Trước tình trạng dạy thêm, học thêm ở các cấp học phổ thông tràn lan như hiện nay, có người cho rằng do lương giáo viên thấp nên bắt buộc họ phải làm thêm để tăng thu nhập, chăm lo cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn đã là như vậy đối với những giáo viên đang dạy thêm.
Thực tế, phần nhiều những giáo viên đang dạy thêm cho học sinh hiện nay là những thầy cô có điều kiện kinh tế tốt hơn rất nhiều những thầy cô không dạy thêm nên đa số những giáo viên này đang có mức thu nhập khá cao.
Những thầy cô đang dạy thêm cho học trò phần lớn là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tiếng Anh ở tiểu học và phần lớn các giáo viên các môn được xem là môn học chính, liên quan đến thi cử của cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Những thầy cô dạy các môn năng khiếu; thể chất và một số môn không liên quan đến thi cử ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông có dạy miễn phí cũng khó có học sinh đến học.
Vì thế, những thầy cô đã, đang dạy thêm không phải là những giáo viên có thu nhập thấp. Việc tăng lương cơ sở hay trả lương theo vị trí việc làm về cơ bản không ảnh hưởng tới việc dạy thêm của họ và nếu vẫn như hiện nay thì không thể cấm cản được dạy thêm của những giáo viên này.
Ảnh minh họa: Báo Lao động |
Nhiều giáo viên chỉ dạy thêm vài buổi là bằng cả tháng lương giáo viên ở trường
Với mức lương đang trả theo hệ số hiện nay, những thầy, cô giáo dạy phổ thông có 15 năm công tác, lương bậc 5 hoặc bậc 6 (nếu được tăng lương trước hạn) sẽ có mức lương dao động khoảng trên dưới 8,5 triệu đồng.
Để có 8,5 triệu đồng/tháng, tất nhiên giáo viên sẽ dạy theo định mức từ 17-23 tiết học (tùy cấp học) và làm rất nhiều các công việc chuyên môn liên quan như soạn giáo án, chấm bài; hoàn thành các công việc Ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn giao; tham gia hội họp, dự giờ, các phong trào ngoại khóa cùng học sinh.
Những thầy cô không dạy thêm, sẽ gói ghém số tiền này trang trải cuộc sống gia đình trong 1 tháng, tất nhiên là sẽ có nhiều khó khăn vì độ tuổi này con cái đang tuổi ăn, tuổi học khá tốn kém.
Tuy nhiên, cũng một giáo viên có 15 năm công tác mà dạy tiếng Anh, hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp ở tiểu học ở những khu vực thị thành sẽ có mức thu nhập gấp nhiều lần mức lương 8,5 triệu đồng được nhận hàng tháng ở nhà trường.
Một giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học, hiện đang công tác tại một thành phố ở phía Nam chia sẻ: Hiện nay cô đang “nuôi trọn gói” 12 học sinh tại nhà. Sáng, phụ huynh đưa con đến trường học tập. Trưa, cô đưa về nhà ăn uống, nghỉ ngơi, buổi chiều vừa quản, vừa dạy thêm cho học trò.
Khoảng 17 giờ- 17 giờ 30 phụ huynh đón con tại nhà cô. Mỗi tuần, cô đón trò về nhà “nuôi trọn gói” 5 buổi chiều. Mỗi tháng, phụ huynh sẽ đóng phí cho cô 2.500.000 đồng. Ngoài ra, nhiều học sinh trong lớp không được cha mẹ gửi theo kiểu trọn gói thì phụ huynh đưa đến nhà cô học thêm vào giờ học thêm.
Những thầy cô dạy tiếng Anh ở tiểu học không nuôi học sinh nhưng vì dạy nhiều lớp, thông thường mỗi giáo viên dạy từ 6-7 lớp nên lượng học sinh học thêm khá nhiều. Chính vì thế, lương ở trường chỉ là một phần thu nhập nhỏ trong tổng thu nhập của giáo viên đang dạy thêm tại nhà.
Một phụ huynh có con đang học lớp 10 tại một trường trung học phổ thông chuyên cũng ở một tỉnh phía Nam cho biết: “Đọc báo thì thấy nói lương giáo viên thấp nhưng theo tôi biết chỉ có một số giáo viên không dạy thêm, hoặc không thể dạy thêm vì dạy các môn học được xem là môn phụ ở các nhà trường.
Đối với những giáo viên đang dạy thêm có mức thu nhập khá cao so với thu nhập bình quân của xã hội. Bởi lẽ, con tôi đang học lớp 10 và đang học thêm môn Toán với cô giáo chủ nhiệm lớp.
Mỗi tuần học thêm 2 buổi, mỗi buổi 90 phút nhưng học phí mỗi tháng là 500.000 đồng. Lớp học thêm có 30 học sinh và cô đang dạy thêm nhiều lớp khác nhau.
Chỉ tính 1 lớp con tôi đang học, mỗi học sinh đóng 500.000 đồng x với 30 học sinh sẽ có tổng thu hàng tháng của lớp học thêm này là 15.000.000 đồng. Nếu đem 15.000.000 đồng chia cho 8 ca dạy/ tháng thì mỗi ca (90 phút) sẽ được gần 2.000.000 đồng”. Mức thu nhập từ dạy thêm như thế này cao hơn rất nhiều những ngành nghề khác”.
Trong khi, theo định mức giảng dạy hiện nay, nếu không kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm thì giáo viên môn Toán ở cấp trung học phổ thông thường được nhà trường phân công dạy 4 lớp, nếu làm chủ nhiệm thì dạy 3 lớp (mỗi lớp 45 học sinh).
Chính vì thế, chỉ cần 40- 50% học sinh chính khóa tham gia học thêm với thầy cô của mình thì mức thu nhập từ dạy thêm đã gấp 3-4 lần mức lương hàng tháng mà giáo viên nhận được từ nhà trường.
Cũng chính vì thu nhập từ dạy thêm đang đem lại nguồn thu ổn định hàng năm nên những giáo viên dạy các môn có thể dạy thêm được, nhất là giáo viên ở những khu vực mà điều kiện kinh tế phát triển là đều mở lớp dạy thêm.
Nhiều thầy, cô giáo còn tăng học phí theo từng năm và dạy ở mọi thời điểm khác nhau. Không chỉ trong điều kiện bình thường như hiện nay mà mấy năm dịch bệnh vẫn dạy thêm online cho học trò.
Một khi học sinh học chính khóa với những thầy cô đang dạy thêm thì gần như đều phải đi học thêm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không đi học thêm, sẽ khó tiếp thu bài vở trên lớp vì nó rích rắc với nhau.
Tăng lương cho giáo viên cũng khó cấm cản được tình trạng dạy thêm hiện nay
Với mức lương hiện tại, nhiều thầy cô giáo đang công tác tại các trường phổ thông công lập đang gặp nhiều khó khăn, nhất là những thầy cô mới vào nghề, những thầy cô dạy các môn được xem là môn phụ, hoặc những vùng khó khăn. Vì thế, việc tăng lương cơ sở hay đề án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 luôn được những thầy cô này chờ đợi.
Tuy nhiên, một thực tế mà mọi người có thể nhìn ra là cho dù nhà nước có tăng lương cho giáo viên thì việc dạy thêm của một bộ phận giáo viên hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì và thậm chí khi lương tăng cũng đồng nghĩa mức học phí học thêm cũng được tăng lên cao hơn hiện nay.
Thu nhập từ dạy thêm của những giáo viên đang dạy thêm tại nhà hiện nay rất hấp dẫn và lớn hơn rất nhiều so với thu nhập từ lương giáo viên tại các nhà trường. Bởi lẽ, họ không phải chi lại % cho nhà trường, không phải đóng thuế như dạy thêm tại trường hoặc tại các trung tâm gia sư.
Chỉ có những giáo viên xa trường thì phải thuê nhà để dạy thêm cho học trò là mất thêm phí thuê nhà, còn lại những thầy cô gần trường thì mở lớp tại nhà và tất nhiên họ không mất bất cứ phí gì ngoài tiền đầu tư mua bàn ghế lúc ban đầu.
Chương trình học đã được giảm tải, học sinh các trường phổ thông thì tỉ lệ học sinh giỏi ngày một nhiều hơn, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cuối năm, kinh phí khen thưởng của nhà trường không đủ để khen thưởng cho học trò nên đa phần các trường học đều vận động, gửi thư ngỏ cho phụ huynh để có kinh phí khen thưởng cho học trò.
Thế nhưng, học sinh vẫn mải miết đi học thêm từ lớp 1 đến lớp 12. Nhiều học sinh có lịch học thêm kín tuần. Nhiều em không chỉ học thêm trái buổi, học thêm buổi tối mà học thêm cả ngày Chủ nhật, học thêm cả mùa hè…
Vòng xoáy học thêm của học sinh, nhất là khu vực thị thành hiện nay rất áp lực. Không chỉ học sinh áp lực mà nhiều phụ huynh hiện nay cũng khá chật vật khi lo tiền học thêm của con em mình. Chỉ cần con học thêm đại trà 2-3 môn thì mỗi tháng, phụ huynh phải chi tiền triệu. Nếu học thêm theo nhóm vài em, mức học phí còn cao hơn gấp nhiều lần.
Em này học thêm sẽ kéo theo em khác, năm này học thêm sẽ kéo theo năm khác học thêm. Nhiều em chỉ có học và học mà quên đi nhiều thú vui khác, thiếu đi nhiều kĩ năng cần thiết của một học trò.
Giải pháp cho tình trạng dạy thêm đã được báo chí đưa ra khá nhiều, thậm chí những bức xúc từ tình trạng dạy thêm của phụ huynh cũng liên tục được phản ánh. Nhưng, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi khi cơ quan chức năng chỉ cấm dạy thêm các môn văn hóa ở tiểu học nhưng cũng mới là cấm trên giấy tờ còn thực tế nhiều nơi vẫn đang dạy thêm bình thường.
Việc dạy thêm hiện nay có một sức hấp dẫn cực lớn đối với một bộ phận giáo viên nên có tăng lương cho giáo viên thì những giáo viên này vẫn dạy thêm như thường vì thu nhập từ dạy thêm hiện nay đang rất lớn và thầy cô nói phí bao nhiêu là phụ huynh, học sinh đóng bấy nhiêu. Không có ai đi mặc cả, trả giá học phí học thêm của con em mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.