩy mạnh hoạt động của cụm trường. Thực hiện tốt việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.

Công tác khảo thí được thực hiện theo hướng đảm bảo khách quan, trung thực; kiểm định chất lượng giáo dục được quan tâm, số lượng trường được công nhận và cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục tiếp tục tăng. Giữ vững và phát huy thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, nhất là thực hiện việc rà soát các thủ tục hành chính và việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở theo quy định.

Các phong trào thi đua được phát động sâu rộng và toàn diện, qua đó góp phần xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tuy nhiên, Sở này cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bất cập về số lượng, cơ cấu.

Văn bản này chỉ rõ, hiện tại cấp tiểu học thiếu nhiều giáo viên, việc tuyển dụng gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển có trình độ đại học trở lên; cấp trung học cơ sở thiếu giáo viên dạy các môn học mới như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (do giáo viên dạy các môn này chưa được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức theo Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT, 2454/QĐBGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 của Bộ GDĐT); cấp Trung học phổ thông chưa có giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật.

Công tác quy hoạch đất cho trường học ở khu vực thành phố gặp nhiều khó khăn; một số trường có sĩ số học sinh/lớp cao do nằm trong khu vực tập trung đông dân cư. Một số trường khó khăn trong việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia do số lớp vượt quá quy định hoặc không đảm bảo yêu cầu về diện tích.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học ở nhiều nhà trường chưa đáp ứng quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông do ngân sách địa phương hạn hẹp, nguồn kinh phí xã hội hoá còn hạn chế.

Ngoài ra, hiện còn nhiều địa phương chưa thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính cho các trường mầm non công lập (thành phố Nam Định, huyện Mỹ Lộc, huyện Ý Yên, huyện Nam Trực, huyện Xuân Trường, huyện Giao Thuỷ). Trang thiết bị về công nghệ thông tin và hạ tầng mạng Internet chưa đảm bảo.

Trung Dũng