NCKH ngành Công nghệ Kỹ thuật điện còn khó ở khâu thẩm định giá, đấu thầu

14/09/2023 06:30
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cơ quan quản lý về khoa học công nghệ cần giảm bớt các thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế phát huy hiệu quả phối hợp 3 bên: nhà khoa học-doanh nghiệp-nhà quản lý.

Lĩnh vực về điện được nhận định là ngành không bao giờ “lỗi mốt”. Chương trình đào tạo các ngành học này của một số trường đại học được cập nhật, đổi mới theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngành học về điện, điện tử vẫn còn những khó khăn nhất định.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Trọng Chưởng – Phó Trưởng khoa Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có những chia sẻ về chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa họcchuyển giao công nghệ ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử.

Thầy Chưởng cho biết, ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử có 2 chương trình đào tạo gồm: Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử và Năng lượng tái tạo. Trong đó, chương trình Năng lượng tái tạo gồm 40 chỉ tiêu được bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2023-2023.

"Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Kỹ thuật điện - điện tử, hệ thống cung cấp và sử dụng điện năng. Sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng thiết kế, xây dựng, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện, điện tử, khí cụ điện, hệ thống truyền động điện; hệ thống phân phối và cung cấp điện; hệ thống chiếu sáng; hệ thống điện gió, điện mặt trời,... theo định hướng ứng dụng, tiếp cận với các thành tựu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực điện, điện tử,…

Trong những năm qua, ngành tuyển sinh ổn định, với số lượng chỉ tiêu trung bình 420-480 sinh viên/khoá. Điểm trúng tuyển của ngành dao động từ 21-24 điểm. Theo số liệu năm 2022, tỷ lệ sinh viên ngành tốt nghiệp có việc làm đúng ngành sau 1 năm là 96,75%”, thầy Chưởng chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường).

Cho biết điểm mới trong chương trình đào tạo, theo thầy Chưởng, chương trình được cải tiến hướng đến nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường kỹ năng nghề nghiệp tốt, đáp ứng nhanh yêu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, chương trình được thiết kế với tỷ lệ số giờ học thực hành/thí nghiệm cao hơn các trường đại học khác cùng đào tạo ngành này, bởi được đầu tư tốt về cơ sở vật chất từ nguồn tự có và nguồn xã hội hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử của Khoa cũng có những khó khăn nhất định. Do đó, thầy Chưởng cho rằng nếu có thêm sự chung tay nhiều hơn nữa từ các doanh nghiệp để cùng đầu tư cơ sở vật chất, tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo sẽ có điều kiện đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế của thị trường lao động.

Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Nga Việt – Giám đốc Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: ngành Kỹ thuật Điện là lĩnh vực truyền thống nhưng không lỗi thời vì nhu cầu xã hội ngày càng cao.

Hiện nay, ngành Kỹ thuật Điện của Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung các lĩnh vực liên quan đến điện, điện tử và điện từ, với nhiều chuyên ngành nhỏ như năng lượng, điện tử học, hệ thống điều khiển, xử lý tín hiệu....

“Ngành Kỹ thuật Điện của trường có định hướng thiên về nghiên cứu. Thuận lợi là sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học, cùng giảng viên viết báo khoa học từ những năm đầu (mỗi khóa khoảng 10% sinh viên tham gia). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm có việc làm đúng ngành là 95%”, thầy Việt nói.

Năm 2023, điểm trúng tuyển ngành Kỹ thuật Điện theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 25,55 điểm (tổ hợp A00 và A01).

Khoảng 5 năm gần đây, sinh viên ngành Kỹ thuật Điện có 3 đợt thực tập chính gồm: thực tập nhập môn, thực tập kỹ thuật và thực tập tốt nghiệp.

“Sau khi học hỏi các nước tiên tiến, ngành có thêm thực tập nhập môn để sinh viên được tiếp cận chuyên ngành sớm, giúp định hướng trong lựa chọn ngành nghề, môn học, tín chỉ cần thiết.

Sinh viên tham gia thực tập nhập môn có thể đăng ký từ học kỳ II của năm nhất, hoặc đầu năm hai. Khi tham gia, sinh viên được hướng dẫn, làm quen với các phòng thí nghiệm, thực hiện các dự án nhỏ, vừa sức”, thầy Việt nói.

Chia sẻ về mức lương, thầy Việt cho rằng hầu hết sinh viên ngành này ra trường đi làm có thu nhập 10 triệu đồng/tháng (không cao cũng không thấp so với nhiều lĩnh vực). Sau vài năm, sinh viên kỹ năng giỏi sẽ có sự chuyển biến về thu nhập rất tốt.

Thầy Việt cũng dự đoán những năm tới thị trường sẽ cần nhiều nhân lực ngành điện lực, nhất là khi tình trạng thiếu điện, năng lượng tái tạo yêu cầu nguồn nhân lực điện cao.

Một số kiến nghị gỡ khó trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Bàn về hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngành Kỹ thuật Điện, theo thầy Việt, rất khó để phân loại đề tài nào dễ chuyển giao, đề tài nào khó chuyển giao. Thực tế có đề tài mang tính đặc thù, trên thị trường không phổ biến nhưng lại rất dễ chuyển giao vì đối tác cần, nhất là những sáng tạo ra công nghệ mới.

Thầy Việt cho biết, việc chuyển giao công nghệ với các khối doanh nghiệp tư nhân thủ tục khá đơn giản. Còn dự án liên quan đến đầu tư từ ngân sách nhà nước các thủ tục tương đối phức tạp. Ví dụ về vấn đề giải ngân: việc giải ngân chậm khiến khả năng thực hiện đề tài hạn chế, khó tối ưu hoá các chi phí.

Còn theo thầy Chưởng, hàng năm, các giảng viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử có số lượng bài báo khoa học trung bình 3,0 - 4,0 bài báo/giảng viên/năm.

Tính trong 10 năm qua, các giảng viên tham gia giảng dạy Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử của Khoa đã thực hiện hơn 50 đề tài khoa học công nghệ các cấp, trong đó có 3 đề tài cấp nhà nước, hơn 40 đề tài cấp Bộ/ngang Bộ và đề tài cấp cơ sở; có 15 giáo trình đã được xuất bản; 01 giải pháp hữu ích. Hàng năm, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử có 40-50 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu.

Thầy Chưởng chỉ ra những khó khăn trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử:

Thứ nhất, hiện nay khi thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ như: công tác đấu thầu cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học còn vướng mắc trong các khâu thẩm định giá, thực hiện đấu thầu ở một số đề tài/dự án đặc thù.

Thứ hai, công tác thanh quyết toán các nhiệm vụ còn khá phức tạp. Điều này khiến cho chủ nhiệm và thành viên tham gia các nhiệm vụ khoa học phải làm rất nhiều công việc không liên quan đến chuyên môn khi thực hiện đề tài, phần nào ảnh hưởng chất lượng nghiên cứu.

Thứ ba, mặc dù hiện nay có nhiều tạp chí/hội nghị khoa học để công bố bài báo khoa học, nhưng kinh phí tham dự hội nghị cho các tác giả còn nhiều hạn hẹp.

Thứ tư, hiện công tác phối hợp 3 bên: nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà quản lý còn gặp khó khăn do các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm nhiều đến nghiên cứu ứng dụng, công tác đặt hàng nghiên cứu trực tiếp từ các doanh nghiệp chưa nhiều và chưa hiệu quả.

“Để công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được thuận lợi, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý về khoa học công nghệ cần giảm bớt các thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế phát huy hiệu quả sự phối hợp 3 bên (nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà quản lý), đẩy mạnh vai trò đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống của các cơ quan quản lý, chứ không nên đặt hết các công việc (từ nghiên cứu đến chuyển giao công nghệ) cho nhà nghiên cứu.

Ngoài ra, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế tài chính cho các đề tài/dự án.

Về phía các cơ sở đào tạo, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đầu tư cho nghiên cứu khoa học, coi đây là công tác trọng tâm để nâng cao chất lượng giảng dạy”.

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Trọng Chưởng_

Cũng theo thầy Chưởng, hiện nay Khoa Điện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang đào tạo 2 chương trình bậc sau đại học (Thạc sĩ Kỹ thuật Điện và Tiến sĩ Kỹ thuật Điện) và 5 chương trình đào tạo bậc đại học (Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử, Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ Nhiệt lạnh).

Ngọc Mai