Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Hà - giáo viên Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội) cho hay, ngày khai giảng năm nay sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều bởi năm học trước, thầy và trò cả nước không có lễ khai giảng trực tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Năm học mới là lúc cả thầy và trò đều có nhiều kỳ vọng. Là một giáo viên, tôi mong các em học sinh có một năm học thú vị, học hỏi được nhiều điều mới, khám phá được điểm mạnh của bản thân để định hướng tương lai. Mong rằng các em sẽ là những học sinh hạnh phúc dưới mái trường hạnh phúc.
Tôi cũng hy vọng những người "đứng bục giảng" được tạo điều kiện tốt nhất để chuyên tâm giảng dạy, sáng tạo, phát triển bản thân. Có như vậy, giáo viên chúng tôi mới có thể cống hiến tốt nhất cho sự phát triển của nền giáo dục", cô Hà chia sẻ.
Cô Phạm Hà - giáo viên Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ (Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện giảng dạy sách giáo khoa mới với học sinh lớp 10, khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, nhưng cô Hà tin rằng thầy và trò các trường trung học phổ thông sẽ sớm bắt nhịp, phát huy sự chủ động, sáng tạo theo đúng mục tiêu chung của chương trình.
"Với học sinh cuối cấp, chúng tôi cũng cố gắng sáng tạo trong giảng dạy để phù hợp với tình hình thực tiễn học tập của các em - với những kỳ thi cuối cấp rất quan trọng", cô Hà nói.
Còn cô Trần Thị Thanh Thư - giáo viên Trường Mầm non Phong Dụ Thượng (tỉnh Yên Bái) tâm sự: "Bản thân là một cô giáo vùng cao, tôi rất thương học trò mỗi khi mùa đông đến. Tôi hy vọng năm học mới, các cấp lãnh đạo quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn để mùa đông, các em có thêm áo ấm đến trường.
Bên cạnh đó, tôi mong những vấn đề hạn chế về cơ sở vật chất sẽ sớm được cải thiện để giáo viên thuận tiện trong quá trình dạy học, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn".
Cũng tại nhiều trường tiểu học vùng cao, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã cơ bản hoàn tất. Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhưng thầy trò nơi đây luôn cố gắng khắc phục để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học.
Thầy Trịnh Quốc Đoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Cư (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) cho biết: "Trường Tiểu học Yên Cư là một trong số những trường còn rất khó khăn. Trường xây dựng được hơn 20 năm nên hiện tại, nhiều hạng mục đã xuống cấp.
Hàng năm, nhà trường thường trích một phần kinh phí để sửa sang phòng học nhưng thực tế, nhiều phòng đã cũ, quá thời hạn sử dụng.
Mặt khác, số lượng học sinh ngày một tăng, khoảng 30 học sinh/lớp. Thế nhưng, phòng học lại được thiết kế theo mẫu cũ với diện tích nhỏ, chỉ đủ 15-20 học sinh/lớp nên không gian khá chật chội.
Chính vì vậy, năm học mới, nhà trường rất mong các cấp tiếp tục quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất để học sinh được học trong phòng học rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị".
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Yên Cư có 18 lớp học, được Ủy ban nhân dân huyện giao 33 biên chế, nhưng đến thời điểm hiện tại trường chỉ có 27 giáo viên, đặc biệt thiếu giáo viên dạy Tin học.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một số trường tiểu học vùng cao phải duy trì mô hình lớp học ghép. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
"Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi rất mong trường sẽ có đủ giáo viên cốt cán, giàu kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong phụ huynh học sinh hiểu và thông cảm cho những khó khăn của nhà trường, cùng phối hợp với thầy cô giáo để kèm cặp, sát sao việc học của các em”, vị Hiệu trưởng này bày tỏ.
Là người có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thầy Đoàn cũng rất trăn trở khi lương, chế độ chính sách của giáo viên vẫn còn bất cập, thậm chí chưa thể đáp ứng để các thầy cô yên tâm công tác.
Vì vậy, để các thầy cô gắn bó hết mình, toàn tâm toàn ý với nghề, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Cư hy vọng nhà nước sẽ có sự quan tâm đúng mực đến chế độ tiền lương, phụ cấp, làm sao đảm bảo giáo viên có thể sống được bằng chính đồng lương của mình.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Bước vào năm học mới, năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng hiện nay, các địa phương cũng gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất. Tỉnh Đắk Lắk không nằm ngoài bối cảnh đó.
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk. (Ảnh: Báo Đắk Lắk) |
Tuy nhiên, với tinh thần, khí thế mới, ngành giáo dục Đắk Lắk quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để triển khai năm học mới thành công, hoàn thành tốt nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, ổn định, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tôi mong rằng học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo sẽ bước vào năm học mới với niềm tin mới, thắng lợi mới. Rất mong trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, ban hành nhiều chính sách thiết thực giúp cho toàn ngành triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018".