Trường cần giáo viên sử, trên đưa giáo viên văn, ai chịu trách nhiệm vì thừa?

15/11/2018 07:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là câu hỏi được đại biểu Ngô Thị Minh đề cập để dẫn chứng cho sự cần thiết cần làm rõ về quy định trách nhiệm trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, hôm nay (15/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Dự thảo dành một chương đề cập về nhà giáo. Đặc biệt thời gian qua, câu chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương gây ồn ào hết sức.

Vậy các nút thắt của vấn đề liệu có được gỡ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trao đổi với phóng viên bên hành lang quốc hội, đại biểu Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) dành hẳn một chương đề cập về nhà giáo.

Đại biểu Ngô Thị Minh. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Đại biểu Ngô Thị Minh. Ảnh: Giaoduc.net.vn

Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta phải có sự quan tâm sâu sát, có chính sách tốt hơn nữa cho nhà giáo để phát huy năng lực, tâm huyết của họ cho sự nghiệp “trồng người”.

Những vấn đề về vị thế, chính sách cho nhà giáo cần được các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến sát thực hơn để Luật Giáo dục sửa đổi khi được thông qua sẽ dễ dàng triển khai vào thực tiễn.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu thực tế hiện nay, có hơn 90% giáo viên, giảng viên đang giảng dạy, làm việc ở các trường công lập.

Nhưng chúng ta cũng cần nghiên cứu chính sách hợp lý hơn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên giảng dạy ở các trường ngoài công lập.

Làm sao cho để họ yên tâm công tác và cũng để các thầy cô giáo công tác ở khu vực công lập tình nguyện chuyển ra làm việc tại các cơ sở dân lập, tư thục khi học sinh dịch chuyển ra.

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, thay bằng việc nhà nước xây dựng đủ chỗ học thì nhà nước chuẩn hóa kêu gọi thu hút nhà đầu tư.

Nhà nước tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng trường tư chất lượng cao và phải có chính sách bình đẳng cho giáo viên trong khu vực tư và công lập.

“Không vì giáo viên ở trường ngoài công lập mà sự đãi ngộ, tôn vinh không coi trọng như trong các trường công lập.

Chúng ta phải tháo gỡ các quy định để làm sao cho trường tư phát triển mạnh mẽ, được có đất đai, tín dụng, quy hoạch đầy đủ.

Trường cần giáo viên sử, trên đưa giáo viên văn, ai chịu trách nhiệm vì thừa? ảnh 2Khiển trách Trưởng phòng Nội vụ tham mưu ký 550 giáo viên dôi dư

Khi đó, giáo viên sẵn sàng ra công tác ở trường tư. Người học cũng có thể ra khu vực này’, đại biểu nói.

Đại biểu nêu một thực tế là giờ chúng ta cứ phát triển mô hình trường công nhưng có dịch vụ chất lượng cao quá nhiều thì làm sao trường tư có đất để phát triển.

Cùng với đó, trường công có dịch vụ tư, dịch vụ chất lượng cao đang nảy sinh rất nhiều bất cập.

“Cho nên, chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, cất nhắc đội ngũ giáo viên ta phải tính đến.

Phải xem xét, tính toán việc giáo viên ra ngoài trường tư cũng coi đây là hình thức sắp xếp bố trí lại đội ngũ giáo viên.

Không thể giảm biên chế đơn thuần, cơ học như hiện nay”, đại biểu nhấn mạnh.

Cùng với đó, đại biểu Ngô Thị Minh phân tích, để tháo gỡ vấn đề thừa, thiếu giáo viên, tới đây Luật Giáo dục (sửa đổi) phải tính kỹ về quy định đến trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể.

Theo đại biểu, Chính phủ cần làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng trường, của Hiệu trưởng nhà trường, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay.

“Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều nơi hiện nay quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp. Quy định chung là như thế nhưng Ủy ban Nhân dân các cấp thì phải cụ thể là bộ, ngành nào.

Ví dụ phải quy định rõ Bộ Nội vụ phải chủ trì phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như thế, ngành nội vụ ở các cấp phải có trách nhiệm tham mưu Ủy ban Nhân dân trong lĩnh vực đó.

Có như vậy mới kiểm điểm được cán bộ khi không thực hiện được trách nhiệm của mình”, đại biểu nêu quan điểm.

Thêm vào đó, bà Minh nhấn mạnh, thừa thiếu giáo viên cục bộ ở trường nào thì người đứng đầu của các cơ sở giáo dục đó, họ phải có quyền. Nếu không có quyền bắt họ chịu trách nhiệm có được không?

“Trường cần giáo viên sử nhưng ở trên đưa cho họ giáo viên văn. Vậy hiệu trường có chịu trách nhiệm về việc thừa thiếu đó không?”, đại biểu đặt vấn đề

Cùng với đó, phải quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân, ví dụ Ủy ban Nhân dân cấp huyện, phòng giáo dục, phòng nội vụ phải phối hợp với nhau nhưng anh nào là chủ trì, anh nào là phối hợp.

Nếu quy định ở cấp trung ương là Bộ Nội vụ chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thì cấp huyện cũng tương tự như vậy, ngành nội vụ phải tham mưu Ủy ban nhân dân.

“Chúng ta phải quy định rất rõ như vậy. Theo tôi nhận thấy, tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 6 lần này cũng chưa thật cụ thể.

Trường cần giáo viên sử, trên đưa giáo viên văn, ai chịu trách nhiệm vì thừa? ảnh 3Sẽ bổ sung hơn 20.000 biên chế ngành giáo dục

Quy định không cụ thể thì việc quy trách nhiệm có những trở ngại”, đại biểu nêu quan điểm.

Thêm một điểm nữa, đại biểu chia sẻ, khi bàn thảo thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có lập luận nếu không có chỗ học vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Vì nếu theo Luật Trẻ em 2016 thì phải có chỗ học cho các em. Không thể em có chỗ học em không được. Các em không học ở trường công phải có trường tư.

“Vậy công thì thiếu, tư thì không, phụ huynh bế con bắt đền chủ tịch một địa phương đã từng xảy ra, vậy ai chịu trách nhiệm?

Vì vậy, theo tôi, việc quy trách nhiệm trong Luật Giáo dục (sửa đổi) phải toàn diện và thật thấu đáo”, đại biểu kiến nghị.

Đỗ Thơm