Cần có quỹ tín dụng cho nghiên cứu sinh làm tiến sĩ
Việc tăng tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ hiện vẫn đang là bài toán nan giải ở nhiều trường đại học, do có nhiều giảng viên nghỉ hưu, xin nghỉ việc, mà đội ngũ kế cận lại chưa kịp đào tạo thành tiến sĩ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thời gian qua, giảng viên có học vị tiến sĩ xin nghỉ việc, nghỉ hưu và lớp trẻ không chịu học lên tiến sĩ... là hiện tượng đang diễn ra ở nhiều trường đại học.
Trong đó, xin nghỉ việc do nhu cầu cá nhân, gia đình hoặc thấy sự khó khăn của trường đại học trong tương lai khi hướng đến tự chủ, nhất là giảng viên các trường địa phương; nghỉ hưu (theo quy định); lớp trẻ không chịu học lên tiến sĩ do quan điểm thạc sĩ đã đủ chuẩn dạy đại học, học lên tiến sĩ không cải thiện mức sống, tốn kém...”.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu, nếu nhận định chung cho tất cả giáo dục đại học Việt Nam là thiếu cơ sở khoa học, thiếu chính xác. Đại biểu Thức chỉ ra: “Thực tế, số giảng viên có trình độ tiến sĩ và học hàm phó giáo sư, giáo sư tăng. Ví dụ, thời điểm năm 2018, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) chưa có hiệu lực, chỉ có 23 trường được thí điểm tự chủ, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong cả nước là 25%, đến năm 2022, số lượng trường tự chủ tăng hơn 140 trường, tỉ lệ này tăng lên 31%. Tỉ lệ giảng viên có chức danh phó giáo sư, giáo sư tăng đều trong giai đoạn từ 2018 đến nay, trung bình mỗi năm giáo sư tăng thêm 0,5%, phó giáo sư từ 5-6%”.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC. |
Đại biểu Trần Văn Thức phân tích thêm: “Chính xác là, tài chính là một trong các vấn đề khó khăn khi học tiến sĩ. Hiện nay, dựa trên mức trần học phí quy định cho đào tạo đại học, mức trần học phí cho đào tạo tiến sĩ nhân hệ số 2,5 tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.
Như vậy, học phí học nghiên cứu sinh cơ bản không chênh quá lớn giữa các trường công lập (do có quy định mức trần học phí), và so với nhiều nước phát triển trên thế giới, mức học phí học tiến sĩ tại Việt Nam là thấp.
Tuy nhiên, một số quốc gia ở châu Âu hiện nay có phúc lợi xã hội tốt nhất dành cho nghiên cứu sinh có thể kể đến là Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Áo, Hà Lan, Vương quốc Bỉ, Luxembourg. Ví dụ: Mức lương trung bình của một nghiên cứu sinh ở Na Uy một năm hiện này là 456,165 NOK (xấp xỉ 45,455 euros trước thuế).
Khác biệt nằm ở tổng kinh phí học tập, cao hay thấp phụ thuộc vào ngành nghiên cứu sinh đang học (một số ngành chi phí cao như Kinh tế; Kỹ thuật; Nghệ thuật....). Điểm chung, là ngoài học phí, nghiên cứu sinh phải thực hiện các hoạt động nghiên cứu, điền dã, thực nghiệm, thí nghiệm, các hội đồng đánh giá...
Hiện nay, vẫn có rất nhiều trường đại học để thu hút giảng viên có trình độ cao, khuyến khích giảng viên của trường học lên tiến sĩ, nhà trường đã xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ rất tốt; giảm giờ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện về thời gian... mọi điều kiện đủ để giảng viên yên tâm tham gia học nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, theo tôi, nên có quỹ tín dụng cho nghiên cứu sinh vay với lãi suất 0% hoặc rất thấp để đảm bảo người học yên tâm học.
Kèm theo đó phải có chế tài đi kèm (áp dụng cho giảng viên học trong nước và học nước ngoài) yêu cầu làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học trong nước tối thiểu 6-8 năm (gấp đôi thời gian học tập) từ ngày tốt nghiệp tiến sĩ”.
Đồng tình với quan điểm đó, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Đà Lạt) chia sẻ: “Tôi cho rằng, rất cần có một quỹ tín dụng để hỗ trợ nghiên cứu sinh làm tiến sĩ. Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Đối với sinh viên sư phạm, Chính phủ cũng đã có Nghị định số 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt; đối với sinh viên hệ chính quy, cũng có Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Những chính sách hỗ trợ trên đã phát huy rất tốt và mang lại những kết quả tích cực, giúp nhiều sinh viên có thể vượt khó để hoàn thành chương trình học.
Với hiệu quả từ chính sách như vậy, tôi cho rằng, có một quỹ tín dụng để hỗ trợ nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học”.
Nhiều giải pháp tạo “cú hích” tốt hơn để tăng tỉ lệ học tiến sĩ
Bên cạnh rào cản về kinh phí đào tạo, Đại biểu Trần Văn Thức cũng chỉ ra những thách thức mà nghiên cứu sinh làm tiến sĩ còn gặp phải trong bối cảnh hiện tại như: “Một mình theo đuổi hành trình của cá nhân, đi trên một con đường chưa ai đi; Thời gian học tập thường kéo dài hơn so với quy định do nghiên cứu sinh triển khai các hoạt động thực nghiệm, thí nghiệm, khảo sát thực tế...; Chuẩn hóa về ngoại ngữ và công bố khoa học quốc tế”.
Từ những phân tích trên, vị đại biểu cho rằng: “Để có thể hỗ trợ hiệu quả và tạo được động lực khuyến khích giảng viên các trường đại học học lên tiến sĩ cần:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong đội ngũ giảng viên các trường đại học về vai trò của việc học tập, nâng cao trình độ trong mỗi giảng viên.
Thứ hai, xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa hợp.
Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện tốt vấn đề quy hoạch đội ngũ để giảng viên thấy được vai trò, vị trí, trách nhiệm và sự quan tâm của cơ sở đào tạo đối với quá trình phấn đấu của mỗi giảng viên.
Thứ tư, các cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm hỗ trợ giảng viên học nghiên cứu sinh về thời gian, kinh phí...; có chính sách thu hút, đãi ngộ đối với giảng viên sau khi tốt nghiệp tiến sĩ hoặc có học hàm phó giáo sư, giáo sư.
Thứ năm, xây dựng quỹ tín dụng cho nghiên cứu sinh với lãi suất 0% hoặc rất thấp”.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề cập thêm một số giải pháp phát triển đội ngũ tiến sĩ trong các trường đại học: “Trước tiên, cần có quy hoạch về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để các trường tự xây dựng chỉ tiêu đào tạo của mình.
Thứ hai, khi cử giảng viên đi tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ, cũng phải phù hợp với chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học đó. Mỗi trường đại học cũng cần xác định ngành đào tạo mũi nhọn để tập trung đầu tư, tránh đào tạo tràn lan, dẫn đến khi đào tạo xong, ngành cần phát triển thì không có nhân lực chất lượng cao, ngành không cần phát triển thì lại tập trung đi học quá nhiều, dẫn đến thừa nhân lực...
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Đà Lạt). Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, khi giảng viên đi học ở nước ngoài theo diện tự xin học bổng, đa số sẽ tham gia vào cùng dự án của các giáo sư... Nhưng khi về nước, có thể, định hướng đó lại không có ở trường mình, cũng như không có trong các ngành tại các trường của Việt Nam. Như vậy sẽ rất lãng phí. Đó là lý do các trường đại học, khi cử giảng viên đi học nâng cao trình độ, cần phải căn cứ vào chiến lược phát triển của nhà trường, và chiến lược đó cũng phải phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia.
Một vấn đề nữa, chúng ta cần phải nâng cao khả năng dự báo xu thế ngành nghề trong tương lai. Các nước phát triển thường có dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu nhân lực của các ngành nghề khá chính xác. Vừa rồi, Quốc hội cũng rất “nóng” chuyện “cần 1 triệu lao động về công nghệ thông tin”, nhưng hiện tại, chưa thể đáp ứng. Đó là bởi khả năng và năng lực dự báo của chúng ta đang còn hạn chế, cần phải đầu tư và phát triển hơn.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tham mưu lộ trình chuẩn hóa giảng viên đại học, tiến tới giảng viên phải có trình độ tiến sĩ mới được giảng dạy. Tất nhiên, sẽ có ngoại trừ với một số chuyên ngành khó đào tạo tiến sĩ như Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử...
Khi đó, mới có thể vừa tạo động lực vừa có tính thúc đẩy để giảng viên chủ động đi học, nâng cao trình độ. So với 10 năm trước, tỉ lệ tiến sĩ trong trường đại học ở Việt Nam đã tăng, tuy nhiên, tỉ lệ này phải tăng hơn nữa. Và để làm được như vậy, cũng cần có các quy định cụ thể để tạo “cú hích” tốt hơn. Nếu không, sẽ có những giảng viên “bằng lòng” với trình độ thạc sĩ khi vẫn được đứng lớp. Một phần nữa, có thể với nhiều giảng viên, việc học lên tiến sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn, chịu chi phối do tài chính, do yếu tố gia đình, thời gian...
Cuối cùng, theo tôi, rào cản tài chính chỉ chiếm một phần đối với nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, mà quan trọng hơn chính là khả năng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu, và máy móc, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu hiện còn đang hạn chế. Nhiều khi, có những đề tài rất khó công bố quốc tế, vì chúng ta làm sau, làm lại đề tài, điều đó cũng không thể trách riêng bản thân giảng viên hay người hướng dẫn...
Vừa rồi, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng ta chi chưa được 2% cho khoa học công nghệ: từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ đã giảm dần và năm thấp nhất 0,82% trong khi quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách. Nếu tiếp tục chi chưa đến 2% cho lĩnh vực này, nếu tiếp tục không có đề tài, không có nghiên cứu, thì lấy đâu ra tiến sĩ chất lượng cao? Vậy, quan trọng là phải đầu tư cho nghiên cứu, và nghiên cứu này phải phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của quốc gia.
Mặt khác, các trường đại học cũng có thể tận dụng khai thác nguồn lực từ các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp cũng rất mong muốn tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao, có công nghệ cao, nhưng sự kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp hiện vẫn còn rất xa vời. Cần có những chính sách kết hợp chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và các trường đại học...”.
Nghiên cứu sinh có thể chủ động hơn trong định hướng, đề tài
Sau khi chỉ ra những “điểm nghẽn” đang tồn tại trong khung chính sách về nghiên cứu khoa học và đưa ra một số giải pháp, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh: “Để phát triển đội ngũ tiến sĩ trong trường đại học, cần nâng cao chất lượng nghiên cứu trong các trường đại học và phải có động lực thúc đẩy cho giảng viên chuẩn hóa thêm.
Nếu có quỹ tín dụng để hỗ trợ nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, chắc chắn sẽ có những tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao hơn. Không chỉ là hỗ trợ về học phí, giảm nhẹ gánh nặng về mặt kinh phí, mà còn giúp cho các nghiên cứu sinh chủ động hơn trong các định hướng nghiên cứu, trong việc theo đuổi các dự án, đề tài nghiên cứu. Bởi, so với việc giảng viên tự xin học bổng và tham gia vào các dự án nghiên cứu đã được định sẵn của giáo sư nước ngoài thì khi có thể tự bảo đảm chi phí, cũng có nghĩa, nghiên cứu sinh sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn hướng đi của mình.
Đồng thời, sau khi các nghiên cứu sinh đi học về, có thể giữ được sự kết nối với các giáo sư ở nước ngoài để vừa hỗ trợ các lớp nghiên cứu sinh mới, vừa giới thiệu về nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm...”.
Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng cho rằng: “Có quỹ tín dụng để hỗ trợ nghiên cứu sinh là rất tốt. Song, vấn đề nguồn quỹ lấy từ đâu, quản lý như thế nào, cơ chế vận hành và mối tương tác của quỹ đến việc đầu tư cho khoa học - công nghệ ra sao... vẫn là những câu hỏi lớn mà chúng ta cần phải quan tâm khi muốn sử dụng quỹ này để hỗ trợ cho nghiên cứu sinh.
Đồng thời, cũng cần phải có cơ chế ràng buộc, chẳng hạn, giảng viên sau khi đi học, phải cam kết trở về làm đúng ngành, đúng lĩnh vực chuyên môn mình được đào tạo, phục vụ, cống hiến cho trường. Ngược lại, nhà trường cũng phải tạo điều kiện để giảng viên có môi trường, có cơ hội cống hiến. Nếu giảng viên học tiến sĩ xong, mà nhà trường không phát triển ngành đào tạo đó thì cũng rất lãng phí”.