Thực hiện NĐ 116: Nhiều trường vẫn đang chờ cơ quan chức năng liên quan trả lời

17/11/2022 06:34
AN NGUYÊN - NGUYÊN PHONG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do mới triển khai Nghị định 116 nên nhiều trường đại học đào tạo ngành Sư phạm gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí sinh hoạt, hỗ trợ cho sinh viên.

Sinh viên mừng vì được nhận hỗ trợ

Theo quyết định số 933 ngày 12/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc “phê duyệt danh sách sinh viên sư phạm tại Trường Đại học Quảng Bình được hưởng chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ” thì có 152 sinh viên sư phạm thuộc chỉ tiêu giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; 72 sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Nhiều sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh năm 2021 đang ngóng chờ tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116 của Chính phủ. Ảnh: AN

Nhiều sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh năm 2021 đang ngóng chờ tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116 của Chính phủ. Ảnh: AN

Những sinh viên này được tuyển sinh năm 2021 thuộc khóa K63 của Trường Đại học Quảng Bình. Sau hơn một năm học tập, rèn luyện, ngày 26/9, Trường Đại học Quảng Bình mới tiến hành chi trả tiền sinh hoạt phí cho 209 sinh viên sư phạm khóa K63 theo Nghị định 116.

Theo đó, mức hỗ trợ là 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên cho năm học 2021-2022.

Theo lãnh đạo nhà trường, để thực hiện được việc chi trả như vừa qua thì trường cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan, tháo gỡ các khó khăn nhằm sớm hoàn thiện thủ tục chi trả cho sinh viên sư phạm. Hiện còn 15 suất hỗ trợ theo Nghị định này chưa được trao cho sinh viên khóa K63 vì một số em đã thôi học.

“Thời gian tới, nhà trường sẽ hoàn thiện các thủ tục để khóa tuyển sinh tiếp theo sớm nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Ngoài ra thì chúng tôi cũng sẽ có đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chi trả hỗ trợ theo từng tháng hoặc từng quý cho sinh viên thì sẽ phù hợp hơn”, vị lãnh đạo này cho hay.

Sinh viên N.T.H.L. (ngành Giáo dục tiểu học, khoa Sư phạm) cho biết, bản thân em và các bạn cùng khóa rất vui mừng khi nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Đây là số tiền lớn đối với gia đình em, giúp em có thể trang trải các chi phí học tập, sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này mà em có thể tiếp tục khát khao trở thành giáo viên của mình”, L. vui vẻ nói.

Nhiều nơi vẫn phải… chờ

Trong khi sinh viên sư phạm ở Trường Đại học Quảng Bình đã nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 thì một số trường đại học khác ở miền Trung có đào tạo ngành sư phạm vẫn đang loay hoay tìm cách xoay sở.

Những trường này đều đã có văn bản gửi xin ý kiến của Ủy ban nhân dân các tỉnh cũng như các sở ngành liên quan để sớm có nguồn kinh phí chi trả cho sinh viên sư phạm nhưng… vẫn phải đợi.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) cho biết, hiện nhà trường không đào tạo ngành sư phạm theo chỉ tiêu đặt hàng mà đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Về học phí thì nhà trường đã có kế hoạch từ trước nên các em khi tuyển vào đều không phải đóng theo như Nghị định 116 quy định. Còn vấn đề thứ hai là tiền sinh hoạt phí thì hiện trường đã có văn bản gửi Sở Tài chính để xây dựng phương án chi trả cho các em.

Vừa rồi, trường đã gửi phương án và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã thống nhất. Do đó, khi nguồn tiền về thì nhà trường sẽ chuyển đến các em trong thời gian sớm nhất”, thầy Hoàng nói.

Việc chậm chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, thầy Hoàng cho rằng, do năm học 2020-2021 mới bắt đầu triển khai thực hiện nên không kịp đưa vào dự toán.

Đến khi thực hiện thì cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nữa trong việc cơ cấu lại nguồn kinh phí. Do đó, nhà trường phải xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh rồi các sở, ngành nữa thì mới có kế hoạch chi trả được, dẫn đến việc thực hiện có chậm trễ.

Đánh giá về những khó khăn và thuận lợi của việc thực hiện Nghị định 116, thầy Hoàng nói: “Ưu điểm lớn nhất của Nghị định 116 là tạo được một cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, giúp các em có nguồn kinh phí để trang trải việc học tập, sinh hoạt.

Việc được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí là quá tốt cho các em. Nhưng bên cạnh đó, những quy định của Nghị định 116 còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên việc chi trả sinh hoạt phí cho các em còn gặp khó khăn ở hầu hết các địa phương.

Các trường đã phải xin ý kiến của các sở, ngành ở tỉnh, rồi cấp Bộ, sau đó mới thống nhất được phương án chi trả. Về các chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm thì cũng có điểm vướng là phải có ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh rồi Bộ mới cấp chỉ tiêu”.

Liên quan đến việc thu hồi tiền hỗ trợ của sinh viên sư phạm sau khi ra trường nếu không công tác trong ngành giáo dục thì thầy Hoàng cho hay:

“Về vấn đề này nhà trường đã rất nhiều lần phổ biến cho các em sinh viên sư phạm hiểu rõ những quy định ràng buộc trong Nghị định 116.

Tuy nhiên, quy định việc thu hồi, hoàn trả kinh phí thì trách nhiệm thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh. Hiện giờ chưa đến thời điểm nhà trường xử lý vấn đề đó nên cũng chưa ghi nhận thực tế là có khó khăn gì”.

Trong khi đó, tại Trường Đại học Quảng Nam, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường vẫn chưa thể chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 của Chính phủ.

“Địa phương không đặt hàng mà nhà trường đào tạo theo nhu cầu xã hội nên để thanh toán chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành sư phạm thì trường đang xin ý kiến của Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh. Hiện trường vẫn đang chờ các cơ quan chức năng liên quan trả lời”, thầy Dương nói.

AN NGUYÊN - NGUYÊN PHONG