Trong vụ gian lận điểm thi chấn động cả nước vừa qua, người ta bắt gặp khá nhiều kẻ gian dối nâng điểm cho con lại chính là lãnh đạo ngành giáo dục của các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.
Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn. |
Người là phó giám đốc, phó trưởng phòng khảo thí, chánh thanh tra sở giáo dục và đào tạo; rồi đến cấp trưởng phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng trường tiểu học, phó hiệu trưởng trường trung học, con giáo viên…
Những học sinh liên quan đến vụ nâng điểm đã bị các trường đại học xử lý bằng cách buộc thôi học trả về địa phương.
Xử lý như thế là việc cần làm, mặc dù xét cho cùng, trong vụ gian lận điểm thi, các em không phải là chủ mưu, không phải là thủ phạm chính, mà chỉ bị xem là những đồng phạm.
Nhưng đồng phạm đã bị xử lý, vậy không có lý do gì những kẻ chủ mưu, những thủ phạm chính lại vẫn tại vị và không hề hấn gì.
Những người làm giáo dục nhưng chính họ lại làm điều phi giáo dục.
Người vi phạm chỉ là giáo viên, công nhân viên cũng đã bị lên án.
Đằng này, họ chính là những vị lãnh đạo của trường, của phòng và của sở thì những vi phạm ấy càng đáng lên án gấp nghìn lần.
Vì họ mà cả kỳ thi với biết bao sự chuẩn bị kĩ càng, công phu, phút chốc đổ sông đổ biển.
Nhiều nhân tài thật sự (bỏ công bao nhiêu năm đèn sách) bị hất văng khỏi giảng đường mơ ước để nhường chỗ cho những “cậu ấm, cô chiêu” ham chơi hơn học.
Vì sự gian lận của những vị lãnh đạo này mà ngành giáo dục bị mất uy tín, mất danh dự, mất niềm tin trong mắt người dân cả nước.
Thế nên họ phải bị trừng phạt do lòng tham, do sự gian dối, sự lạm quyền của chính mình gây nên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cương quyết, mạnh tay đưa ra khỏi ngành những vị lãnh đạo như thế.
Bởi, ngay trong thời điểm này, ngành giáo dục cả nước đang trong giai đoạn thanh trừ cái xấu, tạo lập niềm tin cho người dân.
Gian lận điểm thi ngày càng lộ ra sự hư hỏng, suy đồi của nhiều cán bộ |
Nhưng thử hỏi, còn những vị lãnh đạo gian dối như thế này, nói ai sẽ nghe?
Tay đã nhúng chàm, liệu họ có đủ tư cách, đủ uy tín để đứng trước giáo viên, cán bộ công nhân viên ngành giáo dục để nhắc nhở mọi người phải trung thực, thật thà?
Phải đánh giá chất lượng thật của học sinh mà đừng chạy theo phong trào thi đua ảo?
Phải biết nói không với bệnh thành tích? Và đặc biệt nói không với những tiêu cực trong thi cử?
Có thể vì trách nhiệm họ vẫn phải nói, vẫn phải kêu gọi và vẫn quán triệt tinh thần chỉ đạo của mình cho ngành giáo dục địa phương.
Nhưng nói sẽ ai nghe đây? Khi mọi người đã chẳng còn niềm tin, sự tôn trọng thì lời nói của những vị lãnh đạo này sẽ không còn trọng lượng. Và khi đó, cũng chẳng ai làm theo.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không có biện pháp xử lý cứng rắn những lãnh đạo chạy điểm cho con, sợ rằng sẽ tạo ra tiền lệ xấu “vùng cấm” là bất khả xâm phạm.
Và, khi đó sẽ còn nhiều chuyện buồn trong giáo dục xảy ra.