Nếu dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần làm được những việc sau

03/12/2023 06:40
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ban hành nhiều văn bản, nhiều đoàn kiểm tra, giám sát nhưng việc dạy thêm tràn lan, o ép học sinh vẫn xảy ra vì giáo viên dùng mọi cách để “lách luật”.

Vấn đề đề xuất đưa dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tiếp tục được các đại biểu Quốc hội, nhà giáo và dư luận đặc biệt quan tâm, nhận được rất nhiều tranh luận trái chiều.

Bên ủng hộ thì cho rằng, phải có hành lang, cơ sở pháp lý để quản lý, chấn chỉnh vi phạm và người dạy thêm phải đóng thuế kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Bên không ủng hộ thì chia làm hai nửa, một nửa thì cho rằng nên để dạy thêm được kinh doanh như các ngành nghề khác không cần điều kiện và một nửa còn lại cho rằng nên cấm hoàn toàn dạy thêm vì nó là nguyên nhân gây nhiều bức xúc thời gian qua.

Ai cũng có lý lẽ riêng mình và việc tranh luận sẽ khó đi đến hồi kết nếu không có những nghiên cứu khoa học, những bài học thực tiễn đã và đang diễn ra, dự đoán khả năng xảy ra trong tương lai,...để đi đến quyết định cuối cùng và khi đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mọi người phải tuân theo, chấp hành, xử lý nghiêm vi phạm không có ngoại lệ.

Người viết thực tiễn đứng lớp trực tiếp giảng dạy trên 20 năm, trải qua nhiều vị trí giáo viên, tổ trưởng, phụ trách công đoàn,...nhân thấy việc dạy thêm nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tiếp tục tạo nhiều hệ lụy vô cùng lớn, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, giáo dục sẽ khó gọi là đổi mới căn bản toàn diện, học sinh khó phát triển đầy đủ năng lực, phẩm chất,..

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì người viết xin được đề xuất các quy định, điều kiện sau:

Thứ nhất, quy định cụ thể thời gian dạy thêm

Giáo viên dạy thêm là làm thêm kiếm thêm thu nhập, ngoài giờ làm việc, tức quyền được làm thêm là quyền không thể phủ nhận trong Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, giáo viên là viên chức khi làm thêm cũng không thể trái với quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi chung, tức là làm việc giờ hành chính (tuy có quy định dạy theo định mức số tiết từng cấp học nhưng thời gian không dạy thì giáo viên phải thực hiện các công việc khác như soạn bài, chấm bài, các công việc khác….) nên giáo viên dùng giờ hành chính để dạy thêm, người viết cho rằng không phù hợp quy định.

Như vậy, nếu quy định về điều kiện dạy thêm, giáo viên có thể dạy thêm ngoài giờ hành chính.

Thứ hai, quy định thời gian học sinh học thêm

Như đã nêu trên, nếu học sinh học thêm với các trung tâm, giáo viên nước ngoài, giáo viên ngoài công lập, giáo viên về hưu,...không phải giáo viên công lập hưởng lương nhà nước dạy thì có thể học thời gian rảnh không có tiết chính khóa.

Nhưng, nếu học với giáo viên công lập thì phải học ngoài giờ hành chính, có thể chiều tối, trưa hoặc chủ nhật. Điều này có thể sẽ gây áp lực, quá tải với học sinh vì thời điểm này học sinh cần phải nghỉ ngơi, học thêm sẽ khiến học sinh kiệt sức, gây nhiều hệ quả khôn lường.

Điều này nên được quy định cụ thể, tránh tình trạng dạy thêm tràn lan, dạy thêm bất chấp như hiện nay.

Thứ ba, quy định mức đóng thuế khi kinh doanh dạy thêm

Rõ ràng thời gian qua, việc dạy thêm học thêm quản lý chưa nghiêm, dạy thêm học thêm tràn lan, nhiều giáo viên có thu nhập rất cao từ dạy thêm nhưng chỉ khai báo, đóng thuế một khoản rất nhỏ.

Nhiều tiểu thương buôn bán, kinh doanh ế ẩm, đôi khi thua lỗ nhưng vẫn chịu thuế trong khi kinh doanh dạy thêm lợi nhuận, thu nhập quá cao nhưng thu thuế lại quá ít ỏi, thiếu công bằng.

Người viết cho rằng, đã gọi là kinh doanh thì phải công bằng với các ngành nghề khác, phải đóng thuế đầy đủ, hành vi khai báo gian dối, trốn thuế nên được xử lý nghiêm minh.

Thứ tư, có được dạy học sinh chính khóa hay không?

Đây là câu hỏi cần làm rõ khi quy định về dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thời gian qua, dạy thêm gây nhiều bức xúc chính là việc giáo viên o ép học thêm, bớt xén giờ dạy trên lớp, đối xử thiếu công bằng để ép học thêm,...chỉ có giáo viên chính khóa mới có thể dùng các việc này ép học sinh học thêm. Thời gian qua dù vi phạm nhiều nhưng khó xử lý vì khó có bằng chứng cụ thể.

Một giáo viên đang dạy thì học sinh học thêm rất nhiều nhưng khi vừa nghỉ việc hoặc nghỉ hưu có rất ít học sinh học thêm, điều đó cho thấy, học sinh học thêm vì điểm số vì muốn được để ý nhiều hơn là muốn nâng cao chất lượng.

Chiều ngược lại, nếu giáo viên không dạy chính khóa muốn học sinh học thêm phải nỗ lực hết mình, dạy để học sinh tiến bộ, học sinh tự nguyện.

Người viết cho rằng không cho giáo viên dạy học sinh chính khóa không phải hạn chế giáo viên dạy thêm mà còn khuyến khích giáo viên cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa trong dạy học, giáo viên dạy tốt tự học sinh tìm đến mà không phải dùng các chiêu trò như hiện nay.

Thời gian qua, ban hành nhiều văn bản, nhiều đoàn kiểm tra, giám sát nhưng việc dạy thêm tràn lan, o ép học sinh vẫn xảy ra vì giáo viên dùng mọi cách để “lách luật”.

Còn để giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa hay quy định hiệu trưởng được quyền cho phép dạy học sinh chính khóa là còn o ép, còn cắt xén chương trình, còn dùng thủ đoạn để bắt ép học sinh học thêm.

Thứ năm, giáo viên phải có kinh nghiệm giảng dạy, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên

Tiếp theo người viết đề xuất để giáo viên được cấp giấp phép dạy thêm là giáo viên phải có kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 3 năm và mỗi năm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Kinh nghiệm thực tế trong khoảng 3 năm đầu giáo viên bắt đầu tích lũy kinh nghiệm, phương pháp để giảng dạy nên ít nhất sau 3 năm mới cấp phép dạy thêm là hợp lý.

Bên cạnh đó, những giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ thì không được dạy thêm

Thứ sáu, giáo viên vi phạm dạy thêm không được dạy thêm trong vòng 3 năm

Nếu phát hiện giáo viên vi phạm các quy định về dạy thêm học thêm, cơ quan có thẩm quyền lập tức rút giấy phép kinh doanh dạy thêm và không cấp phép trong 3 năm tiếp theo đồng thời xử lý vi phạm theo Luật Viên chức.

Chỉ có xử lý nghiêm mới tránh được tình trạng dạy tràn lan, vắt kiệt sức học sinh như thời gian qua.

Thứ bảy, quy định cụ thể giáo viên được dạy tối đa bao nhiêu giờ/tuần hoặc tối đa bao nhiêu giờ/tháng

Giáo viên là viên chức làm việc giảng dạy, giáo dục và các công việc khác, nếu dạy thêm quá mức sẽ ảnh hưởng đến công việc tại đơn vị, thiếu thời gian tự học, thiếu nghiên cứu khoa học, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần,...

Nên, người viết cho rằng quy định điều kiện dạy thêm phải có nghiên cứu khoa học rõ ràng, cẩn thận về điều này, nên quy định giáo viên làm thêm được tối đa bao nhiêu giờ/tuần hoặc tối đa bao nhiêu giờ/tháng.

Nếu mỗi tuần giáo viên dạy thêm mỗi nhóm là 2 buổi, giáo viên dạy 3 nhóm sẽ là 6 buổi, mỗi buổi là 1,5 giờ cũng sẽ tốn nhiều thời gian là 9 giờ/ tuần, nên người viết cho rằng nên quy định giáo viên được dạy tối đa 4 nhóm với thời lượng tối đa 8 buổi/tuần, 12 giờ/tuần và không quá 48 giờ/tháng.

Nếu giáo viên dạy thêm nhiều hơn chắc chắn không đủ thời gian, sức khỏe để dạy trên lớp, không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên mà cả đến học sinh trong việc học tập, tiếp thu bài.

Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất cùng với tăng cường rèn kỹ năng sống, theo người viết thời gian qua việc dạy thêm học thêm chưa thuyên giảm mà vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều hệ lụy, nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cấp các ngành cùng nghiên cứu để việc dạy thêm học thêm không vắt kiệt sức phụ huynh, học sinh, không gây hậu quả xấu, nhiều bất bình như trong thời gian qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi