Nếu còn quảng cáo kiểu “đánh lận con đen”, tuyển sinh khối CĐ sẽ còn lao đao

20/03/2023 06:36
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đại diện một số trường cao đẳng, trung cấp cho rằng, cần có chính sách phân luồng cụ thể hơn, khối giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT quản lý sẽ hợp lý hơn.

Sự chuyển Bộ cũng là một trong những lý do khiến tuyển sinh gặp khó

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội chia sẻ: “Kết quả tuyển sinh của nhà trường trong năm 2022 được khoảng 750 chỉ tiêu (cả trung cấp và cao đẳng).

Tuy nhiên, so với giai đoạn những năm từ trước 2015-2017, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội tuyển sinh đông hơn rất nhiều. Theo số liệu tuyển sinh, những năm đó tuyển được hơn 2.000 chỉ tiêu/năm.

Có thể nói, chỉ tiêu tuyển sinh trong giai đoạn những năm trước cao hơn hiện tại là do một số nguyên nhân. Trước hết, do nhu cầu của người học cao hơn so với chỉ tiêu của các trường cao đẳng. Thứ hai, nhu cầu về nghề nghiệp mà trường có thế mạnh là điện tử, điện lạnh, điện tử công nghiệp, tự động hóa công nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ khí... ở giai đoạn đó cũng rất cao. Chính vì vậy, công tác tuyển sinh tương đối thuận lợi”.

Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. .Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. .Ảnh: NVCC.

“Ngoài ra, nếu so sánh chỉ tiêu tuyển sinh được của những năm gần đây với giai đoạn trước, thì sự chuyển đổi qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý cũng là một lý do.

Trước đây, có thể học sinh, sinh viên cũng không quá phân biệt giữa các trình độ đại học và cao đẳng, vì sự liên thông giữa cao đẳng và đại học nằm trong cùng một hệ thống do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Chính vì thế, có nhiều thuận lợi hơn, khi rất nhiều sinh viên lựa chọn học cao đẳng trước, sau đó mới liên thông lên đại học.

Một giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Một giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Thực ra, hiện nay cũng có nhưng vì có sự phân biệt tương đối rõ ràng giữa khối giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đặc biệt giáo dục đại học đang “rộng cửa” tuyển sinh hơn, nên học sinh đã tập trung đăng ký vào các trường đại học.

Bên cạnh những khó khăn chung từ biến động thị trường lao động, nhà trường cũng gặp phải áp lực cạnh tranh, khi số lượng các trường cao đẳng tăng lên và chỉ tiêu cũng tăng lên...” - Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc lý giải thêm.

Đứng trên góc nhìn cùng thuộc khối giáo dục nghề nghiệp, Thạc sĩ Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ những khó khăn trong công tác tuyển sinh chung.

“Khó khăn thứ nhất, công tác phân luồng hiện tại của chúng ta đang làm chưa triệt để. Vấn đề này giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nên qua các kỳ thi, vẫn có tình trạng học sinh trung học cơ sở đổ dồn vào trường trung học phổ thông cũng như học sinh trung học phổ thông đổ dồn vào đại học.

Mặc dù, học chương trình giáo dục nghề nghiệp, các em vẫn có cơ hội học song song chương trình văn hóa và có nhiều cơ hội, nhiều hướng đi khác... nhưng vấn đề này vẫn chưa được xã hội quan tâm, vẫn chưa được phụ huynh học sinh lựa chọn.

Thạc sĩ Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ về những khó khăn trong công tác tuyển sinh chung của khối giáo dục nghề nghiệp. ẢNh: NVCC.

Thạc sĩ Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ về những khó khăn trong công tác tuyển sinh chung của khối giáo dục nghề nghiệp. ẢNh: NVCC.

Vướng mắc thứ hai, hiện nay, một số trường cao đẳng tuyển sinh hệ 9+ nhưng theo dạng “mập mờ”, những quảng cáo theo kiểu “đánh lận con đen”, sai sự thật. Việc tuyển sinh đã khó, mà một số trường cao đẳng lại làm xáo trộn, như vậy, càng khiến phụ huynh băn khoăn, nếu con em mình học cao đẳng mà nhà trường lại bị “tuýt còi” trong tuyển sinh, đào tạo thì sẽ ra sao...

Vì vậy, cần phải chấn chỉnh lại, để môi trường tuyển sinh được trong sạch hơn, thì phụ huynh bắt đầu sẽ có một cái nhìn nhận tích cực hơn đối với giáo dục nghề nghiệp” - vị Hiệu trưởng phân tích.

Đẩy mạnh công tác phân luồng, các trường cần chủ động thu thập dữ liệu tuyển sinh

Từ những khó khăn trong thực tiễn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: “Nhà nước cần có một chính sách phân luồng cụ thể hơn đối với các trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội về sử dụng lao động, chẳng hạn như trình độ đại học chiếm bao nhiêu phần trăm, trình độ cao đẳng hay trung cấp chiếm bao nhiêu phần trăm...

Hiện tại, công tác phân luồng với giáo dục phổ thông cũng đang từng bước được quan tâm hơn, tuy nhiên, các trường phổ thông đang thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn khối giáo dục nghề nghiệp lại đang thuộc cơ quan quản lý là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dẫn đến chính sách hỗ trợ trên văn bản lại gặp nhiều vướng mắc khi triển khai thực tiễn.

Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý có thể thống nhất định hướng trong các văn bản, đặc biệt có cơ chế hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để trong thực tế, nhà trường và học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận với nhau thuận lợi hơn”.

Về mặt dữ liệu tuyển sinh, Thạc sĩ Trần Phương cho rằng: “Hiện giờ, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu cơ sở dữ liệu về học sinh.

Tuy nhiên, theo tôi, các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp cần phải chủ động nhiều hơn. Chẳng hạn, thông qua các ngày hội tư vấn hướng nghiệp hay chuyên đề hướng nghiệp tại các trường phổ thông, trường cao đẳng, trung cấp phải chủ động thu thập dữ liệu tại các trường”.

Sinh viên Trường Trung cấp Việt Giao. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Trường Trung cấp Việt Giao. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Trần Phương cũng ủng hộ quan điểm đưa các trường cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Ông cho rằng: “Đáng lý, theo tên gọi là giáo dục nghề nghiệp thì bản thân việc học đại học của sinh viên sau này cũng đào tạo ra một nghề... Vì vậy, cần phải cân nhắc để điều chỉnh cho trung cấp, cao đẳng cùng về một hệ thống với giáo dục đại học”.

“Ngoài ra, muốn làm truyền thông hay tuyển sinh cũng cần phải có kinh phí, nên Nhà nước cần có sự quan tâm, hỗ trợ về mặt truyền thông đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, truyền thông một cách tối ưu hóa, để thay đổi nhận thức xã hội thì khi đó các trường mới có thể tự phát triển.

Theo tôi, nếu trả lại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý sẽ hợp lý hơn.

Theo Thạc sĩ Trần Phương, các cơ sở đào tạo cần làm tốt vai trò sứ mệnh, nhiệm vụ của mình, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thật chất lượng. Ảnh: NVCC.

Theo Thạc sĩ Trần Phương, các cơ sở đào tạo cần làm tốt vai trò sứ mệnh, nhiệm vụ của mình, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thật chất lượng. Ảnh: NVCC.

Và quan trọng nhất là đơn vị nào phải làm tốt vai trò, nhiệm vụ của đơn vị đó, phải làm thật chắc, thật chất lượng.

Chẳng hạn, trung cấp làm tốt vai trò dạy trung cấp (đào tạo ra những thợ lành nghề làm việc được ngay); cao đẳng làm tốt nhiệm vụ dạy cao đẳng (đào tạo ra những người quản lý nhóm thợ đó, ví dụ trong 10 người có tay nghề cao cũng phải có một người giám sát); đại học làm tốt sứ mệnh đào tạo đại học (đào tạo những người đi theo hướng nghiên cứu, phân tích dữ liệu, phát triển thị trường...)” - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao nhấn mạnh.

Đại diện một trường cao đẳng phía Bắc cũng chia sẻ: “Hiện tại, có hai luồng ý kiến về việc các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp nên do Bộ nào quản lý, một là vẫn muốn giữ nguyên, vì giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm; tuy nhiên, còn có một ý kiến khác, đã là giáo dục thì nên nằm trong hệ thống giáo dục, tức là thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó cũng là điều hợp lý. Tôi cho rằng, nếu các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp trở về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, thì sẽ thuận lợi hơn trong việc hợp nhất hệ thống giáo dục của cả nước”.

Ngân Chi