Bộ nên kiến nghị sửa đổi quy định đào tạo báo chí để có sự cạnh tranh lành mạnh

26/03/2021 07:02
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy định trường đại học dân lập, tư thục không được mở ngành đào tạo báo chí liệu có còn phù hợp khi cơ hội việc làm trong lĩnh vực này hiện đang rất mở.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin việc đăng ký mở ngành báo chí tại các trường tư thục, dân lập gửi các cơ sở giáo dục đại học tư thục, dân lập.

Theo đó, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trả lời đề nghị của một số trường đại học tư thục về việc đăng ký mở ngành xuất bản, báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến:

“Tại điểm 3 về thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với công tác báo chí xuất bản, trong chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17-10-1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về "Tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản" nêu: "Đào tạo bồi dưỡng báo chí chủ yếu là trong nước, dưới sự thống nhất của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học dân lập, tư thục" .

Yêu cầu này đang thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trên thực tế, trong lực lượng nhà báo chuyên nghiệp hiện nay, không ít người tuy không xuất phát từ môi trường đào tạo báo chí, có thể từ lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, vẫn làm nghề và say nghề, giỏi chuyên môn nghiệp vụ...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Sơn. Ảnh: NVCCPhó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Sơn. Ảnh: NVCC

Là một trong những người đặt nền móng để thành lập ra khoa Báo chí, nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Sơn phân tích:

“Thực tế hiện nay, ai có khả năng, yêu thích nghề báo đều có thể làm báo. Ai thiếu ở đâu thì bổ sung đào tạo ở đó, chỉ cần đáp ứng yêu cầu công việc, có chứng chỉ nghiệp vụ là có thể được tuyển dụng. Thực tiễn đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm ban hành quy định trên, nên hiện nay nếu vẫn duy trì việc không cho phép các trường ngoài công lập đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, theo tôi là cách hiểu rất máy móc”.

“Rõ ràng bây giờ người ta tuyển dụng theo năng lực, theo khả năng, đặc biệt là ngành báo chí có liên quan đến năng khiếu. Có rất nhiều người không đào tạo báo chí nhưng vẫn rất giỏi nghề, thậm chí, trở thành “thủ lĩnh” của một cơ quan báo chí. Có thể nhắc đến nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - ông Trần Bình Minh, vốn tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư. Hay từ một nhà thơ, ông Dương Kỳ Anh cũng đã từng trở Tổng Biên tập báo Tiền Phong…” Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Xuân Sơn nói.

Nên cạnh tranh lành mạnh và Bộ chỉ cần “siết” chất lượng

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hồ Bất Khuất (Giảng viên khoa Báo chí, trường Đại học Vinh) cho rằng:

“Thật ra, đây là vấn đề thuần túy thuộc về nhận thức thực tiễn chứ không liên quan đến chuyên môn. Nếu thực sự liên quan đến chuyên môn thì các trường tư thục, dân lập vẫn có thể mở ngành báo chí, xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần tìm giải pháp “siết” chất lượng là được.

Tôi còn nhớ, khi các trường đại học dân lập mới ra đời (vào những năm 1996 -1997), các trường dân lập được đào tạo báo chí, luật. Cụ thể, lúc đó, trường Đại học dân lập Đông Đô đã tuyển sinh, đã dạy được một năm. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng, ngành học này không được tiếp tục nữa, sinh viên báo chí buộc phải chuyển sang các ngành học khác như lưu trữ, thư viện...”.

Tiến sĩ Hồ Bất Khuất. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Hồ Bất Khuất. Ảnh: NVCC

Năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng yêu cầu trường Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh (nay là trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) phải chuyển hàng trăm sinh viên năm thứ 2 ngành Báo chí của trường này sang trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là ngành báo chí chỉ được đào tạo chính quy tại các trường đại học công lập. Trường Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh không phải là trường công nên không được phép đào tạo ngành này.

Tiến sĩ Hồ Bất Khuất cũng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, cách làm này không còn phù hợp với thực tiễn. Về nguyên tắc, đáng ra không nên phân biệt giữa trường công và trường tư. Chỉ cần trường nào đủ điều kiện (có giáo viên cơ hữu có học vị tiến sĩ chuyên ngành) thì được phép đào tạo.

Đáng lẽ, cần phải cho cả trường tư đào tạo báo chí để mở ra một cuộc cạnh tranh lành mạnh xem loại trường nào đào tạo tốt hơn. Chất lượng đào tạo tốt sẽ cung cấp nguồn lực tốt cho xã hội, nếu trường tư đào tạo tốt thì sao phải hạn chế. Kinh nghiệm cho hay, vấn đề đầu vào (nên có thi năng khiếu) và đội ngũ giáo viên sẽ quyết định chất lượng đào tạo".

Chính vì vậy, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm có kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền sửa đổi những quy định cũ cho phù hợp với thực tiễn mới của đất nước, quản lý chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí bằng chương trình đào tạo, kiểm định và bảo đảm đầu ra, tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo không phân biệt công hay tư, điều này sẽ góp phần thúc đẩy nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí phát triển lành mạnh và bền vững.

Ngân Chi