Nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đời của Thông tư 32 là nguyên nhân khiến bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Các ý kiến này liệu đã khách quan?
Tiến sĩ Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho biết:
“Bạo lực học đường thì thời nào cũng có. Nếu nói gần đây, bạo lực học đường gia tăng thì cần phải có nghiên cứu, đối sánh bằng những con số cụ thể. Khi chưa có đối sánh cẩn thận thì không thể kết luận nó gia tăng hay không gia tăng được.
Tuy nhiên, khi đọc thông tin về các vụ bạo lực học đường trên nhiều phương tiện truyền thông gần đây, tôi thấy có những dấu hiệu đáng lưu tâm sau đây:
Thứ nhất, trước đây bạo lực học đường diễn ra ở cùng cấp học, bây giờ, có xu hướng xảy ra ở liên cấp. Điều đó phản ánh mối quan hệ học đường của học sinh ngày càng mở rộng, phức tạp hơn, khó lường hơn.
Thứ hai, các vụ bạo lực thể hiện sự vô cảm rất cao, đáng ngại nhất là có sự tham gia của người lớn. Họ đứng quay clip rồi đưa lên mạng. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của học trò. Trẻ nhỏ thường coi hành vi của người lớn là chuẩn mực, nếu các em thấy người lớn có những hành vi vô cảm thì các em sẽ học theo.
Thứ ba, trước đây bạo lực chủ yếu diễn ra giữa học sinh với nhau thì nay xuất hiện và lan rộng sang mối quan hệ với thầy cô: học sinh bạo lực với các thầy cô giáo”.
Bạo lực học đường thì thời nào cũng có nhưng hiện nay, bạo lực học đường ngày càng xuất hiện những dấu hiệu biến tướng. Dư luận còn chưa hết bàng hoàng về sự việc học sinh tát cô giáo ngay trong lớp thì mới đây, sự việc học sinh lớp 9 đâm chết nam sinh lớp 8 trong giờ ra chơi khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi, nguyên nhân nào khiến cho bạo lực học đường có xu hướng nguy hiểm hơn?
Theo Tiến sĩ Hoàng Trung Học, bạo lực là hậu quả của sự tác động đa chiều, đa biến, từ cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến đã được “điểm mặt, chỉ tên” như Games bạo lực; các thông tin độc hại trên mạng không được kiểm soát; sự thờ ơ của gia đình khi phó mặc nhiệm vụ giáo dục cho nhà trường và thầy cô,… thì còn xuất phát từ ảnh hưởng của dịch Covid-19:
“Trong một số nghiên cứu của tôi, do tác động của Covid-19, học sinh phải học online ở nhà, các mối quan hệ xã hội bị hạn chế, hoạt động vui chơi giải trí, tương tác xã hội của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã có ảnh hưởng lớn đến hành vi và các vấn đề tâm lý của học sinh.
Học sinh cả ngày phải học tập, tương tác qua màn hình máy tính, căng thẳng do phải thích ứng với việc học online, tính đơn điệu trong các hoạt động sống gia tăng đã ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc của các em, nhiều học sinh bắt đầu có những biểu hiện hành vi hung tính.
Khi trở lại trường học, học sinh sẽ rơi vào tình trạng “chim sổ lồng”. Việc ổn định nền nếp học tập và sinh hoạt của học sinh cũng gặp khó khăn hơn. Những hành vi hung tính của học sinh cũng sẽ có nguy cơ gia tăng nhiều hơn”.
Ở các trường công lập, một lớp học có từ 50-60 học sinh là chuyện bình thường. Sĩ số lớp đông như vậy khiến cho việc quản lý lớp của giáo viên trở nên hết sức khó khăn.
Trước đây, khi học sinh vi phạm, tùy vào mức độ có thể áp dụng những hình thức xử phạt như phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn. Tuy nhiên, thông tư 32 có hiệu lực từ 1/11/2020 đã chấm dứt việc tồn tại những hình thức kỷ luật này. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là nguyên nhân khiến cho bạo lực học đường diễn biến khó lường và phức tạp.
“Trước khi bàn về Thông tư 32, tôi khẳng định bất kỳ nhà trường nào cũng vẫn phải có nội quy, quy định và những hình thức kỷ luật. Nếu nhà trường không có kỷ luật để xử lý những trường hợp vi phạm thì còn đâu ra kỷ cương, nền nếp? Nếu không có kỷ cương, nền nếp thì làm sao giáo dục được con người?
Chính vì vậy, chắc chắn trong nhà trường phải có kỷ luật, chỉ có điều là kỷ luật như thế nào cho phù hợp với triết lý giáo dục mới, với xu hướng phát triển mới của xã hội mà thôi.
Trước đây, hình thức kỷ luật cũ thường có tính răn đe nhiều hơn vì kỷ luật khi đó bản chất là trừng phạt. Phạt để học sinh sợ mà tránh. Tính giáo hóa, khích lệ, tôn trọng và nhân văn không được đề cao. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu, kỷ luật là hướng tới sự giáo hóa, cảm hóa, giúp học sinh thấy sai mà thay đổi để tiến bộ, chứ không phải sợ phạt, vì xấu hấu hổ (mà đôi khi không hiểu bản chất của sự thay đổi) mà tránh không làm.
Nghiên cứu Thông tư 32 tôi nhận thấy, Thông tư không phải tước đi công cụ kỷ luật trong trường, không làm mất đi công cụ để giáo dục học trò mà chỉ thay đổi từ chỗ loại bỏ các hình thức kỷ luật theo kiểu trừng phạt chuyển sang hình thức kỷ luật tích cực, chú trọng vào sự trợ giúp, giáo hóa, hỗ trợ người học thay đổi.
Để thực hiện được việc này, đòi hỏi các giáo viên phải dành nhiều tâm huyết hơn, tinh tế hơn trong các tác động sư phạm”, Tiến sĩ Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
Việc chuyển từ hình thức kỷ luật cũ mang nặng tư tưởng trừng phạt bằng bạo lực, xúc phạm nhân phẩm sang hình thức “kỷ luật tích cực” với quan điểm nhân văn hơn, mang tính cảm hóa hơn theo Thông tư 32 đã khiến cho không ít giáo viên cảm thấy áp lực ngày càng nặng nề.
Giáo viên không chỉ chịu áp lực từ nhà trường, từ phụ huynh mà còn chịu áp lực từ dư luận xã hội. Có ý kiến băn khoăn, liệu với từng ấy áp lực, giáo viên có rơi vào tình trạng sợ “dính” kỷ luật mà “buông xuôi” cho học sinh muốn ra sao thì ra không?
Về quan điểm này, Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho rằng: “Thực ra, không phải chờ đến khi Thông tư 32 ra đời mà từ trước, 1 bộ phận nhà giáo cũng đã xuất hiện cảm giác ngại sáng tạo, bắt đầu thu mình lại, làm tròn vai hơn là làm hết cái tâm của mình. Hiện tượng đó, tôi gọi là “Tự vệ nghề nghiệp”.
Trong thời điểm hiện nay, giáo viên đang phải chịu rất nhiều sức ép. Sức ép từ phụ huynh, từ thành tích học tập của học sinh, từ xã hội, từ yêu cầu công việc và cả từ truyền thông, báo chí.
Chính vì vậy, giáo viên đang cảm thấy dường như công việc của mình ngày càng khó khăn hơn. Trước đây, họ có thể dùng các công cụ kỷ luật truyền thống để dạy học sinh. Mọi việc có vẻ đơn giản hơn, nhanh hơn, dễ hơn, học sinh sẽ sợ hơn,… Tuy nhiên, bây giờ thì không như thế, giáo viên phải kiên trì hơn, nhân văn hơn, tinh tế hơn, khôn khéo hơn… Đương nhiên, các thầy, cô sẽ vất và hơn.
Việc của chúng ta, những người làm công tác truyền thông, công tác quản lý là phải hỗ trợ thầy cô vượt qua khó khăn này. Không để các thầy, cô cô đơn, bế tắc mà rơi vào tình trạng “Tự vệ nghề nghiệp”. Điều đó rất nguy hiểm”.
Trả lời câu hỏi về việc giáo viên cần thay đổi như thế nào để phù hợp với quan điểm “kỷ luật tích cực”? Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho biết:
“Thứ nhất, cách tốt nhất để thực hiện kỷ luật tích cực là không có học sinh nào vi phạm kỷ luật. Điều này đồng nghĩa với việc, kỷ luật chỉ là biện pháp cuối cùng. Dù áp dụng thế nào cũng không thể mang lại kết quả tối ưu trong quá trình giáo dục. Vì vậy, việc vi phạm kỷ luật của học sinh cần hạn chế tối đa bằng các hình thức phòng ngừa các vấn đề tâm lý của học sinh trong nhà trường. Trong tâm lý học trường học, chúng tôi đã hướng dẫn rất rõ về các kỹ thuật phòng ngừa tâm lý này.
Thứ hai, công cụ tốt nhất để giáo hóa con người, tạo ra sự phát triển bền vững chính là sự cảm hóa đến từ lòng yêu thương, đến từ sự nhận thức đúng mà thay đổi chứ không phải làm cho học trò sợ, bị xúc phạm mà học trò thay đổi. Sự thay đổi đến từ nhận thức đúng, đến từ cảm giác được tôn trọng, được giáo hóa là sự thay đổi bền vững, làm phát triển sự sáng tạo, tính nhân văn của con người.
Các thầy, cô cần phải được học những kỹ năng cần thiết để xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Khi có trường học, lớp học hạnh phúc thì sẽ không còn những trường hợp vô kỷ luật để mà kỷ luật nữa.
Thứ ba, khi học sinh có những biểu hiện lệch chuẩn, chưa ngoan, cách thức xử lý của thầy cô như thế nào để học sinh thay đổi thì nó liên quan đến 1 loạt các kỹ thuật về mặt sư phạm tích cực. Đó là cả một kế hoạch giáo dục và tác động tâm lý đi kèm trong một thời gian đủ dài, dưới sự hỗ trợ của tập thể lớp, cha/mẹ các em. Các các thầy, cô cần phải được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ này.
Học viện Quản lý giáo dục với vai trò là một cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo, vẫn thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo các cán bộ chủ chốt trong cả nước về “kỷ luật tích cực”, xây dựng “trường học hạnh phúc”, phương pháp “quản lý lớp học hiệu quả”, công tác “giáo viên chủ nhiệm tiên tiến”.
Nếu các nhà trường cần hỗ trợ, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ trong vai trò là người đào tạo, tư vấn cho các thầy/cô trong việc xây dựng, phát triển nâng cao chất lượng giáo dục cho các nhà trường”, Tiến sĩ Hoàng Trung Học nhấn mạnh.