Nên có quỹ tín dụng lãi suất thấp hoặc 0% cho NCS vay nhưng phải có cam kết

22/07/2023 06:43
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trước khi muốn vay, giảng viên có nhu cầu học lên tiến sĩ phải có một cam kết bảo đảm đối với Nhà nước, tránh để xảy ra các trường hợp trục lợi từ quỹ này.

Tăng tỉ lệ đào tạo tiến sĩ để tránh tình trạng “cơm chấm cơm”

Thiếu giảng viên trình độ cao hiện vẫn đang là thách thức lớn ở nhiều trường đại học công lập, một phần do đội ngũ đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị khối ngoài công lập thu hút, một phần do có một số giảng viên “bằng lòng” trình độ thạc sĩ thay vì học lên tiến sĩ.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với giảng viên khi quyết định học lên tiến sĩ chính là chi phí đào tạo. Mặc dù mỗi giảng viên có thể dựa vào học bổng để trở thành nghiên cứu sinh, song, tính chủ động trong lựa chọn định hướng, đề tài nghiên cứu sẽ phần nào bị hạn chế. Chưa kể, để có thể xin được học bổng người học cũng phải đáp ứng một số yêu cầu có thể đang là trở ngại của chính mình.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội nhìn nhận: “Hiện nay, không ít trường đại học công lập đang đứng trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt ở các khối ngành đào tạo chưa thực sự hấp dẫn và thu hút được người học lên tiến sĩ, phần nào cũng do chưa có nhiều chính sách hấp dẫn.

Như chúng ta thấy, lương giảng viên tại các trường đại học công lập hiện nay chưa cao, nhưng không thể vì những khó khăn như vậy mà không yêu cầu chuyên môn đào tạo cao.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: M.T.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: M.T.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo thì một trong những điều kiện quan trọng trước tiên là phải có người thầy giỏi. Chính vì vậy, phải nâng chất lượng giảng viên lên, thì mới có cơ sở để đào tạo nhân lực chất lượng cao sau này.

Trước đây, từng có tình trạng cử nhân đào tạo cử nhân, thạc sĩ đào tạo thạc sĩ, mà như cách nói dân gian là đào tạo theo kiểu “cơm chấm cơm”. Sau này, mới yêu cầu trình độ thạc sĩ đối với giảng viên đào tạo đại học, nhưng theo tôi, mới chỉ “trên cơm một tí”, vẫn chưa đủ. Thạc sĩ bây giờ chúng ta đào tạo cũng nhiều, nhưng tôi cho rằng, trường đại học cần nhiều hơn nữa học vị tiến sĩ, có nhiều tích lũy tri thức, kinh nghiệm hơn”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng chỉ ra: “Có một thực tế, không phải giảng viên nào cũng có điều kiện để đi học, mà càng học lên cao thì chi phí phải bỏ ra sẽ càng lớn. Không thể đặt vấn đề nơi đào tạo phải miễn, giảm chi phí, mà người học phải đóng phí, nhưng cũng không thể để bản thân thầy cô phải “ăn đong”, trong khi có rất nhiều điều phải lo toan, tính toán.

Chính vì lẽ đó, tôi cho rằng, phải có chính sách hỗ trợ đối với nghiên cứu sinh là cần thiết. Đề xuất về một quỹ tín dụng lãi suất thấp hoặc 0% để nghiên cứu sinh yên tâm học tập, nghiên cứu, tôi cho là có tính hợp lý”.

“Tất cả các hình thức khuyến khích giảng viên học nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, cả về vật chất lẫn tinh thần để yên tâm học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, tri thức, nhằm nâng cao chất lượng người thầy... là chính sách đúng đắn.

Cá nhân tôi ủng hộ mọi đề xuất liên quan đến chính sách hỗ trợ, tạo những điều kiện tốt nhất cho người học, mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng là nâng cao chất lượng đào tạo thế hệ tiếp nối.

Tuy nhiên, việc học này phải là thực chất, đi học để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chứ không phải đi học để làm đẹp hồ sơ, sinh ra “bằng rởm”, “bằng giả”... và rất nhiều hệ lụy nguy hại” - ông Chức nhấn mạnh.

Cần có chế tài nếu học xong, không chịu cống hiến cho Nhà nước

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng cho rằng: “Trước hết, Đảng ta đã xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Thứ hai, có một nguyên lý mới mà gần đây chúng ta đã đề cập, đó là đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Xuất phát từ hai nguyên tắc này, đầu tư cho giáo dục đào tạo, đặc biệt là đối với những người học theo đuổi trình độ cao (đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ) là rất cần thiết. Bởi đó là những người sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Vì thế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đối tượng người học sau này trở thành lực lượng nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Tuy nhiên, theo tôi, tỉ lệ đầu tư cho giáo dục đào tạo như lâu nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, và nhất là đối tượng đào tạo tiến sĩ, cần phải chi cao hơn. Bởi khi chúng ta tính, vẫn chưa tính đúng, tính đủ, có rất nhiều khoản phải chi, từ giáo trình, phương tiện học tập, đến điều kiện sinh hoạt, học tập,... khiến nghiên cứu sinh rất dễ hoang mang.

Vì thế, tăng đầu tư cho đào tạo tiến sĩ là rất cần thiết. Nếu có quỹ tín dụng lãi suất thấp hoặc 0% sẽ giúp nghiên cứu sinh yên tâm hơn trong thời gian học tập, nghiên cứu, đồng thời, cũng tạo cơ hội để mỗi nghiên cứu sinh chủ động hơn trong định hướng, lựa chọn và khai thác đề tài, đề án, dự án...

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: N.Q.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: N.Q.

Tôi rất ủng hộ và mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo với Chính phủ, Quốc hội để có những quyết sách kịp thời, nếu cần, Chính phủ trình Quốc hội để có một nghị quyết riêng về vấn đề này, để tổ chức triển khai thực hiện”.

“Bên cạnh đó, cũng cần phải quy định rõ chế tài ràng buộc đối với mỗi nghiên cứu sinh làm tiến sĩ. Bởi, cũng có một số giảng viên vì những lý do khác nhau, sau khi được Nhà nước đầu tư một cách cơ bản và hoàn thành chương trình học, tốt nghiệp tiến sĩ, lại không tiếp tục gắn bó, không tiếp tục phục vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, mà rời khỏi khu vực Nhà nước để xin vào doanh nghiệp, thậm chí tự mở công ty, đi theo hướng kinh doanh vì có lợi nhuận cao hơn.

Nếu để tình trạng đó xảy ra, toàn bộ số tiền đầu tư của Nhà nước trở thành “bằng 0”, vô cùng lãng phí.

Chính vì vậy, cần có chế tài ràng buộc cụ thể, quy định rõ thời gian phải cống hiến cho cơ sở giáo dục đại học đã đầu tư chi phí, thể hiện rõ trách nhiệm của người học. Nếu không thực hiện, không chỉ phải trả lại chi phí đào tạo mà có thể còn phải tính đến đền bù thêm.

Giống như việc ngân hàng cho vay vốn, trước khi muốn vay, giảng viên cũng phải có một cam kết bảo đảm đối với Nhà nước, tránh để xảy ra các trường hợp trục lợi từ quỹ này” - ông Lê Như Tiến phân tích.

Mộc Trà