Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt ngày 16/8, năm nay học sinh Vĩnh Phúc sẽ tựu trường vào ngày 29/8, riêng đối với lớp 1 sẽ tựu trường trước 2 tuần là ngày 22/8, khai giảng năm học mới vào ngày 5/9.
Hiệu trưởng các trường ký cam kết không lạm thu
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Minh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết:
“Tính đến hiện tại, huyện Yên Lạc đã chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện trường, lớp. Công tác tổng vệ sinh được triển khai; đội ngũ giáo viên mặc dù còn thiếu tuy nhiên ngành giáo dục địa phương đang có sắp xếp, khắc phục để cơ bản ổn định cho các nhà trường triển khai việc dạy và học một cách tốt nhất”.
Chiều ngày 29/8, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc cũng đã có buổi đi kiểm tra tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn về công tác chuẩn bị năm học mới để tiến hành đôn đốc kịp thời trước thềm năm học mới đang đến gần.
Thầy, cô giáo Trường Tiểu học Kim Ngọc, tỉnh Vĩnh Phúc dọn dẹp vệ sinh trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023. Ảnh: Website nhà trường |
“Sáng ngày 29/8, lãnh đạo huyện cũng đã buổi làm việc với ngành giáo dục để lắng nghe những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuẩn bị năm học mới. Hiện tại, một số cơ sở vẫn đang được gấp rút sửa chữa cơ sở vật chất. Vì vậy, lãnh đạo huyện tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các trường nhanh chóng hoàn thiện nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho dạy học.
Năm nay, học sinh lớp 3 bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Tuấn khẳng định: năm học mới đảm bảo 100% trường học trên địa bàn đều có đủ phòng máy cho học sinh học tập. Về vấn đề sách giáo khoa mới, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc cho biết, học sinh lớp 3 và lớp 7 đã đăng ký mua sách đầy đủ và đang chờ các đơn vị phát hành sách chuyển về cho các cơ sở giáo dục.
“Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo cho học sinh có đầy đủ sách giáo khoa trước ngày khai giảng”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, hiện nay, ngành giáo dục huyện Yên Lạc còn thiếu khoảng 101 biên chế. Để đảm bảo cho việc dạy và học được diễn ra ổn định, ông Tuấn cho biết sẽ tiến hành hợp đồng giáo viên.
“Sắp tới tháng 9 sẽ có thi tuyển biên chế, sau thi tuyển, với đội ngũ còn thiếu chúng tôi sẽ tiến hành hợp đồng giáo viên để đảm bảo việc dạy và học được diễn ra thuận lợi nhất”.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc cho biết thêm, năm học mới vấn đề lạm thu cũng được ngành giáo dục chú trọng quán triệt ngăn chặn. “Sắp tới chúng tôi sẽ cho hiệu trưởng các trường kí cam kết, người vi phạm sẽ phải tự chịu trách nhiệm”.
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, tích cực; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số…
Trường Trung học phổ thông Yên Lạc 2, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Fanpage nhà trường |
Trong không khí chuẩn bị năm học mới tất bật, học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Lạc 2 (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tựu trường vào ngày 29/8. Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngày tựu trường, các em học sinh ai cũng vui vẻ phấn khởi vì dịch dã mấy năm trời, nay mới được tập trung để chuẩn bị đón khai giảng trực tiếp”.
Thầy Tuấn cho biết, nhà trường đã cho học sinh lao động tổng vệ sinh trường lớp sạch sẽ, khang trang để đón chào năm học mới.
“Năm nay, khối lớp 10 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã dựa trên hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho học sinh tự chọn các môn học lựa chọn. Môn Âm nhạc và Mỹ thuật do thiếu giáo viên nên trường không thể giảng dạy trong năm học này, thay vào đó sẽ cho các em hoạt động các câu lạc bộ để phát triển thêm”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Lạc 2 cho biết thêm.
Thiếu giáo viên, thầy, cô mỗi người “gánh cho nhau một chút”
Chia sẻ với phóng viên về công tác chuẩn bị năm học mới, thầy Đỗ Minh Giáp - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, hiện nay mọi công tác chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện.
“Hiện nay nhà trường đang gấp rút chuẩn bị, ngày 31/8, học sinh tựu trường để nghe phổ biến nội quy chuẩn bị cho khai giảng, tập văn nghệ, đội ngũ đội hình, tiến hành tổng vệ sinh,...”
Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong có 28 lớp, mỗi khối 7 lớp với 43 giáo viên. Theo thầy Giáp, hiện tại nhà trường vẫn đang thiếu 9 biên chế, trong đó bao gồm giáo viên môn Lịch sử, Thể dục, Toán, Mỹ thuật, Âm nhạc,...
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc, tỉnh Vĩnh Phúc trong ngày đầu tiên tựu trường. Ảnh: Website nhà trường |
Cũng gặp tình trạng thiếu giáo viên, cô Trần Thị Hải Anh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết:
“Trước thềm năm học mới, trường được các cấp lãnh đạo quan tâm sát sao, Ủy ban nhân dân địa phương cũng cử người giám sát, tham gia các công việc sửa chữa cơ sở vật chất của trường.
Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu giáo viên. Ở một số môn, sự phân công giáo viên bộ môn vẫn đang nằm trên giấy, chúng tôi đang chờ các đơn vị chức năng điều chuyển, bổ sung đội ngũ và thường thì đến 3/9, trường mới sắp xếp đủ giáo viên thực tế”.
Thiếu giáo viên trước ngày khai giảng cũng là thực tế chung của nhiều đơn vị trường học khác. Một vị hiệu trưởng trường trung học phổ thông chia sẻ: “Giáo viên thiếu thì vẫn thiếu, tuy nhiên thầy cô giáo mỗi người gánh đỡ nhau một chút, đảm bảo việc dạy và học tốt nhất cho các em học sinh”.
Giải quyết vấn đề đội ngũ giáo viên, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường bảo đảm cân đối về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; ưu tiên bố trí đủ giáo viên lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 (tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở mỗi cấp học trong một địa phương);
Các cơ sở giáo dục phân công nhiệm vụ cán bộ quản lý, giáo viên bảo đảm mặt bằng lao động; nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng dạy học của đơn vị;
Ngoài ra, đối với các trường thiếu giáo viên, tổ chức xây dựng phương án dạy tăng giờ (bảo đảm phù hợp), hợp đồng thêm giáo viên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.