Trong thời gian vừa qua, một số trường đại học tư thục có đề nghị được đăng ký mở ngành báo chí, xuất bản lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trả lời cho vấn đề này, Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến trả lời như sau:
“Tại điểm 3 về thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với công tác báo chí, xuất bản, trong chỉ thị 22-CT/TW ngày 17/10/1997 của Bộ Chính trị khoa VIII về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản” có nêu:
Một buổi học chuyên ngành của sinh viên ngành báo chí (ảnh minh họa: congluan.vn) |
Đào tạo bồi dưỡng báo chí chủ yếu là trong nước, dưới sự thống nhất của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học dân lập, tư thục”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, tiến sĩ Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: Trường Đại học Văn Lang có đào tạo về ngành quan hệ công chúng, trong đó có đào tạo nghiệp vụ về viết báo.
Theo thầy Võ Văn Tuấn, quy định này không còn phù hợp với thực tiễn phát triển trong việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của các trường đại học tư thục, là cái khó cho những trường này.
Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn luôn luôn chủ trương công bằng, không phân biệt giữa trường công lập và tư thục, thì việc kiến nghị sửa đổi quy định trên cho phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết để đảm bảo tính nhất quán, giải phóng năng lực đào tạo cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục.
“Vấn đề là các trường cần phải đào tạo như thế nào, cần phải đào tạo cả chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho cả sinh viên nữa, chứ đâu phải chỉ đào tạo mỗi mình chuyên môn thôi” – thầy Võ Văn Tuấn khẳng định.
Là một trường tư thục đã trình đề án xin phép đào tạo ngành báo chí, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF) thì ngược lại, hoàn toàn đồng ý với chủ trương này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc tuyển sinh, truyền thông của UEF chia sẻ: Trường muốn mở ngành báo chí, nên làm đề án để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến xem có đồng thuận không.
Tuy nhiên, với trả lời mới đây từ phía Bộ thì trường sẽ nghiêm túc chấp hành. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, có những văn bản hay quy định trước đây là như vậy, còn hiệu lực, thì giờ vẫn phải thực hiện.
Ngoài ra, việc này còn liên quan đến nhiều Bộ, Ban ngành khác nhau, chứ không phải chỉ riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, là chủ trương chung của Nhà nước nên Trường sẽ không triển khai đề án này nữa.
Tiến sĩ Phan Thị Việt Nam – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho biết quy định này hoàn toàn không mới, nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ khẳng định lại một lần nữa.